Sản xuất lúa – tôm được đánh giá là mô hình phát triển bền vững, đem lại thu nhập cao cho nông dân. Vì thế, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang không chỉ mở rộng diện tích sản xuất, mà còn tích cực chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang thực hiện mô hình này.
Mở rộng diện tích lúa – tôm
Thấy được hiệu quả của mô hình tôm – lúa nên năm 2023 UBND huyện Long Mỹ đã tích cực chuyển đổi từ trồng lúa sang mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm, với tổng diện tích là 137ha, bao gồm diện tích trong đê và ngoài đê ngăn mặn thuộc xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Trên vùng đất khó, nhiễm phèn, mặn quanh năm như xã Lương Nghĩa, nhiều hộ dân trồng lúa đã nhanh chóng thay đổi cuộc sống nhờ mô hình kết hợp tôm – lúa.
Có thể nói, vấn đề xâm nhập mặn trong thời gian qua như đã vô tình tạo cho người dân nơi đây nghĩ ra cách làm mới. Đó là mùa khô thì lấy nước mặn nuôi tôm, mùa mưa thì trữ ngọt trồng lúa. Bằng phương thức sản xuất này, nông dân xã Lương Nghĩa không chỉ linh hoạt ứng phó tốt với hạn, mặn mà còn cải thiện nguồn thu nhập nhanh chóng cho gia đình.
Ông Trần Bảo Bình, ở ấp 7, xã Lương Nghĩa, cho biết: “Thấy được những hiệu quả thiết thực từ mô hình lúa – tôm nên tôi đã mạnh dạn tham gia và bước đầu thấy được kết quả khả quan từ mô hình. Với diện tích 1ha, tôi thả tôm vào nuôi, sau 6 tháng nuôi, có thể đạt năng suất khoảng gần 290kg/ha. Qua đó, thu nhập mang về cao gấp đôi so với việc trồng lúa 3 vụ/năm”.
Mô hình lúa – tôm mang lại hiệu quả cao, bền vững và thích ứng tốt với điều kiện xâm nhập mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Kiện Em, ở ấp 7, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Sau khi thu hoạch xong lúa Đông xuân thì gia đình tôi tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, làm ao chu đáo để chờ khi nước mặn về với nồng độ phù hợp là xuống giống hơn 5ha tôm sú trên ruộng lúa. Sau 3-4 tháng chăm sóc, chỉ cần giá tôm sú dao động 120.000-150.000 đồng/kg là nông dân sống khỏe”.
Theo ông Kiện Em, khu vực nuôi tôm này nằm ngoài đê bao ngăn mặn của huyện Long Mỹ. Trước đây, do bị nhiễm phèn, mặn nên nông dân thường chỉ gieo sạ một vụ lúa trong năm, sau đó thì bỏ đất trống; chỉ một số ít hộ đợi mưa xuống gieo sạ thêm một vụ lúa nhưng hiệu quả thấp, thậm chí thua lỗ.
Đến mùa khô năm 2016, nước mặn xuất hiện ở đây với nồng độ cao nên bà con chuyển từ canh tác vụ lúa kém hiệu quả, sang mô hình nuôi tôm sú trên đất lúa. Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ bà con về kỹ thuật sản xuất, tìm đầu ra khi đến kỳ thu hoạch…
Qua tính toán lợi nhuận thu về của việc nuôi tôm đạt khoảng 60-70 triệu đồng/ha/năm; cộng với tận dụng nguồn thu từ bán tép tự nhiên và các loại cá đồng được thêm 10-20 triệu đồng, tính ra cao hơn nhiều so với cây lúa.
Phát huy hiệu quả tích cực
Từ những kết quả đạt được, UBND huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang kết hợp với các cơ quan chuyên môn mạnh mẽ chuyển đổi mô hình trồng lúa sang mô hình lúa – tôm với mong muốn nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế địa phương.
Trong năm 2023, từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp, huyện Long Mỹ mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh trên nền đất lúa với quy mô 25ha, mật độ thả nuôi 3 con/m2, người dân tự đầu tư thả thêm tôm thẻ và tôm sú.
Theo đó, thời gian 6 tháng nuôi, năng suất tôm đạt gần 290kg/ha. Theo tính toán sơ bộ, chi phí bình quân cho sản xuất 1ha là 15 triệu đồng, trong khi đó cho thu nhập bình quân đạt từ 25-30 triệu đồng, lợi nhuận bình quân đạt từ 10-15 triệu đồng.
Mô hình nuôi tôm trên nền đất lúa là mô hình vừa mang tính thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa góp phần cho các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh bền vững, thân thiện môi trường. Đặc biệt, tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ là khu vực có tiềm năng sản xuất 1 vụ lúa nuôi 1 vụ tôm.
Theo ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ, tại địa phương này, do môi trường phù hợp cho tôm phát triển tốt, tăng trưởng nhanh, tôm nuôi chỉ sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên hoặc bổ sung một ít thức ăn chế biến nên hiệu quả kinh tế khá cao.
Sự kết hợp nuôi tôm trên nền đất lúa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn tạo ra sản phẩm tôm sạch. Việc trồng lúa trên đất nuôi tôm đã được cải tạo môi trường nước, tạo thức ăn cho tôm nuôi và giảm mầm bệnh.
Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết: Mô hình lúa – tôm đã được nhiều nhà khoa học chứng minh tính hiệu quả, tính bền vững và thích ứng tốt với điều kiện xâm nhập mặn nên huyện tiếp tục mở rộng quy hoạch sản xuất vùng ngoài đê để người dân có thể yên tâm chuyển đổi các đối tượng tôm nuôi phù hợp với từng tiểu vùng mặn, lợ khác nhau…
Mô hình góp phần khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, nước cũng như tạo ra thu nhập thường xuyên cho người dân vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.