Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm muối, ông Nguyễn Văn Lạc (ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã tìm hiểu, mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao (CNC), tạo thu nhập ổn định. Không ngừng học hỏi.
Tỷ phú nông dân nuôi tôm công nghệ cao
Sinh năm 1970, thời thanh niên, ông Lạc theo nghề làm muối của gia đình. Tuy nhiên, nghề làm muối vất vả, lại thường xuyên rơi vào cảnh được mùa thì mất giá, thu nhập bấp bênh.
Năm 2019, sau khi học hỏi kinh nghiệm từ người quen, ông quyết định chuyển sang mô hình nuôi tôm. Ông đầu tư 8 ao nuôi (1.000m2/ao), ứng dụng công nghệ cao
“Khác với cách nuôi thông thường, ứng dụng công nghệ cao là sử dụng 70% diện tích để xử lý nước, 30% diện tích để nuôi tôm. Gia đình tôi đang nuôi tôm trên diện tích 7ha, trong đó chỉ có 2ha là ao nuôi, còn lại là ao xử lý nước”, ông Lạc chia sẻ.
Nhờ xử lý tốt nguồn nước, cùng với việc được hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp con giống và thức ăn cho tôm của Công ty CP Việt Nam, những vụ tôm đầu tiên hiệu quả rõ rệt.
Từ 1 cơ sở với 8 ao nuôi ban đầu, ông mở rộng quy mô lên 2 cơ sở, với 24 ao nuôi, 2 ao ươm giống tôm thẻ chân trắng và hệ thống ao lắng xử lý nước thải.
Ông Nguyễn Văn Lạc (bìa trái), nông dân nuôi tôm công nghệ cao thành công ở xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hướng dẫn người lao động ở cơ sở kiểm tra nguồn nước nuôi tôm.
Hàng năm, ông Nguyễn Văn Lạc đều nhận được Giấy khen của huyện Long Điền, xã An Ngãi vì thành tích trong sản xuất, kinh doanh và ủng hộ công tác an sinh xã hội.
Ông cũng 3 lần được nhận Bằng khen của Hội Nông dân tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” và “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”.
Tôm giống thả vào ao ươm khoảng 2-3 tuần sẽ đưa ra nhà vòm tiếp tục nuôi 1,5 tháng, sau đó đưa ra ao thả, sau khoảng 100-120 ngày thì có thể thu hoạch. Với hình thức nuôi tôm cuốn chiếu, cơ sở Mạnh Cường 1 và 2 của ông Lạc thu hoạch 6 vụ tôm/năm.
Tôm có kích thước đều, mẫu mã đẹp, chắc thịt, nên được thương lái thu mua mang đi tiêu thụ tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đắk Lắk và một số tỉnh khác. Sau 3 tháng nuôi, tôm đạt trọng lượng 30-34 con/kg, năng suất 30-32 tấn/vụ (giá thu mua hiện nay 170-180 ngàn đồng/kg), mang lại lợi nhuận cho gia đình ông 1 tỷ đồng/vụ.
Là dân “tay ngang” nuôi tôm, nên ông liên tục học hỏi, tự rút kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc tôm. Việc đầu tư hệ thống nhà vòm giúp tôm giảm thiểu nguy cơ về dịch bệnh, thất thoát và đặc biệt là duy trì ổn định nhiệt độ nước cho tôm.
Vào những ngày cuối năm, nhiệt độ hạ xuống 21-220C hoặc ngày nắng nóng cao điểm, ngoài trời nhiệt độ lên tới 36-380C, thì trong nhà vòm, nước vẫn duy trì ở mức 27-320C, tạo thuận lợi cho tôm sinh trưởng.
Trong quá trình nuôi, giai đoạn nào con tôm cũng cần được chăm sóc, nguồn nước bảo đảm vệ sinh để cho tôm khỏe, có màu đỏ tươi, không bị da xanh hoặc vàng miệng. “Nuôi tôm giống như nhà có con mọn vậy”, ông Lạc ví von.
Tấm lòng chia sẻ
Không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, 2 cơ sở của ông Lạc còn tạo việc làm thường xuyên cho 32 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 7-9 triệu đồng/người/tháng và tạo việc làm cho hàng chục lao động thời vụ.
Hiện nay, ông đang mở rộng mô hình nuôi tôm CNC, chuẩn bị thêm 2 ao nuôi với diện tích 4.000m2/ao, nhằm tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, nhất là con em hội viên nông dân hoàn cảnh khó khăn.
Ông cũng sẵn sàng chia sẻ bí quyết nuôi tôm, cách làm giàu từ con tôm với những người có ý định chuyển đổi nghề nghiệp, hoặc nông dân đang nuôi tôm, tới học hỏi kinh nghiệm. “Việc học hỏi, chia sẻ mỗi ngày giúp tôi có thêm kinh nghiệm và kỹ thuật để nuôi tôm tốt hơn”, ông Lạc chia sẻ.
Theo bà Phan Thị Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Ngãi, ông Lạc là gương nông dân điển hình của địa phương, là người đầu tiên của xã nuôi tôm trên mảnh đất An Ngãi vốn truyền thống làm muối. Thành công của ông đã giúp một số hộ dân trong xã mạnh dạn chuyển đổi, làm giàu nhờ nuôi tôm.
“Bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh, ông còn tiên phong hỗ trợ học bổng, ủng hộ hội khuyến học, hội nông dân, các hoạt động từ thiện trên địa bàn xã với số tiền từ 20-30 triệu đồng/năm”, bà Thảo nói.