Bỏ phố về quê nuôi ốc
Giới thiệu về trại nuôi ốc bươu đen tại xã Duy Phú (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), chị Mai Thị Thu Sương (27 tuổi) bày tỏ niềm tự hào, phấn khởi với thành quả hơn 3 năm dày công cải tạo, biến ruộng sen thành “ruộng vàng” của gia đình.
Chị Sương dự định mở rộng 2.500m² ao nuôi hiện nay lên 4.000m² vì hàng sản xuất không kịp bán.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, chị Sương cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học ngành triết học, chị từng thử qua nhiều công việc văn phòng nhưng không gắn bó được lâu bởi tính mê xê dịch. Chốt lại, chị chọn nghỉ việc để tìm hướng đi mới.
Theo chồng về quê, dần yêu thích không khí đồng nội thoải mái, tự tại, chị Sương quyết định tính kế lâu dài để gắn bó. Nhận thấy mô hình nuôi ốc bươu đen kết hợp nuôi cá, trồng sen của gia đình chồng không mấy hiệu quả, kinh tế thấp, chị bàn bạc hướng cải tạo.
“Không có kiến thức nuôi ốc, tôi khăn gói vào các tỉnh miền Tây để học hỏi, sau đó về nghiên cứu sách vở, internet, vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, chị Sương nhớ lại.
Những ngày đầu, vì chưa chuẩn kỹ thuật, ốc nuôi trong thường xuyên bị bệnh ảnh hưởng đến năng suất, không thể cho ra con giống tốt. Dù thiệt hại không quá lớn, song những tâm huyết trong giai đoạn đầu khởi nghiệp của chị Sương dần lung lay.
Được sự động viên, giúp đỡ từ gia đình, chị Sương dần lấy lại ý chí và quyết tâm “chinh phục” con ốc bươu đen. Từng bước, chị hiểu rõ hơn về cách chăm sóc, tập tính của ốc, khắc phục những thiếu sót để cho ra con giống đạt năng suất hơn.
“Cơ sở chủ yếu cung ứng ốc bươu đen giống và trứng ốc. Lượng khách hàng ngày càng tăng, gia đình sẽ mở rộng diện tích trong thời gian tới”, chị Sương cho hay.
Theo chị Sương, mùa nắng nóng, chị đầu tư hệ thống máy bơm, giàn che làm mát hồ. Mùa mưa thì thả ít con giống hơn bởi thời điểm này ốc ít phát triển.
Nghề nuôi ốc tuy dễ nhưng không hề nhàn nhã. Người nuôi cần theo dõi thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh.
Điều quan trọng nhất trong nuôi ốc là phải giữ cho nguồn nước sạch sẽ, tránh để ốc mắc các bệnh sưng vòi, bệnh đường ruột, mòn vỏ… Mắc những bệnh này, ốc sẽ không cho trứng.
Đặc biệt, thức ăn cho ốc phải hoàn toàn tự nhiên, tự chủ nguồn thức ăn ngon, sạch thì ốc thu hoạch mới đảm bảo chất lượng.
Biến tấu với ốc
Hiện nay, mỗi tháng chị Mai Thị Thu Sương xuất ra thị trường hơn 100kg ốc thịt, 500.000 con ốc giống. Giá ốc thịt dao động 70.000-80.000 đồng/kg, ốc giống 300 đồng/con (khi đạt 15 ngày tuổi). Doanh thu từ ốc giống, ốc thịt, trứng ốc… khoảng 100 triệu đồng/tháng (chưa trừ chi phí).
Trung bình cứ 15 ngày, chị Sương thả 10.000 con giống mới để tái đàn, gây trứng.
“Chi phí nuôi ốc bươu đen không quá lớn. Tuy nhiên, để con giống đạt chất lượng, phải đảm bảo về kỹ thuật nuôi và ấp trứng. Công việc này đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, quan sát kỹ sắc thái của ốc để phòng bệnh, phải có con giống đảm bảo sạch khi giao đến tay khách”, chị Sương chia sẻ.
Hiện nay, ốc bươu giống tại trang trại của chị Sương được cung ứng đến các thị trường Đà Nẵng, Quảng Ngãi và các tỉnh Tây Nguyên. Để tiếp cận khách hàng, mạng xã hội là công cụ hiệu quả và chị Sương đã tận dụng tốt để kết nối kinh doanh, tư vấn, chăm sóc khách hàng trong giai đoạn đầu thả giống.
Đặc biệt, chị Sương đang từng bước xây dựng thương hiệu ốc sạch riêng, gồm các sản phẩm ốc bươu đen sạch, chả ốc, nem ốc, ốc gác bếp… Với những sản phẩm này, chị kỳ vọng sẽ kết nối để đưa vào các chuỗi cung ứng thực phẩm sạch tại địa phương và trong vùng.
“Tôi đã mang sản phẩm của mình tham gia các hội chợ trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc trưng địa phương, được khách hàng đánh giá tốt. Các sản phẩm cũng đã được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm”, chị Sương cho biết.
Với kế hoạch phát triển lâu dài nghề nuôi ốc, gia đình chị Sương đã có dự tính sẽ xây dựng nhà xưởng để phục vụ việc ấp giống ốc và phát triển thêm những sản phẩm mới của ốc thịt để phục vụ khách hàng, từng bước đa dạng hóa các mặt hàng sản phẩm.