Sau một thời gian nghiên cứu, thấy thị trường có nhu cầu cao về hoa quả, con đặc sản, ông Phạm Văn Hạnh, xã Đông Quang (Đông Hưng, Thái Bình) đã vay vốn, thuê ruộng của 4 hộ không cấy lúa cải tạo thành vườn trồng thanh long và xây chuồng nuôi đà điểu.
Ông cho biết: Kinh phí cải tạo vườn, xây chuồng trại khoảng 200 triệu đồng nhưng quan trọng nhất là phải học được kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, trồng, chăm sóc để cây, con phát triển nhanh, không bệnh, đem lại nguồn thu ngay từ lứa đầu.
Do vậy, trước khi triển khai mô hình, tôi đã đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số mô hình thành công trong và ngoài tỉnh để về áp dụng. Năm 2018, tôi bắt đầu trồng thanh long bám trụ. Vườn thanh long sau một năm trồng sai trĩu quả cho thu hoạch lứa đầu tiên, khẳng định hiệu quả kinh tế cao.
Tôi đã mạnh dạn nhân thanh long từ vài chục gốc lên 500 gốc trên diện tích 1 mẫu. Mỗi năm thanh long cho thu 7 – 8 tấn quả, trừ chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng.
Sau vài năm đầu tư nuôi lợn, gà, vịt bị bệnh dịch không có lãi, ông Hạnh chuyển hướng sang nuôi đà điểu, ít người nuôi mà giá trị kinh tế cao.
Theo ông, cái khó của người chăn nuôi là giá đà điểu giống khá đắt, 2 triệu đồng/con, nhưng bù lại đây là con vật dễ nuôi vì thức ăn chủ yếu là các loại rau, cỏ, cám, ngô, thóc vốn sẵn có trong nhà, ngoài vườn, chất thải ít gây ô nhiễm môi trường hơn so với chăn nuôi lợn.
Đà điểu có sức đề kháng cao, chỉ cần tiêm vắc-xin đầy đủ lúc bé, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, lúc nhỏ cho ăn cỏ, rau các loại, 6 tháng cho ăn bổ sung thêm cám viên, từ tháng thứ 9 trở đi cho ăn bổ sung thêm ngô.
Trung bình mỗi tháng đà điểu tăng khoảng 10kg. Thịt đà điểu mềm, ít mỡ dắt, có vị thơm ngon đặc trưng, chế biến được nhiều món như xào, nướng, luộc, hấp, nấu canh…, do đó thị trường tiêu thụ khá lớn.
Lứa đầu ông Hạnh nuôi thử nghiệm 20 con trên diện tích chuồng và khu sân 200m2. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn đà điểu của gia đình ông nhanh lớn và không bị nhiễm dịch bệnh.
Nuôi từ 11 tháng đến 1 năm đà điểu đạt trọng lượng 70kg tới trên 1 tạ/con là có thể xuất bán. Trong năm ông Hạnh đã bán hết cả đàn, thu được gần 200 triệu đồng, là nguồn thu cao nhất của gia đình.
Từ thành công bước đầu, ông đã tái đàn, tăng số đà điểu lên 25 con, tất cả đang phát triển tốt. Ngoài ra, trong trang trại ông Hạnh còn xây chuồng nuôi 1.000 con gà, vịt thịt.
Ông Hạnh mới tích tụ thêm hơn 1 mẫu ruộng cấy lúa kém hiệu quả. Trên diện tích đó, ông sẽ trồng thêm thanh long, cây na Thái và đào 4 ao nuôi ốc nhồi.
Ngoài ra ông sẽ nghiên cứu nuôi đà điểu ấp trứng để có nguồn đà điểu giống bảo đảm chất lượng cho trang trại của gia đình, giảm chi phí đầu vào, đồng thời cung cấp cho các gia đình khác phát triển chăn nuôi.
Ông Vũ Công Uẩn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đông Quang cho biết: Hội viên Phạm Văn Hạnh là người dám nghĩ, dám làm, tiên phong trồng thanh long, nuôi đà điểu tại địa phương.
Tuy là người tiên phong nhưng ham học hỏi để nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, do vậy ông đã thành công với mô hình chuyển đổi của mình. Đây là mô hình chúng tôi đang tuyên truyền, vận động hội viên học tập, nhân rộng để làm giàu.
Đà điểu là loài chim lớn nhất và nặng nhất hiện còn tồn tại trên Trái đất. Mặc dù kích thước to lớn như vậy, chúng có thể chạy với tốc độ 70 km /h và thậm chí nhảy được các bước nhảy dài năm mét.