Từ ý chí và quyết tâm làm giàu, vợ chồng bà Sơn Thị Nê, ngụ ấp Trà Lây 2, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng đã bỏ công sức tìm hiểu, tích lũy kiến thức qua các kênh thông tin về mô hình nuôi hươu sao sinh sản và lấy nhung.
Manh dạn nuôi vật nuôi mới vốn là động vật hoang dã
Sau quá trình tìm hiểu, vợ chồng bà Nê nhận thấy rằng mô hình này có nhiều tiềm năng kinh tế, và hoàn toàn phù hợp với điều kiện của gia đình.
Nghĩ là làm, hai năm trước, vợ chồng bà Nê không ngần ngại bỏ tiền của đầu tư mua 14 con giống hươu sao (trong đó có 2 con hươu đực) từ tỉnh Tiền Giang về chăn nuôi.
Theo bà Nê, mô hình nuôi hươu sao không quá khó để thực hiện, vì chúng là loại dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thức ăn không cao do hươu chỉ ăn cỏ, chuối, hay mít… “Thức ăn cho loài này đã có sẵn ở địa phương, chỉ cần cho hươu ăn mỗi ngày 3 lần là được”, bà Nê nói và cho biết, chuồng trại cũng lâu lâu mới vệ sinh một lần.
Qua hai năm nuôi và chăm sóc, đàn hươu sao của gia đình bà Nê phát triển rất tốt. Hai con hươu đực bắt đầu cho nhung, riêng các hươu cái thì cũng đã sinh sản. “Nông dân nuôi hươu sao được cam kết bao tiêu sản phẩm, nên phần nào cũng yên tâm. Riêng hươu đực cho nhung được thu mua với giá trên dưới 15 triệu đồng/kg, còn hưu cái thì bán được giá cao”, bà Nê nói.
Tỉnh Sóc Trăng được xem là địa phương mạnh dạn đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, với mô hình nuôi hươu sao sinh sản này đang được ngành nông nghiệp triển khai, với kỳ vọng loại vật nuôi mới này tiếp tục cho giá trị kinh tế cao.
Riêng ngành NNPTNT huyện Mỹ Tú cũng đã có nhiều việc làm thiết thực nhằm giúp bà con nông dân có nhiều thông tin đối với mô hình kinh tế này như việc tổ chức Hội thảo mô hình chăn nuôi hươu sao, hay tổ chức cho bà con đi tham quan thực tế tại gia đình bà Sơn Thị Nê, nhằm đúc kết kinh nghiệm để triển khai thực hiện.
Tỉnh Sóc Trăng mạnh dạn đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, với mô hình nuôi hươu sao sinh sản, nuôi con đặc sản đang được ngành nông nghiệp triển khai, với kỳ vọng loại vật nuôi mới này tiếp tục cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Hồng Thạch
Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mỹ Tú Phạm Minh Tú cho biết, thời gian qua, lãnh đạo huyện Mỹ Tú rất quan tâm đến vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Vấn đề đặc ra là làm sao đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế trên cùng 1 diện tích để giúp bà con làm giàu.
Nhìn nhận về mô hình nuôi hươu sao sinh sản, ông Tú cho biết, đây là loài động vật hoang dã nhưng đã được thuần hoá, điều quan trọng là con vật nuôi này phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Chúng vừa cho giá trị kinh tế cao vừa được đơn vị cung cấp giống cam kết bao tiêu sản phẩm, trong khi hươu sao cũng rất dễ chăm sóc.
“Loại vật nuôi này rất ít bệnh, không phải tốn nhiều thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng, nhưng giá trị kinh tế mang lại tương đối cao, bà con nông dân chỉ cần nuôi 2 năm là có thể thu hoạch nhung hươu 3 lần/năm”, ông Tú nói và cho biết, tính đến nay địa phương đã có 3 mô hình chăn nuôi hươu sao.
Ngành nông nghiệp địa phương cho biết, một mô hình nuôi hươu sao 4 con được nhà nước hỗ trợ 50% chi phí con giống. Ngoai ra, khi bà con phát triển đàn nuôi, ngành nông nghiệp sẽ theo dõi cũng như là hỗ trợ kỹ thuật để người nuôi đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất. Đồng thời, thông qua đây, địa phương sẽ có đánh giá kết quả để nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Nguồn: https://danviet.vn/nuoi-huou-con-dong-vat-hoang-da-chan-dai-toi-nach-vo-chong-soc-trang-kha-gia-may-hoi-20240805105308.htm