Chiều 17-5 tại Hà Nội, Bộ KH-CN tổ chức Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5. Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, một số địa phương, nhiều viện nghiên cứu, doanh nghiệp và hàng trăm nhà khoa học tham dự chương trình.
Trước khi bước vào phiên chính của sự kiện, Thủ tướng và các đại biểu đã đi thăm các gian hàng được thiết kế bên ngoài hội trường. Đây là các đơn vị đại diện cho các ngành hàng sản xuất, tiêu dùng có những sản phẩm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan, nghe giới thiệu về những thành tựu KH-CN tại sự kiện. Ảnh TRẦN BÌNH |
Mở đầu buổi lễ, Bộ trưởng KH-CN Huỳnh Thành Đạt đã nói về lịch sử ra đời của Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. 10 năm qua Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam trở thành ngày hội của lực lượng KH-CN và đổi mới sáng tạo cả nước.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, dù còn khó khăn nhưng những người làm khoa học Việt Nam vẫn kiên trì theo đuổi giấc mơ lớn và niềm đam mê bất tận, vượt lên khó khăn, thách thức tạo ra nhiều thành quả thiết thực, mang lại lợi ích cho đất nước. Trong 10 năm qua, nhiều hoạt động phong phú đã khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; dần hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, góp phần kiến tạo một xã hội tôn trọng khoa học và tư duy sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc buổi lễ. Ảnh TRẦN BÌNH |
Sau phần khai mạc của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, các diễn giả là những gương mặt đại diện doanh nghiệp, viện nghiên cứu, nhà khoa học chia sẻ nhiều câu chuyện thực tế về con đường phát triển KH-CN của mỗi cá nhân và đơn vị.
Đó là câu chuyện của của ông Nguyễn Đức Tài, CEO Công ty cổ phần Lumi Việt Nam, kể về hành trình khởi nghiệp từ năm 2008 khi là sinh viên năm 3 thuộc đội Robocon, ĐH Bách khoa Hà Nội; TS Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công thương) kể về đơn vị buộc phải “chuyển mình” để thích ứng với giai đoạn Việt Nam chuyển hướng nền kinh tế thị trường; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Nafoods Group cho biết, trong hành trình phát triển của công ty đã ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, trong đó sản phẩm từ chanh leo mang lại nguồn thu nhập lớn; ông La Văn Nam, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đại diện cho địa phương ứng dụng KH-CN vào nông nghiệp, kể về câu chuyện vải thiều Lục Ngạn được nâng giá trị sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý; TS Trương Thanh Tùng, Trưởng nhóm Nghiên cứu thiết kế và tổng hợp thuốc, Viện nghiên cứu Phenikaa (ĐH Phenikaa) với câu chuyện gợi mở các nhà khoa học trẻ hãy tin tự chinh phục những vấn đề tầm thế giới;…
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa các diễn giả tại sự kiện. Ảnh TRẦN BÌNH |
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, KH-CN đã có những đóng góp quan trọng trong mỗi giai đoạn, thời kỳ lịch sử đất nước. Trong chiến tranh, các nhà khoa học đã cải tiến nhiều loại vũ khí; nghiên cứu các loại thuốc chống lại các bệnh. Trong thời hòa bình, các nhà khoa học tiếp tục có nhiều đóng góp trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Từ một đất nước từ phải lo an ninh lương thực, trở thành đất nước xuất khẩu gạo. Xuất khẩu nông sản 55 tỷ USD, xuất khẩu gạo trên 7 triệu tấn…
“KH-CN là con đường ngắn nhất để đạt đến mục tiêu thịnh vượng”, Thủ tướng nhấn mạnh và ghi nhận thời gian qua, đội ngũ trí thức, KH-CN Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học trẻ, nhà khoa học nữ có đóng góp cho ngành KH-CN. Thị trường KH-CN đã bước đầu hình thành và đạt được những kết quả tích cực. Khoa học xã hội và nhân văn cũng được đẩy mạnh với nhiều thành tựu quan trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện. Ảnh TRẦN BÌNH |
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng các nhà khoa học Việt Nam ở trong nước và nước ngoài đã cống hiến thầm lặng và lao động quên mình cho đất nước trong suốt những năm qua. Thủ tướng cũng biểu dương các ngành, các cấp đã ủng hộ, hỗ trợ lực lượng KH-CN hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực, hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như KH-CN và đổi mới sáng tạo phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị trí quốc sách hàng đầu; chưa thực sự trở thành động lực để thúc đẩy phát triển. Hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động KH-CN còn chậm đổi mới. Còn thiếu các nhà khoa học đầu ngành; nhân lực nghiên cứu và phát triển công nghệ còn mỏng, nhất là những lĩnh vực công nghệ mới…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh TRẦN BÌNH |
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phát triển KH-CN được xác định là quốc sách hàng đầu. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo theo quan điểm: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.
“Trong một thế giới biến đổi nhanh, phức tạp và khó lường, để thực hiện mục tiêu đó, cần nuôi dưỡng, phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần KH-CN, đổi mới sáng tạo. Chúng ta cần có đội ngũ thầy cô giỏi, có tinh thần và nhiệt huyết nghiên cứu; cần có đội ngũ các nhà khoa học giỏi làm việc trong các viện nghiên cứu, trường đại học; các kỹ sư, nhà công nghệ giỏi trong doanh nghiệp, các nhà quản lý khoa học giỏi để hoạch định các chính sách thúc đẩy phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo. Chúng ta cần phát huy hiệu quả nguồn lực các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài. Và chúng ta cần có nhà khoa học, quản lý có tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược và có hành động quyết liệt, nỗ lực lớn, quyết tâm cao, định hướng có trọng tâm trọng điểm, để phát huy tối đa các nguồn lực để phát huy tối đa các nguồn lực để chúng ta phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học luôn giữ trong mình ngọn lửa nhiệt huyết, say mê, dấn thân vì khoa học. Ảnh TRẦN BÌNH |
Về một số nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong chỉ đạo phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp, tạo sự đột phá trong ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển KH-CN trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay.
Bên cạnh đó, tạo môi trường học thuật và điều kiện làm việc thuận lợi để sử dụng, trọng dụng và thu hút nhân tài KH-CN; phát triển mạng lưới kết nối nhân tài Việt Nam trong nước và nước ngoài.
Ngoài ra, nghiên cứu, triển khai các chế độ, chính sách đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ KH-CN; khơi dậy niềm đam mê, khát vọng cống hiến, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khuyến khích sự dấn thân, dám đối diện với rủi ro trong thực hiện các nhiệm vụ KHCN. Nghiên cứu, áp dụng cơ chế sử dụng nguồn vốn Nhà nước để đầu tư mạo hiểm cho KH-CN, đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp cần coi hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo là một trong các yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh…
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học luôn giữ trong mình ngọn lửa nhiệt huyết, say mê, dấn thân vì khoa học, để niềm đam mê này tiếp tục được trao truyền, lan tỏa sang các thế hệ hôm nay và mai sau; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa, đẩy mạnh đầu tư toàn diện cho phát triển KH-CN, nhất là các lĩnh vực mới phục vụ phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường.