Đó là chiếc xe hủ tiếu của bà Lê Thị Huệ, năm nay đã 61 tuổi, quê ở thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Bà kể, vào năm 1995, đứa con trai út của mới sinh vừa tròn 20 tháng tuổi, bà quyết định mang con rời làng quê (huyện Đức Phổ) nghèo khó của mình vào TP.HCM để tìm kế sinh nhai. Hồi còn ở quê nhà bà “học lóm” cách nấu hủ tiếu đặc trưng của người xứ Quảng nên khi vào nam bà quyết định chọn nghề bán hủ tiếu gõ để làm kế mưu sinh. Bà bán hủ tiếu từ cái thời một tô hủ tiếu gõ “bình dân” chỉ với giá vài ba ngàn đồng đến nay cũng đã trên dưới 25.000 đồng, nếu tô có thêm giò thì 30.000 đồng. Tính ra, bà đã “gắn bó” với cái xe hủ tiếu gõ ở mảnh đất này đã tròn trèm 30 năm.
Bà bảo, “hồi đó những người xứ Quảng” xa quê nhà, vào TP.HCM mưu sinh, bằng nghề bán hủ tiếu gõ như tui là phải đi gõ dạo quanh xóm, quanh hẻm phố mới ‘đúng điệu’, mà dân gian thường gọi là… hủ tiếu gõ”. Dụng cụ để đi gõ bán hủ tiếu quanh hẻm phố chỉ là hai khúc gỗ tròn, nhỏ, người đi gõ cứ cầm hai khúc gỗ rồi gõ “lộc cộc, lộc cộc” vào nhau để phát ra tiếng. Bà thuê người đi gõ hủ tiếu dạo quanh hẻm phố. Có hôm buổi tối không đi học mấy đứa con của bà cũng ra tranh thủ ra phụ mẹ rồi đi gõ hủ tiếu.
Với nụ cười hiền hậu, giọng xởi lởi đặc trưng của người dân xứ Quảng, bà nói, “Bán hủ tiếu gõ bây giờ không còn đi gõ như cách đây hơn chục năm về trước. Có khi khách quen muốn ăn tô hủ tiếu nóng thì gọi điện thoại cho tui mang đến tận nhà. Như vậy đỡ cực hơn nhưng nhiều khi cảm giác thấy như thiêu thiếu thứ gì đó, có lúc ngồi bán mà trong lòng nao nao, bỗng dưng chợt thèm cái cảm giác nghe tiếng gõ, thèm nghe cái âm thanh ‘lộc cộc, lộc cộc’ của hai khúc gỗ va vào nhau phát ra của những người xa quê bán hủ tiếu gõ như tui mấy chục năm qua”.
Nhiều khách hàng quen vào mỗi buổi chiều ghé đến xe hủ tiếu gõ quen thuộc của bà để thưởng thức bát hủ tiếu nóng, có người gắn bó với tô hủ tiếu gõ của bà cũng gần 30 năm, như anh Nguyễn Văn Dũng (làm công nhân, quê ở Phú Yên) nói “Đúng là mùi vị của tô hủ tiếu gõ của bà Huệ bán là cách làm, cách chế biến của người miền Trung rặc ri, từ cách nêm nếm rất đậm đà, khó quên cho đến các loại gia vị, cộng giá, rau hẹ… đều xuất xứ từ miền Trung…”.
Hầu hết khách quen, khách ghé đến ăn tô hủ tiếu gõ của bà có đủ thành phần, tầng lớp “sang – hèn”, mà nhiều nhất là sinh viên, dân lao động hoặc những người lao công quét rác vào ban đêm, những người đi nhặt ve chai.
Bà kể, mấy chục năm nay, đã không biết bao lần bà bán “miễn phí”, bán thiếu cho những phận đời nghèo khổ tha hương, mưu sinh trong đêm hôm vất vả. Có khi đó là chị lao công quên mang theo tiền, có khi là bà cụ nghèo đi lượm ve chai vào ban đêm nhưng không đủ tiền để ăn tô hủ tiếu gõ, cũng có khi là những người lỡ đường vào ban đêm mất hết tiền bạc. Có người ghé đến gọi bà tô hủ tiếu gõ nóng, xì xụp ăn xong tô hủ tiếu sờ vào túi mới biết quên không mang theo tiền, bà cười hiền bảo không có sao hết hôm nào rảnh ghé đến ăn rồi trả tiền cho bà sau.
Cuộc trò chuyện giữa tôi và bà “tạm ngưng” khi điện thoại cô “reng reng” vang lên. Đầu dây bên kia là của một khách quen gọi bà làm 2 tô hủ tiếu. Bỏ điện thoại xuống, đôi tay thoăn thoắt một cách chuyên nghiệp, bà làm 2 tô hủ tiếu theo yêu cầu của khách hàng quen thuộc rồi mang đi…
Bà bảo, “để có được tô hủ tiếu thơm ngon, nước lèo vừa miệng thực khách với hương vị đặc trưng và rất riêng, nhất là khách quen là người xứ Quảng, tui có bí quyết riêng khi nêm nếm cũng như bổ sung các loại gia vị đặc trưng quê mình khi nấu hủ tiếu gõ. Mỗi khi về quê là tui mua và mang theo các loại gia vị đặc trưng của quê hương vào để dành…”.
Hôm nào bán đắt khách, hết sớm, bà về phòng trọ cũng gần 23 giờ. Còn có hôm ế ẩm, nhất là khi vào mùa mưa, đường phố thưa người, vắng khách thì có khi bà lọ mọ một thân một mình đẩy xe về phòng trọ giữa đêm là chuyện thường tình. Bà bảo ráng ngồi bán cho hết, có khi khách lỡ đường, đi chơi khuya về ghé vào ăn tô hủ tiếu gõ nóng.
Mấy năm nay, nhất là từ khi dịch bệnh xảy ra, xe hủ tiếu đẩy của bà bán ế ẩm hơn trước rất nhiều, có khi một buổi chiều tối đến tận khuya bà chỉ bán hơn chục tô, theo đó tiền lời cũng giảm đi. Nhưng không vì thế mà bà bỏ xe, bỏ nghề bởi cái nghề bán hủ tiếu đã là máu thịt, là cuộc sống cả gia đình của bà.
Khi nghe tôi hỏi phụ nữ lớn tuổi, một thân một mình như bà, lại mưu sinh trên đường phố, bà có ngại nguy hiểm hay sợ kẻ gian kẻ xấu. Bà cười hiền khô, nói “đời tui nghèo khó, mưu sinh với cái xe đẩy hủ tiếu gõ này mấy chục năm, chắc người xấu cũng biết, tui đâu có tiền nhiều, trong người cũng chỉ mấy đồng bạc lẻ. Mà chắc trời thương, tui bán tại góc phố quen thuộc này từ đó giờ mấy chục năm nay vẫn bình an, vô sự, chỉ gặp toàn những người tốt, những người thương tui thôi”.
“Mình không phụ nghề, nghề không phụ mình, cũng nhờ gánh hủ tiếu gõ mấy mươi năm qua mà tui đã nuôi chồng, nuôi các con ăn học nên người”, bà bày tỏ. Người con trai đầu và con gái kế của bà đã ra trường và đi làm nhiều năm nay. Cũng nhờ cái xe hủ tiếu gõ này mà bà chăm lo nuôi chồng, nuôi mẹ già đau yếu ở quê nhà. Và, cũng nhờ cái xe hủ tiếu gõ này sau mấy chục năm mưu sinh ở đất Sài thành mà bà đã dựng được nhà vững chắc hơn để che nắng mưa.
Bà nói, ở TP.HCM bán hủ tiếu mấy chục năm qua, bà đã quen cuộc sống thuê trọ nơi này. Mỗi khi có việc về quê nhà làm đám giỗ hay chăm sóc mẹ già đau yếu chừng mươi ngày nửa tháng bà lại thấy nhớ quay quắt thành phố. Bà nhớ khu trọ nghèo khó được mọi người cưu mang, bà nhớ cái chỗ đứng bán xe đẩy hủ tiếu trong con hẻm quen thuộc mà hơn nửa đời người bà đã gắn bó mưu sinh…
Với ánh mắt chứa chan nghị lực và niềm tin của một người phụ nữ miền Trung, “xứ Quảng”, bà bảo “sẽ cố trụ lại mảnh đất này, gắn bó với cái xe hủ tiếu gõ này, với cái nghề mà bà đã chọn mấy chục năm qua cho đến khi nào bà cảm thấy không còn đủ sức khỏe để đi bán nổi nữa thì thôi. Bởi bán hủ tiếu gõ là cuộc sống, là lẽ sống của đời bà.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nuoi-con-an-hoc-tu-xe-hu-tieu-go-made-in-quang-ngai-185241007084710822.htm