Chó thả rông như vô chủ, không hề rọ mõm
Một tuần liên tiếp, cứ mở cửa ra vào lúc sáng sớm, chị Mai Cúc (ngụ Tân Sơn Nhì, Tân Phú, TP.HCM) lại sôi ruột.
“Sáng dậy còn bao nhiêu việc phải làm, cập rập chuẩn bị để đến công ty, nhưng ngày nào cũng phải lo đi dọn dẹp phân chó trước cửa. Nhà tôi nuôi chó nhiều năm, cũng thương yêu chó mèo lắm mà không thể thông cảm nổi với những người nuôi chó mèo kiểu vô ý thức như vậy.
Chó nhà tôi có chỗ đi vệ sinh sạch sẽ, được chăm sóc cẩn thận, không để nó tự ý ra ngoài để ảnh hưởng đến người khác. Nhưng nhà tôi lại phải đi dọn phân của chó nhà người khác. Tôi bất mãn không nói lên lời”, chị Cúc bức xúc.
Ngay cả chậu cây chị trồng trước nhà cũng chung số phận khi mới ngày đầu tiên trồng. Chị đã mua loại chậu cao để ngăn chó thì lại bị mèo nhảy lên ị vào trong chậu. Trồng cây để nhìn nhà cửa mát mắt thêm chút, giờ chị lại rước thêm bực bội khi phải đi dọn phân mèo vào sáng sớm.
Tương tự như vậy, chị Thanh Uyển (28 tuổi, ngụ Bình Thạnh) cũng không thể biết được chó mèo nhà ai liên tục ị trước cửa nhà mình.
“Hẻm nhiều người nuôi chó mèo lắm nên mình đâu biết được là của nhà ai. Bực lắm nhưng nhà mình ở, thấy dơ thì mình phải dọn chứ đâu còn cách nào khác. Hát karaoke biết được ai hát đó mà người ta lì ra còn không xử được chứ nói gì chó mèo thả rông”.
Anh Đoàn Viên (29 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) đề phòng cao độ khi chạy bộ, sau một lần bị hai con chó lớn nhà hàng xóm rượt chạy một đoạn dài.
“Chỗ tôi ở đường sá thẳng tắp, kết nối với nhau như bàn cờ nên rất thích hợp chạy bộ. Được khoảng một năm, nhà hàng xóm bỗng dưng đem hai con chó to về nuôi mà không rọ mõm và xích, để chúng chạy tự do.
Có lần, hai con chó bất ngờ lao ra vỉa hè tôi chạy bộ, sủa inh ỏi, rượt theo tôi một đoạn. Tôi chạy thục mạng đến khi có một người đến nạt nộ lại hai con chó thì chúng mới dừng lại”, anh kể.
Anh cho biết cũng cung đường đó, khi khu dân cư ngày một đông, người dọn về ở nhiều lên, người nuôi chó cũng tăng lên. Nếu như trước đây, mỗi chiều tối, người lớn tuổi, trẻ nhỏ ra đó tản bộ, hóng gió, thanh niên nam nữ chạy bộ thì bây giờ có thêm những người dắt chó ra phóng uế, đi dạo.
“Chó to, chó nhỏ, chó cảnh, chó ta đều có đủ. Không một ai rọ mõm cho chó. Nếu có dây xích thì rất lỏng lẻo”, anh kể.
Nuôi chó mèo xin hãy văn minh, đừng vì vui cho riêng mình mà bất chấp
Nhiều chủ nuôi chó mèo cho biết có nhiều bạn trẻ thấy nuôi chó mèo vui thì cũng muốn nuôi. Nhưng có rất nhiều thứ mà người nuôi chó mèo cần phải để tâm, phải chăm chó như chăm con.
Do đó, nhiều người khuyên rằng đừng nên tùy hứng, không tìm hiểu liền rước chó mèo về nuôi rồi làm phiền người khác.
Chị Trần Thảo (25 tuổi, ngụ Bình Thạnh) cho biết vợ chồng chị cũng nuôi một chú chó cái tên Meo, giống poodle, hơn 1 tuổi. Chú chó được nuôi trong phòng trọ 20m2, có dụng cụ để chó đi vệ sinh đúng chỗ. Tuy nhiên thỉnh thoảng nó vẫn chạy sang hành lang chung của nhà trọ hoặc trước cửa các phòng khác để phóng uế. Hai vợ chồng chị luôn phải đi dọn ngay để không làm phiền người khác.
“Gần nhà có công viên, chiều nào vợ chồng tôi cũng đeo dây cho Meo rồi mới dẫn ra công viên. Chồng tôi lúc nào dẫn Meo ra ngoài đi chơi thì cho mặc tã, hoặc mang theo khăn giấy và bịch ni lông để dọn dẹp vệ sinh.
Tôi luôn cầm sợi dây dẫn Meo chứ không thả ra vì sợ nó chạy lung tung, rượt mấy em bé đang chơi ở công viên, hoặc thậm chí chạy ra đường thì nguy hiểm cho người đi đường”, chị Thảo kể.
Tuy nhiên chị Thảo cho biết có lần dẫn chó ra ngoài chơi mà quên cho đeo dây xích trước khi mở cửa. Cửa nhà vừa mở, chú chó liền lao ra giữa đường khiến một chiếc xe máy thắng gấp suýt té. Cũng may người này không chạy nhanh và đã thắng lại kịp.
“Từ đó bất kể đi đâu tôi cũng cẩn thận kiểm tra cột dây dắt trước hoặc để vào lồng mang đi, không dám cho chạy theo sau lưng trừ khi về quê chơi loanh quanh sân nhà.
Chó nhỏ lành tính không thuộc giống chó dữ thì không nhất thiết phải rọ mõm, nhưng chó lớn thì người nuôi nên rọ mõm cho các em để không gây nguy hiểm bất chợt cho người khác”, chị Thảo chia sẻ thêm.