2 ông nông dân Trần Văn Cò nuôi chim cút; ông Nguyễn Đức Tùng nuôi chim bồ câu Titan (bồ câu Thái Lan) đều ở tỉnh Bình Phước. Chim cút, chim bồ câu là 2 loài vật nuôi đẻ cản chả kịp. Từ cảnh khó khăn, nhờ nuôi thứ “chim siêu đẻ” mà 2 ông Cò, ông Tùng nay có của ăn của để, giàu hẳn lên.
Nuôi chim cút “đút túi” mức lương 15 triệu/tháng
Đầu tiên là mô hình nuôi chim cút. Mô hình nuôi chim cút là cách làm ăn mới được gia đình ông Trần Văn Cò (thường trú ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) thực hiện rất hiệu quả trong thời gian qua.
Vào đầu năm 2015, gia đình ông Trần Văn Cò bắt đầu nuôi cút lấy trứng và thịt với quy mô chỉ 2 lồng, 150 con cúc giống. Qua thời gian nuôi thử, gia đình ông Cò thấy hiệu quả.
Nên đến tháng 3/ 2022, bằng số vốn tự có, gia đình ông Cò đã gia nhập Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Thạnh Biên (do bà Nguyễn Thị Hợp làm Tổ trưởng).
Bà Hợp đã giúp gia đình ông Cò hoàn thành hồ sơ và xin vay vốn “Hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm”, với số vốn vay là 63 triệu đồng.
Ông Cò vay tiền nhằm mục đích để mua thêm lồng, máy ấp trứng, cút giống và thức ăn, mở rộng việc nuôi chim cút.
Tại chuồng nuôi chim cút “đẻ trứng vô tội vạ” của gia đình ông Trần Văn Cò (bìa phải), nông dân ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước). Ảnh: Đức Phong.
Theo bà Nguyễn Thị Hợp, mô hình nuôi chim cút của gia đình ông Trần Văn Cò không tốn nhiều công chăm sóc, vốn đầu tư lại thấp. Đây được xem là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân vùng nông thôn. Vì thế, tổ tiết kiệm tạo điều kiện tối đa cho người nông dân vay vốn, phát triển chăn nuôi chim cút.
Hiện nay số lượng chím cút nuôi tại gia đình ông Cò khoảng 5.000 con. Trứng cút được đàn chim cút sản sinh hàng ngày, ông Cò bán ra thị trường bình quân khoảng 2.000 trứng/ngày.
Chim cút thị được các điểm nhà hàng, quán ăn đặt mua và trại chim cút ông Cò cung cấp đều đặn. Thu nhập từ bán trứng cút và cút thịt của gia đình ông Cò, hàng tháng, trừ đi chi phí thức ăn, thuốc, điện, nước… thì gia đình còn lời khoảng 15 triệu đồng.
Ông Trần Văn Cò chia sẽ: “Chim cút dễ nuôi, nhưng để nuôi số lượng lớn cũng là một việc không đơn giản. Bởi, khi nuôi phải thường xuyên theo dõi, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh để đàn chim khỏe mạnh. Muốn vậy, chuồng trại phải dọn vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc khử trùng. Thức ăn phải đầy đủ chất dinh dưỡng và nguồn nước đảm bảo cung cấp đầy đủ, chim nuôi mới phát triển tốt và sinh sản đạt chất lượng”.
Ông Cò thông tin thêm: “Nhờ đồng vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Thạnh Biên, mà gia đình tôi có đồng vốn phát triển nghề nuôi chim cút, từng bước thoát nghèo, rồi phát triển kinh tế gia đình lên một tầm cao mới – khá giả hơn. Hiện nay, gia đình tôi cũng đang có nhu cầu vay bổ sung thêm vốn để mở rộng mô hình, nhằm tăng thu nhập kinh tế gia đình”.
Mô hình nuôi chim cút có nhiều ưu thế, quỹ đất chăn nuôi vừa phải, vốn đầu tư không quá lớn. Đầu ra ổn định, vì sản phẩm gồm cả trứng và chim cút thương phẩm đều giàu chất dinh dưỡng, giá cả phải chăng, ít biến động; nên thị trường ngày càng ưa chuộng, thời gian thu hồi vốn nhanh.
Hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi chim cút, từ hộ ông Trần Văn Cò hứa hẹn sẽ mở ra hướng đi triển vọng. Qua đó, để các địa phương lân cận khuyến khích người chăn nuôi thử nghiệm, làm cơ sở nhân rộng.
Đẩy mạnh hơn nữa chủ trương đa dạng hóa vật nuôi có giá trị kinh tế cao, bền vững; bên cạnh chăn nuôi gia súc gia cầm truyền thống, nhằm tăng thu nhập cho người dân.
Chim bồ câu Titan ngồi ăn rồi đẻ trong lồng
Ông Nguyễn Đức Tùng, thường trú tổ 2, khu phố 1, phường Tân Đồng, TP Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) cho biết: “Lúc đầu tôi lên mạng internet để tìm hiểu cách nuôi.
Sau đó, tôi trực tiếp đi đến các cơ sở nuôi chim bồ câu lớn tại tỉnh Đắk Lắk và Bình Dương để học hỏi phương thức chăm sóc chim như thế nào”.
Qua quá trình học hỏi, ông Tùng nhận thấy, mô hình này, chỉ cần làm chuồng trại yên tĩnh, thoáng mát, nhiều ánh sáng; còn nguồn thức ăn cũng dễ kiếm như cám, bắp và gạo lứt.
Từ những kinh nghiệm học hỏi được, ông Tùng thấy giống chim bồ câu Titan (giống chim bồ câu nguồn gốc từ Thái Lan) rất dễ nuôi, lại sinh sản nhanh, giá trị thương phẩm cao, mang lại hiệu quả kinh tế. Ông Tùng đã quyết định đầu tư nuôi chim bồ câu Titan.
Ông Nguyễn Đức Tùng, nông dân làm giàu với mô hình nuôi chim bồ câu Titan (giống chim bồ câu xuất xứ từ Thái Lan) đang chăm sóc cho đàn bồ câu nuôi trong lồng. Trang trại nuôi chim bồ câu của ông Tùng ở khu phố 1, phường Tân Đồng, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước). Ảnh: T.L
Ông Tùng tận dụng diện tích chuồng heo của gia đình đã bỏ trống để nuôi chim bồ câu trong lồng. Quy mô ban đầu là 120 cặp chim bồ cây giống; đến nay ông Tùng đã nhân giống lên 230 cặp.
Ông Tùng cho biết: Với 230 cặp chim bố mẹ, công chăm sóc hàng ngày cũng không nhiều. Ông dành khoảng 2 giờ/ngày để cho chim ăn. Và, ông dọn vệ sinh chuồng trại 1 lần/1 tuần.
Việc nuôi nhốt hoàn toàn, tách riêng từng cặp, còn rất thuận lợi trong việc theo dõi sinh sản cũng như phòng ngừa dịch bệnh.
Bồ câu Titan là loài chim lớn rất nhanh. Nuôi từ 5 tháng trở lên, chúng bắt đầu sinh sản, mỗi tháng bồ câu mái đẻ một lứa.
Để hiệu quả hơn nữa khi chim bồ câu ấp trứng, ông Tùng cho chim mẹ ấp trứng giả, còn trứng thật ông dùng công nghệ máy ấp trứng, điều chỉnh nhiệt độ để trứng có tỷ lệ nở đạt cao hơn.
Sau khi trứng nở ra chim non, mới cho chim mẹ nuôi con. Làm như vậy thì chim bồ câu mẹ trong quá trình nuôi con chúng sẽ tiếp tục đẻ trứng.
Bồ câu Titan nuôi trong lồng đang là mô hình chăn nuôi rất thịnh hành ở các vùng nông thôn tỉnh Bình Phước. Ảnh: T.L
Cùng với nuôi loại chim bồ câu bồ Titan (nguồn gốc Thái Lan), ông Tùng còn xen vào đó nuôi thêm loài bồ câu có nguồn gốc trong nước. Vì mỗi loại, đều có những ưu, nhược điểm riêng.Hình thức nuôi như vậy là để đa dạng nguồn giống và cung cấp nguồn thương phẩm theo nhu cầu của thị trường.
Hiện nay, trên thị trường, thịt chim bồ câu (thương phẩm) có giá khác nhau như: Bồ câu Titan (Thái Lan) theo thời giá, từ 140-150 ngàn đồng/cặp, bồ câu ta hiện nay từ 100-120 ngàn đồng/cặp.
Với mô hình nuôi chim bồ câu thả trong lồng, ông Nguyễn Đức Tùng; đến hôm nay, mô hình đã thật sự thành công, từng bước giúp gia đình thoát nghèo và mang lại thu nhập ổn định.
Việc nuôi chim bồ câu Titan trong lồng của ông Tùng đã được nhiều nông dân từ các địa phương lân cận đến học hỏi và nhân rộng. Năm 2024, nông dân Nguyễn Đức Tùng được chính quyền TP. Đồng Xoài vinh danh, là gương điển hình nông dân làm kinh tế giỏi.
Nguồn: https://danviet.vn/nuoi-chim-cut-nuoi-chim-bo-cau-de-can-cha-kip-2-nguoi-binh-phuoc-giau-han-len-ca-lang-phuc-lan-20250117120439141.htm