Với mô hình nuôi chim công đầu tiên ở tỉnh Hải Dương, anh Nguyễn Văn Phương (xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) đã gây dựng thành công trang trại rộng 4000m2 với mức thu nhập lên tới 500 triệu đồng mỗi năm.
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa, anh Nguyễn Văn Phương (xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) được Xí nghiệp mỏ Đông Bắc (Quảng Ninh) nhận về làm việc với mức lương khá cao nhưng sau mấy năm chàng kỹ sư đã từ bỏ, về quê làm giàu và trở thành một trong những người tiên phong nuôi chim công ở Hải Dương.
Anh Phương chia sẻ: Cùng họ với gà, nhưng chim công sinh sản theo mùa, từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch và đẻ cách nhật (tức 2 ngày đẻ 1 trứng).
Thời gian chim công đẻ trứng sẽ vào buổi chiều, nên người nuôi cần chú ý thu gom trứng cho máy ấp hoặc gà ấp.
Chim công cần diện tích lớn về chuồng trại, trung bình 1 chuồng rộng chừng 20m2 sẽ ghép 1 chim trống với 3 chim mái sinh sản. Nhưng bù lại, việc chăm sóc loài chim này không tốn nhiều nhân công, chim được cho ăn, uống và dọn dẹp chuồng trại vào buổi sáng và chiều.
Đặc biệt các hộ nông dân có diện tích lớn có thể đầu tư chuồng trại bán tự nhiên, một nửa lồng có mái che và cầu để chim đậu, phần còn lại quây lưới để có ánh nắng tự nhiên, khi đó chim công sẽ có không gian tắm nắng giúp sức đề kháng tốt cùng bộ lông óng đẹp.
Đối với nguồn thức ăn chăn nuôi, chim công là giống chim lông vũ nên cho ăn thức ăn như cám gà, bổ sung thêm vitamin giúp lông bóng đẹp, cho ăn rau, lạc… Đối với thời kỳ sinh sản các nông hộ cho ăn thêm như mồi tươi như sâu, dế, thịt bò, cám gà đẻ…
Trang trại nuôi chim công của anh Nguyễn Văn Phương địa chỉ tại xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương có diện tích lên đến 4.000m2. Ảnh: Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam
Quy trình ấp nở trứng chim công và chim trĩ. Ảnh: Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam
Chú chim trĩ non mới nở được chăm sóc trong lồng ấp để đảm bảo thân nhiệt cho chim. Ảnh: Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam
Nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng về chim công giống, chủ trại đã đầu tư máy ấp trứng cho ra lò hàng trăm con chim giống đảm bảo chất lượng…
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên cho chịm công non. Ảnh: Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam.
Nên chọn mua cặp chim công, chim trĩ đạt 1 năm tuổi thì sức đề kháng tự nhiên rất cao,
lúc này chim công gần như sẽ không còn mắc bệnh nữa. Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam.
Trang trại nuôi chim công hiện nay có hàng chục đôi chim sinh sản, tuy nhiên chăm sóc chỉ cần 2 vợ chồng anh Phương vì nuôi loài này không tốn quá nhiều công sức. Ảnh: Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam
Để chim công phát triển tốt, mầu sắc bộ lông rõ đẹp, anh Phương nhận định thức ăn đóng vai trò quan trọng. Bà con cần bổ sung thức ăn thêm nhiều chất, vitamin, rau xanh và không thể thiếu thịt bò (nguồn protein quan trọng) giúp chim đầy đủ sức khoẻ và dinh dưỡng sẽ sinh sản tốt. Chim công nuôi vốn là loài chim hoang dã, động vật hoang dã có tên trong sách Đỏ. Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt NamẢnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam.
Trĩ ngũ sắc đỏ, là loại chim trĩ có bộ lông tông màu đỏ chủ đạo, tô điểm thêm các màu vàng, đốm xám, óng ánh rất cuốn hút người xem. Trang trại nuôi chim công, nuôi chim trĩ-hai loài chim vốn là động vật hoang dã có tên trong sách Đỏ của anh Phương ở xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam/Báo ảnh Việt Nam.
Với kinh nghiệm chăm sóc chim công nhiều năm, chủ trại nhận định, chim công với bộ lông vũ độc đáo thường tự vệ sinh bằng cách “tắm cát”. Chính vì vậy bà con nên rải cát trong chuồng chim công, dọn vệ sinh thường xuyên thì sau vài năm mới cần thay cát. Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam.
Với đặc thù là loài động vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam nên trước khi có ý định nuôi, người mua phải tìm hiểu mua giống chim công tại các cơ sở được Chi cục kiểm lâm tỉnh cấp phép, việc nuôi dưỡng cũng phải đăng ký để tránh vi phạm pháp luật.
Chia sẻ thêm về cách chăm sóc khi chim công bị bệnh, anh Phương nói: “Hiện nay vẫn chưa có thuốc chuyên trị với loài công, do vậy khi chim bị bệnh thì chủ yếu đều dùng thuốc của gà để chữa. Tuy nhiên, loài chim công có sức đề kháng tự nhiên tốt nên việc chữa trị cũng dễ dàng. Đến khi chim công đạt 1 năm tuổi thì sức đề kháng tự nhiên rất cao, lúc này chim công gần như sẽ không còn mắc bệnh nữa”.
Đến nay, mô hình nuôi chim quý hiếm-chim công, chim trĩ đã mang lại thu nhập rất cao cho gia đình, anh Phương đã xây dựng được nhà cửa khang trang, có của ăn của để.
Theo giá bán tại trang trại của anh Phương, hiện giá chim công giống (đạt một tháng tuổi, đã được tiêm vắc-xin) đắt nhất là công má vàng với giá 3,5 triệu đồng/con, chim công trắng có giá 2,5 triệu đồng/con và chim công xanh có giá 1 triệu đồng/con. Với quy mô hiện tại mỗi năm anh thu lãi khoảng hơn 500 triệu đồng.
Ngoài ra, anh còn giúp đỡ những hộ dân tại địa phương khởi nghiệp từ việc nuôi giống chim quý này, anh cũng lưu ý các nông hộ muốn khởi nghiệp từ chăn nuôi chim công cần phải tìm tòi, hiểu rõ tập tính của chim công. Nếu chim có những biểu hiện lạ cần trao đổi với những người có kinh nghiệm, tuyệt đối không được tự ý chữa bệnh bằng cách tiêm các loại thuốc vào chim công.
Hiện anh đang đầu tư mở rộng chuồng trại, tiếp tục nhân giống tăng đàn chim công để cung cấp ra thị trường; đồng thời sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật nuôi chim công, chăm sóc chim công cho những người có chung niềm đam mê về loài chim quý này.
Nguồn: https://danviet.vn/nuoi-chim-cong-dong-vat-hoang-da-co-trong-sach-do-o-hai-duong-cho-an-thit-bo-ban-35-trieu-con-20240723185015195.htm