YênBái – Là loài ưa lạnh và cần nguồn nước sạch tự nhiên làm môi trường sống, cá tầm từng chỉ nuôi được ở Sa Pa (Lào Cai) và Đà Lạt (Lâm Đồng), nhưng vài năm gần đây, các mô hình nuôi cá tầm được hình thành và nhân rộng ngày càng nhiều ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, đánh dấu sự thành công trong quá trình chinh phục loài cá khó tính này.
Những trang trại tiên phong nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) trên đỉnh Khau Phạ đã mở ra một hướng đi mới nhưng đầy triển vọng ở huyện Mù Cang Chải. Đến nay, trên địa bàn huyện có 4 trang trại nuôi cá tầm, diện tích nuôi trên 1,6 ha, hàng năm cung cấp ra thị trường gần 90 tấn cá.
Là loài cá khá khó tính khi phải sống trong môi trường nước trong sạch và nhiều ôxy nên quá trình chăm sóc luôn phải theo dõi, kiểm tra môi trường nước đều đặn hàng ngày để đảm bảo cho cá sinh trưởng tốt.
Theo những người nuôi cá ở đây, điều quan trọng khi nuôi cá tầm là quản lý môi trường nước bao gồm việc kiểm soát lượng oxy, điều chỉnh, duy trì nước chảy liên tục và duy trì nhiệt độ nước ở ngưỡng thích hợp. Bởi vậy, vào mùa hè khi nhiệt độ có dấu hiệu lên cao, cần có giải pháp giảm nhiệt độ nước chẳng hạn như che bằng lưới đen chống nóng.
Ngoài ra, cũng cần kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá để điều chỉnh khẩu phần ăn. Việc cho ăn cũng phải căn cứ vào nhiệt độ nước, nước lạnh ăn ít, nước ấm ăn nhiều hơn. Thức ăn cho cá chủ yếu là cám công nghiệp có hàm lượng protein và lipit phù hợp. Ngoài xuất bán cho các cơ sở đầu mối tại nhiều tỉnh trên cả nước, một số trang trại còn mở thêm dịch vụ nhà hàng, cung cấp tại chỗ các món ăn bổ dưỡng từ cá cho khách du lịch, trở thành món đặc sản hút khách.
Tại huyện Trấn Yên, cá tầm được nuôi tập trung ở xã Việt Hồng với 4 cơ sở nuôi có quy mô nhỏ và vừa, trong đó mô hình của anh Hoàng Văn Bình ở Bản Nả là lớn nhất, quy mô nhất gồm 11 bể nuôi cá thương phẩm, 24 bể ươm cá giống.
Anh Bình chia sẻ: “Sau nhiều năm chinh phục cá tầm, chúng tôi đã làm chủ kỹ thuật ươm giống và nuôi cá tầm thương phẩm. Nghề này tuy không mất nhiều công chăm sóc, song đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, đặc biệt là phải đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước lạnh sạch, khử trùng, điều chỉnh nhiệt độ nước đúng tiêu chuẩn thì cá sẽ ít bị nhiễm bệnh và sinh trưởng phát triển tốt. Thức ăn của cá không quá cầu kỳ, chủ yếu là thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, có thể ăn thêm tôm, tép nhỏ”.
Cá tầm thương phẩm nuôi trong 15 tháng sẽ đạt trọng lượng từ 2 – 2,5 kg/con trở lên và có thể xuất bán. Hiện nay, mỗi lứa, cơ sở của anh Bình có thể nuôi được 5.000 con cá thương phẩm, doanh thu đạt 1,5 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ khá ổn định với giá bán bình quân 15.000 – 17.000 đồng/con cá giống; cá thương phẩm có giá trung bình 200.000 đồng – 250.000 đồng/kg, cao hơn hẳn so với các loại cá nuôi khác.
Theo đó, HTX đã liên kết với Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Phát triển, Trường Đại học Hùng Vương thực hiện chuyển giao kỹ thuật nuôi cá tầm thương phẩm giúp hạn chế được các rủi ro; kỹ năng quản trị hướng tới mở rộng tiêu thụ sản phẩm ổn định, quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, các quy trình nuôi đến đầu ra của sản phẩm đều được vận hành tốt theo chuỗi giá trị.
Hiện, HTX có 13 thành viên với 24 bể bạt nổi, 2 ao lót bạt và 4 bể xây xi măng cốt thép, quy mô nuôi 1 vạn con/lứa, trung bình mỗi lứa HTX xuất bán khoảng 8.000 con cá thương phẩm, sản lượng bình quân đạt trên 20 tấn/năm, có đầu ra ổn định, từ đó tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động là người Mông ở địa phương.
Sản phẩm cá tầm Nà Hẩu cũng đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022. Để phát triển hơn nữa, HTX cũng đã tiến hành triển khai áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho thương hiệu cá tầm Nà Hẩu.
Có thể thấy, nghề nuôi cá tầm trên địa bàn tỉnh đã cho thấy hiệu quả khi đem lại năng suất, chất lượng sản phẩm cao, giá trị kinh tế lớn; tạo ra sản phẩm đặc thù phục vụ du lịch địa phương, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Hoài Anh