Trong năm 2024, sản xuất chăn nuôi và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã đạt được kết quả tốt. Nuôi cá lồng trên sông, nhất là các loài cá đặc sản như cá lăng, cá chép giòn, cá nước lạnh đã thay đổi cơ cấu đàn cá thả nuôi theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế.
Ông Nguyễn Hữu Thọ – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản Bắc Ninh nhận định, nghề nuôi cá lồng, nhất là nuôi các loại cá đặc sản như cá lăng, cá chép giòn, cá nước lạnh trên sông vẫn được duy trì và làm thay đổi cơ cấu đàn cá thả nuôi theo hướng nâng cao giá trị kinh tế; năng suất, sản lượng và giá trị chăn nuôi, thủy sản đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội chung của toàn tỉnh Bắc Ninh.
Ông Nguyễn Thành Trung (đứng thứ 2 từ bên phải) – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cùng các đơn vị liên quan thăm quan và đánh giá năng suất mô hình nuôi cá lồng, nhất là nuôi các loại cá đặc sản giá trị kinh tế cao trên sông Thái Bình của HTX Thủy sản Minh Tiến xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: NXL
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Ninh có có 157 hộ nuôi cá lồng tại 29 thôn thuộc 21 xã nằm trong 6/8 huyện, thị, thành phố với 2.700 lồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 71 lồng). Năng suất trung bình cho 1 lồng 108 m3 (6 m x 3 m x 6 m) hiện nay đạt 4,5-5 tấn/lồng/lứa nuôi.
Trong năm 2024, sản lượng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh bị ảnh hưởng do thiệt hại từ cơn bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu sau bão gây mưa, ngập lụt trên diện rộng.
Cùng với đó, diện tích nuôi trồng thủy sản trong ao đất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có xu hướng giảm. Tuy nhiên, do số lồng nuôi cá trên sông tăng nên tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt 41.000 tấn, đạt 100% so với kế hoạch năm và đạt 101,2% so cùng kỳ. Ngày càng xuất hiện các hộ nuôi thêm các loại cá đặc sản, giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá chép giòn, cá nước lạnh…
Hiện nay, các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, thức ăn, quản lý môi trường, phòng trị bệnh tiếp tục được người nuôi áp dụng rộng rãi.
Nhiều hộ nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã sử dụng các công nghệ cao như: hệ thống quạt nước, sục khí tự động bằng thiết bị rơle hoặc điều khiển bằng thiết bị điện thoại không dây (kết nối qua điện thoại thông minh) để tự động giờ bật, tắt, cảnh báo mất điện từ đó giúp các hộ nuôi cá chủ động thời gian, quản lý tốt ao nuôi, giảm sức lao động khi thao tác.
Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng các chế phẩm vi sinh làm ổn định chất lượng nước, nâng cao sức khỏe, sức đề kháng cho cá, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, không xảy ra dịch bệnh lớn, chất lượng sản phẩm thuỷ sản nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ngày càng được cải thiện và tăng lên.
Nguồn: https://danviet.vn/nuoi-ca-long-tren-song-tha-ca-ca-dac-san-dat-tien-dan-bac-ninh-bat-hang-ngan-tan-he-nuoi-la-giau-2024122510335879.htm