12:55, 19/03/2023
BHG – Ở tuổi ngoài ngũ tuần, ông Triệu Chàn Loàng mới bắt đầu khởi nghiệp. Thế nhưng, với bản lĩnh sẵn sàng đương đầu khó khăn, quyết tâm khơi nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có; ông Loàng là người đầu tiên của thôn Nậm An, xã Tân Thành (Bắc Quang) nuôi cá Tầm, cá Hồi đặc sản. Khởi sắc từ khởi nghiệp của ông đã tạo hiệu ứng tích cực, được đồng bào Dao ở Nậm An trân quý, học tập, làm theo.
Sau bao năm tháng cơ cực “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhận thấy sức khỏe tỷ lệ nghịch với thời gian, không thể mãi gánh gồng công việc ruộng, nương vất vả; ông Loàng suy tư, tìm phương thức khởi nghiệp mới. Nhận thấy bản Dao – Nậm An mình đang sở hữu tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, ông Loàng quyết tâm “đi tắt đón đầu” – nuôi cá đặc sản trên đỉnh Nậm An, nơi có độ cao từ 800 đến hơn 1.000 m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ. Điều này không chỉ giúp ông giải bài toán tăng thu nhập mà còn góp phần tạo chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch.
Ông Triệu Chàn Loàng (người cầm cá) là người đầu tiên ở Nậm An nuôi cá nước lạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Bắt tay vào khởi nghiệp, ông Loàng dành nhiều thời gian đi học tập kinh nghiệm nuôi cá Tầm, cá Hồi ở một số trang trại uy tín ngoài tỉnh như: Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn… Năm 2021, ông dành số tiền hơn 200 triệu đồng đầu tư xây bể nuôi cá, xây dựng tuyến kênh mương dẫn nước từ suối Nậm An về các bể chứa. Ông Loàng chia sẻ: Cá Tầm, cá Hồi ưa vùng nước lạnh và sạch. Do đó, trước khi dẫn nước từ suối Nậm An về nuôi cá, tôi đã thiết kế bể lọc nhằm đảm bảo nguồn nước sạch. Đến nay, gia đình tôi đã có 9 bể nuôi cá thương phẩm, 5 bể ương cá giống với tổng diện tích gần 850 m2, quy mô trên 6.000 cá thương phẩm và 5.200 cá giống.
Không phụ sự tận tâm, nhiệt huyết của ông, chưa đầy 1 năm chăm sóc, cuối tháng 12.2022, gia đình ông Loàng đón tin vui khi 3,4 tấn cá Tầm đầu tiên xuất bán về thị trường Hà Nội, mang lại nguồn doanh thu lên đến hơn 660 triệu đồng khi cá Tầm có giá 195 nghìn đồng/kg. “Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, lựa chọn đúng loại thức ăn chuyên dùng nên nhiều con nặng đến 3 kg, gia đình tôi phấn khởi lắm”, ông Loàng chia sẻ. Chăn nuôi cá đặc sản không chỉ giúp gia đình ông Loàng nâng cao thu nhập mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng và 6 lao động thời vụ với thu nhập 300 nghìn đồng/người/ngày.
Lãnh đạo huyện Bắc Quang và các ngành chuyên môn tham quan khu vực ươm cá tầm của anh Trần Văn Thiện (người đầu tiên bên phải). |
Thành công bước đầu trong chuyển đổi cơ cấu vật nuôi của ông Loàng đã tiếp động lực để nhiều hộ dân ở Nậm An mạnh dạn tìm phương thức phát triển kinh tế. Đến nay, đã có 10 hộ dân ở Nậm An học tập kinh nghiệm nuôi cá đặc sản của ông Loàng và 3 hộ trong số đó bắt đầu chuyển đổi cơ cấu vật nuôi; tiêu biểu như gia đình chị Triệu Mùi Ghến đầu tư nuôi 1.600 con cá Tầm. Ấn tượng hơn, sự tiên phong nuôi cá đặc sản của ông Loàng đã thu hút một số chủ trang trại nuôi cá tầm đến tìm hiểu, đầu tư. Anh Trần Văn Thiện, huyện Nam Sách (Hải Dương) chia sẻ: Điều kiện khí hậu, nguồn nước ở Nậm An rất thích hợp cho việc nuôi cá Tầm, cá Hồi. Nơi đây khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình khoảng 18°C. Nguồn nước chất lượng, bởi ở đây có rừng phòng hộ, người dân được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (lên đến 1,2 tỷ đồng/năm/44 hộ dân) nên việc bảo vệ rừng rất tốt. Chính vì vậy, nguồn nước được điều tiết, dù là mùa mưa, nước suối ở Nậm An cũng không bị đục, tạo thuận lợi cho việc chăn nuôi cá nước lạnh. Đây cũng là lý do mà tôi quyết định đầu tư trang trại ương cá Tầm ở Nậm An với quy mô gần 70 bể cá giống. Cũng theo anh Thiện, cá giống khi đạt trọng lượng khoảng 0,5 kg sẽ được chuyển về Hải Dương nuôi thành cá thương phẩm, thuận lợi cho việc gối vụ và phân phối sản phẩm đến các thị trường trong nước; một phần cá giống được bán lại cho người dân địa phương.
Nhằm khuyến khích, động viên sự đổi mới, sáng tạo của nhân dân trong việc tận dụng quỹ đất làm giàu, Bí thư Huyện ủy Bắc Quang Hà Việt Hưng đã trực tiếp khảo sát mô hình chăn nuôi cá đặc sản ở Nậm An. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức lại sản xuất cho nhân dân theo hướng thành lập hợp tác xã chăn nuôi, chế biến thủy sản nước lạnh. Đây là cơ sở quan trọng giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, từng bước xây dựng thương hiệu, cùng nhau tìm kiếm thị trường, hướng đến lợi nhuận, hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG