Nhận thấy nuôi cá lồng trên sông có nhiều ưu điểm so với hình thức nuôi cá trong ao, tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, nuôi cá ít dịch bệnh, cho năng suất cao, anh Đỗ Đăng Năng thôn Thụy Mão, xã Mão Điền, thị xã Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên sông cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Học xong đại học với tấm bằng kỹ sư thủy sản, anh Đỗ Đăng Năng thôn Thụy Mão, xã Mão Điền thay vì chọn đi làm ở ngoài anh trở về quê hương để thực hiện chính nghề của gia đình là nuôi thả cá và nhân cá giống cung cấp cho các ao nuôi trên địa bàn.
Năm 2012 thực hiện mô hình thí điểm nuôi cá lồng trên sông do Chi cục thủy sản tỉnh Bắc Ninh triển khai, anh Năng đã đăng ký và đầu tư xây dựng 10 lồng để nuôi cá.
Anh Năng chia sẻ, thời gian đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm nên cũng rất khó khăn, vừa làm vừa học hỏi thêm kỹ thuật để áp dụng nuôi cá đạt hiệu quả, trong 3 năm đầu gần như số tiền kiếm được dành hết cho đầu tư, sau mỗi năm anh Năng đều đầu tư mở rộng số lồng nuôi.
Hiện nay anh Năng đã đầu tư xây dựng được 60 lồng nuôi cá trên sông Đuống thuộc khu vực thôn Thụy Mão, xã Mão Điền, thị xã Thuận Thành.
Anh Năng (người ngoài cùng bên trái) chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá lồng (trong đó có cá đặc sản-cá chép giòn) trên dòng sông Đuống, đoạn chảy qua xã Mão Điền, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Giống cá được anh Năng thả nuôi trong lồng là các giống cá chất lượng, có giá trị kinh tế cao như: cá trắm, cá chép giòn, diêu hồng, cá lăng,.. trong đó chủ lực hiện nay là cá chép giòn chiếm đến trên 40% sản lượng.
Anh Năng cho biết, để đầu tư được 60 lồng cá trên sông đến nay anh đã phải chi phí khoảng trên 3 tỷ đồng, các lồng nuôi thiết kế theo kích thước dài 9m, rộng 6m và sâu là 3m, vùng quanh các lồng là hệ thống đường nổi đi lại phục vụ cho cá ăn và thu hoạch.
Vị trí đặt lồng liên quan mật thiết đến việc phát triển của cá nuôi và quá trình chăm sóc. Khi đặt lồng, anh Năng lưu ý: lồng cá được đặt ở nơi thông thoáng, có dòng nước luôn lưu thông, tốc độ dòng chảy đạt 0,2 – 0,3 m/s, nước sạch không bị ô nhiễm bởi các chất thải công nghiệp, nông nghiệp, nước sinh hoạt.
Độ sâu trên 3 m trở lên, đáy lồng cách đáy sông ít nhất 0,5 m, quá trình nuôi phải vệ sinh và bảo dưỡng lồng nuôi thường xuyên. Không đặt lồng ở nơi nước đứng hoặc nước chảy xiết, những khúc sông hay bị sạt lở.
Vị trí đặt lồng phải thuận lợi giao thông để thuận tiện trong việc cung cấp con giống, thức ăn, chăm sóc, quản lý, thu hoạch và vận chuyển tiêu thụ sản phẩm.
Khi gặp thời tiết xấu như mưa, bão… người nuôi cần kiểm tra lồng cẩn thận, dùng dây neo đảm bảo không bị đứt khi có dòng chảy mạnh, neo lồng vào những nơi an toàn, có thể thu hoạch bớt cá lớn để giảm trọng lượng trong lồng và giảm thiệt hại.
Vùng nuôi lồng bè nằm trong vùng đã được quy hoạch cho từng đối tượng thủy sản của địa phương và đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Nuôi cá lồng từ lúc thả con giống tới lúc thu hoạch có những loại cá kéo dài khoảng 2 năm. Với 60 lồng nuôi của gia đình, anh Năng áp dụng nuôi gối vụ để có cá thu hoạch thường xuyên và giảm bớt chi phí đầu vào trong nuôi cá.
Anh Năng cho biết, với cá trắm cỏ khi thả giống là 1kg sau một năm nuôi thì có thể cho thu hoạch, cá diêu hồng sau một năm nuôi thì có thể cho thu hoạch; đối với cá trắm đen, cá lăng, cá chép giòn thì phải sau 2 năm mới cho thu hoạch.
Nhận thấy cá chép giòn hiện nay đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của thực khách tại các nhà hàng với hương vị thơm ngọt, giòn độc đáo, đây là loại cá có giá trị kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ có nhiều tiềm năng nên những năm gần đây anh Năng đã tập trung phát triển nuôi cá chép giòn.
Loại cá đặc sản này thích hợp với nuôi lồng trên sông, cá có thể phát triển lớn nhanh và khỏe mạnh, cho năng xuất cao, chất lượng tốt, giá cá chép giòn hiện nay có thể xuất bán mức 115.000 đồng/kg.
Cá chép giòn anh Năng nuôi trong lồng đặt trên sông Đuống đoạn chảy qua Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh chuẩn bị xuất bán đạt trọng lượng trên 3 kg/con.
Là kỹ sư thủy sản, lại trải qua nhiều năm nuôi cá lồng trên sông, anh Năng chia sẻ những kinh nghiệm để hạn chế dịch bệnh trên đàn cá, đối với thức ăn dùng để nuôi cá cần đảm bảo các yêu cầu sau: bố trí khẩu phần phù hợp cho mỗi giai đoạn phát triển, cho ăn vừa đủ, không thừa hoặc thiếu, mục đích là tiết kiệm chi phí thức ăn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo cho sự phát triển của cá.
Ngoài ra, người nuôi phải theo dõi sát với sự thay đổi của thời tiết và sức khỏe của đàn cá, xác định khâu phòng bệnh là chính, quá trình nuôi phải kiểm tra thường xuyên, khi cá mắc bệnh có thể phải dừng hoặc giảm lượng thức ăn để điều trị đến khi hết bệnh, cách ly cá bị mắc bệnh xuống lồng ở cuối dòng chảy để tránh lây lan.
Trên đàn cá thường mắc một số bệnh như: ký sinh trùng, nấm, xuất huyết do vi khuẩn, tiêu hóa…, khi cho cá ăn người nuôi cần kết hợp định kỳ cho ăn thêm Vitamin, Men tiêu hóa, giải độc gan….để giúp tăng sức đề kháng cho cá nuôi.
Nuôi cá lồng trên sông mang lại thu nhập cao, xong chi phí là rất lớn, anh Năng cho biết chi phí tiền thức ăn cho cá có thể lên tới 700 – 800 triệu đồng/tháng, vốn đầu tư lớn nhưng đổi lại nghề nuôi cá lồng cũng mang lại thu nhập tương đối cao mà chăn nuôi những con khác không thể bằng.
Năm 2023 với 60 lồng cá, anh Năng đã thu sản lượng trên 200 tấn cá thương phẩm, trong đó có hơn 80 tấn là cá chép giòn, khi thu hoạch cá đều được các thương lái đến tận nơi để thu mua. Với mô hình nuôi cá lồng, một năm sau khi trừ chi phí thì thu nhập mang lại cho gia đình anh Năng “từ 600-700 triệu đồng/năm” – anh Năng nói.
Anh Năng cho biết, nguồn cá giống đều được anh chuẩn bị nuôi từ ao của các trang trại để đưa ra nuôi lồng trên sông. Ngoài việc tự cung cấp đủ lượng giống cá để nuôi lồng trên sông, năm 2023 anh Năng còn xuất bán được gần 30 tấn cá giống cho các chủ nuôi trong và ngoài địa bàn.
Được biết là hiện nay gia đình anh Năng đang thuê đất để làm trang trại nuôi thủy sản tại các địa điểm: xã Hoài Thượng, thị xã Thuận Thành, xã Đại Bái, xã Xuân Lai huyện Gia Bình, tổng diện tích của 3 trang trại là 15ha, ngoài 3 lao động của gia đình, anh Năng phải thuê thêm 5 lao động thường xuyên và từ 5-7 lao động thời vụ, nguồn thu từ các trang trại nuôi thả cá cũng mang lại cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Dương Văn Cường – Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Thuận Thành cho biết, hiện nay trên địa bàn thị xã Thuận Thành có số lồng nuôi cá trên sông là 274 lồng tại các xã: Mão Điền, Hoài Thượng, Đại Đồng Thành, Đình Tổ, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Mão Điền.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông của hộ anh Đỗ Đăng Năng thôn Thụy Mão, xã Mão Điền, thị xã Thuận Thành được đầu tư khá bài bản, mô hình đã tận dụng được lợi thế về điều kiện tự nhiên, nuôi cá ít dịch bệnh, cho năng suất cao, sản phẩm cá lồng được thị trường tiêu thụ với giá cao, so với hình thức nuôi cá trong ao có nhiều ưu điểm hơn.
Trong thời gian tới để nghề nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, Trung tâm DVNN thị xã sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng: Trung tâm khuyến nông và phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh; Chi cục chăn nuôi thú y và thủy sản tỉnh Bắc Ninh để tổ chức các lớp tập huấn cho hộ nuôi quy trình nuôi cá lồng trên sông theo hướng VietGAP.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng các mô hình khuyến nông về thủy sản với những giống thủy sản có chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, tập trung vào nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, đặc sản phù hợp với nuôi trồng thủy sản nói chung và hình thức nuôi cá lồng trên sông Đuống nói riêng, hướng đến thực hiện hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản.
Nguồn: https://danviet.vn/nuoi-ca-dac-san-ca-chep-gion-day-dac-tren-song-duong-quay-nuoc-am-am-dan-bac-ninh-giau-to-20240527191216868.htm