SGGPO
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi triển khai thành công mô hình nuôi cá bớp thương phẩm trong lồng HDPE trên đảo Lý Sơn, nâng cao tỷ lệ sống; đặc biệt, mô hình chống chịu tốt ngay cả bão cấp 7, 8.
Mô hình nuôi cá bớp thương phẩm trong lồng HDPE được thực hiện tại huyện đảo Lý Sơn trong giai đoạn 2022-2024. Mô hình sử dụng vật liệu mới là nhựa HDPE, thân thiện với môi trường, bền, mềm dẻo, không bị oxy hóa, có khả năng chống sinh vật bám, chống chịu với sóng to, gió lớn và có thể chịu được tải trọng cao mà không bị biến dạng, tuổi thọ lồng nhựa HDPE có thể đạt trên 30 năm.
Bước đầu, mô hình triển khai tại hộ ông Võ Xuân Tốt (thôn Đông An Hải, huyện Lý Sơn) với quy mô 1 lồng có thể tích 125m3, số lượng giống thả nuôi 1.000 con, kích cỡ giống 15-18cm/con, mật độ thả 8 con/m3.
Qua quá trình triển khai trong điều kiện gió bão, ông Tốt cho biết, thực tế tháng 9-2022, cơn bão số 4 có gió giật cấp 7, 8 đi qua vùng biển này nhưng lồng HDPE không gặp vấn đề gì.
“Theo kinh nghiệm của tôi, loại lồng này có thể chống chịu được với gió bão cấp 12. Sau vụ này, tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm hệ thống lồng nhựa HDPE. Từng bước chuyển đổi hoàn toàn nuôi biển bằng lồng truyền thống sang nuôi lồng HDPE”, ông Tốt nói.
Mô hình nuôi cá bớp thương phẩm trong lồng HDPE tăng khả năng chống chịu gió bão ở cấp 7,8 trở lên trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi cung cấp |
Không chỉ hiệu quả trong chống chịu gió bão, cá bớp nuôi trong lồng HDPE cũng cho kết quả rất tốt. Sau 9 tháng nuôi, ông Tốt thu hoạch trên 3,5 tấn cá bớp thương phẩm. Trọng lượng trung bình khi thu hoạch đạt trên 5kg/con. Giá bán trung bình trên 190.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, lãi gần 200 triệu đồng.
Cá bớp nuôi trong lồng HDPE tăng tỷ lệ sống, sản lượng tốt. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi |
Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư thêm 2 lồng, triển khai tại hộ ông Nguyễn Lợi và ông Trương Đình Phú (thôn Tây An Hải, huyện Lý Sơn) với tổng thể tích 250m3, thả 2.000 con cá bớp giống, kích cỡ từ 15 – 18cm/con. Đến nay, sau gần 5 tháng thả nuôi, cá bớp của 2 hộ dân tham gia dự án đều sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng bình quân đạt 1,5-1,7kg/con, tỷ lệ sống đạt 90%.
Ông Phú cho biết: “Nuôi lồng nhựa HDPE có đặc điểm là ô lồng nằm tách biệt với lồng khác, không kết lại thành bè như bè gỗ truyền thống. Đồng thời, nhờ chống chịu tốt với sóng, gió, lồng HDPE có thể đặt nuôi tại các vùng biển xa bờ, điều này giúp cho môi trường nuôi được thông thoáng hơn, nhờ đó tỷ lệ cá sống cao, phát triển mạnh khỏe, ít dịch bệnh hơn”.
Đây là lồng bè bằng gỗ, phi nhựa. Mỗi năm gió bão, người nuôi trồng thủy sản phải di chuyển 2-3 lần lồng bè nuôi. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lý Sơn có khoảng 1.612 lồng của hơn 54 hộ nuôi trồng thủy sản trên biển. Hầu hết hệ thống lồng nuôi là bè gỗ, phi nhựa với đối tượng nuôi chủ yếu là cá bớp, cá bè vẫu, cá chim, tôm hùm…
Đặc điểm nuôi trong bè gỗ, phi nhựa là khả năng chống chịu thiên tai kém, mỗi năm khi có bão, sóng to, gió lớn, người nuôi trồng thủy sản đảo Lý Sơn đều phải di chuyển lồng nuôi 2-3 lần, thường xuyên thiệt hại do gió bão, giảm tỷ lệ sống đối tượng nuôi. Do vậy, giải pháp nuôi cá bớp trong lồng HDPE sẽ hạn chế thiệt hại do gió bão gây ra, đồng thời giúp cho nghề nuôi biển của huyện Lý Sơn phát triển bền vững.