Nuôi biển phải có sự bài bản, bền vững giúp giải quyết xung đột giữa ngành nuôi biển và phát triển du lịch biển vốn là thế mạnh của các địa phương ven biển.
Quang cảnh hội nghị |
Sẵn sàng hạ tầng nuôi biển
Ngày 1/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Quảng Ninh tổ chức “Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển – Nhìn từ Quảng Ninh”.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, chỉ trong 2 năm, Quảng Ninh đã loại bỏ, thay thế được hơn 10 triệu phao xốp, dọn sạch được biển; hơn 100 hợp tác xã dịch vụ nuôi biển được thành lập ở tỉnh.
Biển Quảng Ninh trong con mắt của khách nước ngoài ngày càng đẹp hơn, sạch hơn… Sự quyết tâm, năng động của lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân cho thấy, Quảng Ninh đã sẵn sàng hạ tầng nuôi biển, đó là những hạ tầng cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng xã hội, hạ tầng con người, đã xây dựng được hệ sinh thái nuôi biển…
“Quảng Ninh sẽ trở thành một nơi đổi mới sáng tạo của ngành hàng nuôi biển, sẽ có các trung tâm nghiên cứu về giống, chiến lược. Thủy sản sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh, các quyết sách của Trung ương cũng xác định Quảng Ninh sẽ trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc. Điều này sẽ trở thành hiện thực khi tỉnh có sự quyết tâm hành động của lãnh đạo, ngành chuyên môn; sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp; sự đồng thuận của người dân”, ông Lê Minh Hoan cho hay.
Ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh chia sẻ: “Quan điểm phát triển của Quảng Ninh là phát triển kinh tế biển xanh, sử dụng một cách bền vững các nguồn tài nguyên biển và đại dương để tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế việc làm cho người dân, đảm bảo sức khỏe của các hệ sinh thái biển và đại dương, không đánh đổi tài nguyên môi trường lấy tăng trưởng, phát triển kinh tế biển bằng mọi giá”.
Quảng Ninh sẽ phát triển để sớm trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu Đông Nam Á, hội nhập quốc tế toàn diện bằng các giải pháp tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian hợp lý, khoa học, dựa vào hệ sinh thái, theo chức năng sử dụng biển đảo, vùng ven biển hài hòa lợi ích, giảm xung đột, phát triển bền vững…
Với đường bờ biển dài hơn 250km, hơn 40.000ha bãi triều, gần 19.000ha rừng ngập mặn, 20.000ha diện tích eo biển và vịnh, ngư trường rộng lớn trên 6.100km2, 3 khu bảo tồn biển,… Quảng Ninh đặt mục tiêu năm 2030 trở thành trung tâm thủy sản của miền Bắc.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, tỉnh đã quy hoạch hơn 45.000ha khu vực biển dành cho nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, gia tăng giá trị, tính bền vững gắn bảo tồn phát triển nguồn lợi thủy sản với phát triển du lịch dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo.
Nuôi biển bền vững
Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, nuôi biển đang gặp một số khó khăn về chính sách cần tháo gỡ như thiếu quy hoạch tổng thể và chi tiết, thủ tục giao khu vực biển còn quá phức tạp, thiếu tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về nuôi biển, chưa có cơ quan đăng kiểm cơ sở và phương tiện nuôi biển, chưa có bảo hiểm cho hoạt động nuôi biển, chưa có chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển và thiếu nguồn nhân lực được đào tạo về nuôi biển.
Chia sẻ với những khó khăn trên, ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, chính sách, quy định nuôi biển cần định hướng đáp ứng các yêu cầu của thị trường tiêu thụ theo từng mặt hàng, và tính đến việc chủ động đáp ứng rào cản, thách thức.
Các địa phương có kế hoạch, quy hoạch nuôi biển phù hợp nhu cầu thị trường, cơ cấu lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp quy định của thị trường như tôm hùm xanh, tôm hùm bông. Cơ sở nuôi, doanh nghiệp xuất khẩu nắm thông tin để điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo yêu cầu mới của thị trường.
Bà Hilde Solbakken – Đại sứ Hoàng gia Na Uy tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm nuôi biển tại Na Uy. Theo bà Hilde Solbakken, định hướng phát triển ngành thủy sản ở Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Na Uy. Khai thác tài nguyên biển bền vững và khai thác có trách nhiệm là ưu tiên hàng đầu của Na Uy. Ngành nuôi biển Na Uy nỗ lực đảm bảo sinh kế cho các cộng đồng ven biển và an toàn môi trường biển.
Để ngành nuôi biển phát triển bền vững, bà Solbakken cho biết, đầu tiên, cần quy hoạch không gian quốc gia bền vững, đảm bảo lợi ích cho tương lai và an toàn môi trường. Nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, áp dụng đổi mới sáng tạo vào chuỗi sản xuất sẽ giải quyết những thách thức do nuôi trồng thủy sản biển quy mô lớn đặt ra. Nuôi biển thiếu kiểm soát chất thải sẽ làm suy thoái môi trường.
Nhân dịp này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh đã tổ chức ký kết bản ghi nhớ thúc đẩy phát triển nuôi biển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024 – 2025 với 7 đơn vị. Trong đó có 4 viện nghiên cứu gồm 3 viện nghiên cứu về nuôi trồng thủy sản (Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3, Viện Hải sản) và 1 viện nghiên cứu ứng dụng (Viện Ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo MEKONG). Ba doanh nghiệp gồm doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ nuôi biển (Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung GROUP), doanh nghiệp lĩnh vực sơ chế, chế biến (Công ty TNHH Thủy sản LENGER Việt Nam), doanh nghiệp nuôi biển (Công ty cổ phần Tập đoàn STP). Ngay sau khi bản ghi nhớ được hoàn thành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh cũng đã tổ chức trao giấy phép nuôi trồng thủy sản và giao khu vực biển cho một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. |
Bà Solbakken khẳng định vai trò quan trọng của đối thoại xuyên suốt giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và giới chuyên môn. Ngành nuôi biển Na Uy không có thành công hôm nay nếu thiếu đi những đối thoại cởi mở dựa trên niềm tin giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị. Hợp tác công – tư, hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nuôi biển.
Ông Lê Minh Hoan cho rằng, mục tiêu của nuôi biển phải hướng đến đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu của con người, giữ gìn tài nguyên biển và phát triển bền vững. Nuôi biển phải góp phần giải quyết những vấn đề xã hội, tạo ra sinh kế, cơ hội việc làm cho những người trực tiếp lẫn gián tiếp tham gia nuôi biển, sinh sống gắn bó mật thiết với biển.
Đồng thời, góp phần tháo gỡ khó khăn, xung đột lợi ích trong không gian biển, nhất là khi thực trạng ngành thủy sản tự phát, thiếu tuân thủ quy hoạch, thiếu kiểm soát đang tạo ra xung đột giữa nuôi trồng và sự biến dạng tài nguyên thiên nhiên. Nuôi biển phải có sự bài bản, bền vững giúp giải quyết xung đột giữa ngành nuôi biển và phát triển du lịch biển vốn là thế mạnh của các địa phương ven biển.