Chiều 29/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam Tp.Hà Nội tiến hành tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo quyết định của UBND Tp.Hà Nội về phê duyệt phương án tăng giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Thành phố.
Trước đó, Sở Tài chính cho biết sau 10 năm không tăng giá nước sạch, nếu không điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các nhà máy nước mới; ảnh hưởng tới các dự án cải tạo, nâng công suất các nhà máy nước đang vận hành theo quy hoạch cấp nước.
Hiện nay, thực trạng với các nhà máy nước ngầm (được xây dựng từ lâu, đã hết hoặc gần hết khấu hao) hiện đang phải giảm dần sản lượng theo quy hoạch; các nhà máy nước mặt đang vận hành hiện do được đầu tư theo công nghệ mới, chi phí khấu hao, chi phí tài chính còn cao nên với giá nước không được điều chỉnh thì nhà đầu tư gặp khó khăn trong thanh toán các chi phí khai thác, vận hành; cũng như khó khăn khi đàm phán huy động vốn để mở rộng, nâng công suất.
"Với giá nước chưa được điều chỉnh thì các đơn vị cấp nước không đủ nguồn lực để tái đầu tư, kiểm soát để nâng cao chất lượng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Đồng thời, nếu giá nước không điều chỉnh kịp thời các doanh nghiệp này sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản, do không có nguồn lực tài chính để vận hành nhà máy, dẫn đến không đảm bảo an ninh cấp nước cho Thành phố", Sở Tài chính nêu.
Tại hội nghị, một số chuyên gia, nhà khoa học chung quan điểm đồng tình về việc UBND Tp.Hà Nội điều chỉnh tăng giá nước. PGS.TS Bùi Thị An (nguyên đại biểu Quốc hội) đồng tình về việc tăng giá nước, tuy nhiên theo bà, việc tăng giá phải đi kèm với chất lượng và nước sạch phải tương xứng với giá bán.
Ngoài ra, bà cũng đồng quan điểm về việc phân giá nước với từng đối tượng cụ thể như trong dự thảo quyết định điều chỉnh giá nước sạch của Hà Nội. PGS.TS cho rằng, cần quan tâm tới những hộ nghèo, chứ không nên quy định 10m³ đầu tiên mới không tăng giá, bởi theo bà, "người nghèo cũng có thể dùng hơn 10m³ nước/tháng".
Cũng tại hội nghị, phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Trần Thanh Tâm cho biết mức tăng dự kiến theo dự thảo của sở được đánh giá không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân. "Việc điều chỉnh giá nước ở Hà Nội vẫn mức tương đương hoặc thấp hơn các tỉnh thành", bà nói.
Đồng tình phương án tăng giá nước sạch, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cũng lưu ý cần có thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất nước sạch. Bởi theo phụ lục tại quyết định có nêu giá bán buôn trung bình chỉ 3.000 đồng nhưng giá bán lẻ lên tới hàng chục nghìn.
"Tất nhiên, mỗi cơ sở sản xuất công nghệ khác nhau, nhưng cũng cần minh bạch xem thất thoát khâu nào, khâu nào thất thoát nhiều, tỉ lệ thất thoát ra sao", ông Dĩnh bày tỏ.
Cũng tại hội nghị chiều ngày 29/6, phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Trần Thanh Tâm cho biết mức tăng dự kiến theo dự thảo của sở được đánh giá không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân. "Việc điều chỉnh giá nước ở Hà Nội vẫn mức tương đương hoặc thấp hơn các tỉnh thành", bà nói.
Một số chuyên gia, nhà khoa học lại cho rằng việc UBND Tp.Hà Nội dự kiến điều chỉnh tăng giá nước sạch sinh hoạt từ 1/7 tới chắc chắn sẽ tác động đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, những tác động đó rất nhỏ so với việc tạo động lực để nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cung cấp nước sạch tại Hà Nội.
Nguồn
Bình luận (0)