Chiều 13.10, cầu Mỹ Thuận 2 đã chính thức hợp long – đây là dấu mốc quan trọng để dự án hoàn thành vào cuối năm 2023. Cầu Mỹ Thuận 2 là một phần quan trọng trong hệ thống đường cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 1, kết nối giữa hai tuyến cao tốc TP.HCM – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ, với tổng vốn 5.000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách. Dự kiến sáng mai 18.10, 2 dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 1 là QL45 – Nghi Sơn và Nghi Sơn – Diễn Châu cũng thông xe chính thức. Đây là những công trình, dự án được ngành GTVT nỗ lực giải ngân.
Rốt ráo chạy tiến độ
Tính đến cuối tháng 9, toàn dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 đã huy động gần 600 mũi thi công. Giá trị giải ngân của Bộ GTVT đạt 58.000 tỉ đồng, đạt 61% kế hoạch năm. Theo Vụ KH-ĐT (Bộ GTVT), nếu các chủ đầu tư được duy trì tốc độ giải ngân như tháng 9 (khoảng 98%), mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao của Bộ GTVT sẽ đạt được.
Dù vậy, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm của Bộ GTVT vẫn rất nặng nề với 40% khối lượng giải ngân vốn đầu tư công còn lại. Bộ GTVT cũng là ngành được giao kế hoạch vốn đầu tư công rất lớn trong năm 2023 với hơn 94.000 tỉ đồng, gấp 2,2 lần năm 2021 và 1,7 lần năm 2022.
Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho biết, tính đến hết tháng 9, giải ngân vốn đầu tư công cả nước ước đạt trên 363.000 tỉ đồng, bằng 51,38% kế hoạch, cao hơn khoảng 110.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 46,7%).
Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương, với kế hoạch vốn giao kỷ lục 711.000 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2023 của Chính phủ, số tiền giải ngân tính theo con số tuyệt đối rất lớn. Đây cũng là năm có tỷ lệ giải ngân trong 9 tháng cao nhất, khi chưa có năm nào tỷ lệ giải ngân vượt qua 50%.
Với các địa phương, giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội tính đến 20.9 đạt 23.469 tỉ đồng, đạt khoảng 50% kế hoạch Chính phủ giao. Dù vậy, tốc độ giải ngân này vẫn được đánh giá thấp hơn so với kế hoạch đề ra, do một số dự án có vướng mắc về giải phóng mặt bằng; biến động giá cả nguyên, nhiên, vật liệu dẫn đến tâm lý thi công cầm chừng của nhà thầu, ảnh hưởng tiến độ thực hiện của dự án…
Để đạt mục tiêu 95%, UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án về việc phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt, điều chỉnh dự án, thiết kế bản vẽ thi công dự toán…
Tháo gỡ nhanh các vướng mắc
Theo báo cáo, vẫn còn 42 bộ, cơ quan T.Ư và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Đầu tàu kinh tế TP.HCM đến hết tháng 9 mới giải ngân khoảng 22.600 tỉ đồng, đạt 33% kế hoạch năm. Dù khối lượng giải ngân được trong quý 2 tăng nhờ dự án Vành đai 3, song đến quý 3 tốc độ giải ngân lại chậm lại.
Để TP.HCM đạt được mục tiêu giải ngân 95% trong năm nay là rất khó khăn, song đầu tàu kinh tế của cả nước vẫn quyết tâm chưa thay đổi chỉ tiêu. Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM khẳng định sẽ kiên quyết xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đáng chú ý, một số địa phương cũng có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Trong đó, Gia Lai đạt 23,72% (đây cũng là địa phương có tỷ lệ giải ngân từ đầu năm tới nay luôn thấp dưới bình quân chung cả nước), Kon Tum đạt 37,57%, Lâm Đồng đạt 37,65%…
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đơn vị nào chưa phân bổ hết số kế hoạch vốn năm 2023 phải hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 trước 20.10.
Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, việc tỷ lệ giải ngân đầu tư công tại một số bộ, ngành, địa phương thấp hơn mục tiêu vẫn xuất phát từ các nguyên nhân quen thuộc, như một số dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục phân bổ vốn, vướng mắc do biến động giá nguyên vật liệu…
Tuy nhiên, theo ông Ánh, điểm sáng là giải ngân trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đạt kết quả tích cực, đặc biệt nếu tính theo giá trị tuyệt đối. Nhiều dự án lớn được đưa vào khởi công trong năm nay như vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 Vùng thủ đô, sân bay Long Thành…
Hiện, luật Đầu tư công và các luật khác đã được điều chỉnh, song thực tế khi triển khai thủ tục các chủ đầu tư hay ban quản lý dự án vẫn gặp vướng mắc, lúng túng, nhiều khâu, nhiều cấp còn rườm rà, bất cập. Bên cạnh đó, giá cả nguyên, nhiên, vật liệu biến động mạnh khiến nhiều nhà thầu đề nghị điều chỉnh giá so với giá trong hợp đồng trúng thầu. Song, việc điều chỉnh này phải trình xin ý kiến nhiều khâu, dẫn tới dự án ngưng lại hoặc thậm chí phải dừng chờ thủ tục.
Để gỡ vướng về thủ tục, Chính phủ cũng đã lập tổ công tác về đầu tư công để xử lý kịp thời và dứt điểm các vướng mắc làm chậm tiến độ giải ngân. Để đạt mục tiêu giải ngân 95% như kỳ vọng, mấu chốt nhất là xử lý những rào cản hiện nay, đặc biệt trong việc rút ngắn quy trình thủ tục.
Theo chuyên gia này, một số bộ, ngành và địa phương có tiến độ giải ngân vượt cả kế hoạch, nhưng nhiều bộ, ngành, địa phương khác lại triển khai ì ạch. Nguyên nhân, do ý thức trách nhiệm và quyết tâm không cao của một bộ phận cán bộ công chức có liên quan đến triển khai và giải ngân dự án đầu tư công.
Thực tế nhiều trường hợp chậm giải ngân nhưng không bị quy trách nhiệm rõ ràng nên xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Vì vậy, phải kiên quyết xem mục tiêu giải ngân là một phần trong đánh giá cán bộ như Chính phủ đã yêu cầu, để thúc đẩy quyết tâm, nỗ lực từ người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương.