Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, cho biết, Hội đồng đánh giá và chấm điểm sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2024 vừa tổ chức họp, đánh giá từng sản phẩm.
Chấm điểm OCOP bằng phần mềm
Theo ông Nguyễn Hữu Phước, trong năm 2024 có nhiều hồ sơ sản phẩm được UBND các huyện, thành phố gửi cho tỉnh để thẩm định xét duyệt và công nhận OCOP 4 sao. Trong đó, có nhiều sản phẩm nước mắm cá cơm truyền thống, trái thanh long và sầu riêng…
Cái mới của năm nay là các thành viên trong hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh thẩm định hồ sơ, chấm điểm các sản phẩm dựa trên hệ thống phần mềm số hóa quy trình triển khai chương trình OCOP.
Tính năng nổi bật của phần mềm là khả năng chấm điểm và đánh giá phân hạng sản phẩm tự động, thành viên hội đồng dễ dàng xem xét, đánh giá hồ sơ sản phẩm, do các tài liệu minh chứng được phần mềm thể hiện rõ ràng và cụ thể theo từng tiêu chí chấm điểm theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở chấm điểm từng tiêu chí, phần mềm sẽ cho ra kết quả một cách nhanh chóng, khách quan và chính xác. Việc này, không chỉ loại bỏ yếu tố sai sót, đảm bảo tính chính xác mà còn đảm bảo tính minh bạch trong quá trình đánh giá, từ đó nâng cao uy tín của chương trình OCOP.
Sau khi nghe các chủ thể trình bày về sản phẩm, đại diện Tổ tư vấn Hội đồng trình bày báo cáo kết quả thẩm định, dựa theo những sản phẩm mẫu dự thi và sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị, chất lượng sản phẩm, những tiêu chí mới về sở hữu trí tuệ, nâng cao chất lượng và khai thác giá trị văn hóa của sản phẩm OCOP… Hội đồng đã đánh giá mức độ đạt từng tiêu chí của các sản phẩm và chấm điểm.
Theo đó, hạng 4 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến dưới 90 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, có thể nâng hạng lên 5 sao. Kết quả chấm, có 8 sản phẩm đủ điều kiện công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2024.
Cụ thể là 2 sản phẩm nước mắm cá cơm (nước mắm cá cơm Thuận Hưng 60 và 40 độ đạm và 1 sản phẩm nước mắm cá cơm thượng hạng nguyên bản thuần khiết 32 độ đạm – Thương hiệu nước mắm Hoàng Gia của Công ty TNHH Vạn Xuân FMCG INVESTMENT – Chi nhánh Bình Thuận ở xã Bình Thạnh, Tuy Phong).
Có 2 sản phẩm từ gạo (Gạo lức Đức Lan ST24 và gạo Đức Lan ST24); 2 sản phẩm từ trái thanh long ruột đỏ và sản phẩm trái thanh long ruột trắng của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh 30 ở xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam) và sản phẩm quả sầu riêng của Công ty TNHH sản xuất-thương mại-dịch vụ A Hùng ở xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc).
Riêng 2 sản phẩm sầu riêng cấp đông không hạt, sầu riêng cấp đông có hạt của Công ty TNHH SX-TM-DV A Hùng ở xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc), thành viên hội đồng đề nghị chủ thể tiếp bổ sung hoàn thiện tiêu chí về Giấy chứng nhận Sở hữu trí tuệ cho nhóm sản phẩm để đạt chuẩn 4 sao OCOP cấp tỉnh trong thời gian tới.
Trước đó vào tháng 6/2024, UBND tỉnh Bình Thuận đã công nhận (đợt 1) 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao. Tính đến cuối năm 2024 toàn tỉnh Bình Thuận dự kiến có hơn 100 sản phẩm được chấm điểm 3 sao và 18 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.
Nâng tầm cho nước mắm Phan Thiết đạt sao OCOP
TP. Phan Thiết nổi tiếng với nghề làm nước mắm cá cơm truyền thống. Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Văn Chơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết cho biết, chương trình OCOP đã được TP. Phan Thiết đặc biệt quan tâm trong suốt mấy năm qua.
Theo ông Chơn, đây là chương trình rất ý nghĩa, giúp phát triển kinh tế cho nhiều bà con nên lãnh đạo TP. Phan Thiết rất quan tâm. Do đó, TP Phan Thiết tìm mọi cách để phát huy thế mạnh.
“Nghề chế biến nước mắm cá cơm truyền thống phát triển hàng trăm năm qua ở địa phương. Nay trên cơ sở đó, các phòng ban của TP. Phan Thiết tích cực giúp bà con áp dụng kỹ thuật tiên tiến, chuyển đổi các nhóm hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tự phát trước đây sang hình thức liên kết sản xuất theo kỹ thuật hiện đại để cùng nhau phát triển…”, ông Lê Văn Chơn nói.
Tính đến nay, toàn TP. Phan Thiết đã có 35 sản phẩm OCOP gồm 12 sản phẩm 3 sao, 21 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm xếp hạng 5 sao. Trong đó, sản phẩm nước mắm truyền thống của Phan Thiết chiếm ưu thế và có 8 sản phẩm nước mắm được công nhận OCOP 4 sao.
Được biết, các sản phẩm nước mắm đạt OCOP của TP. Phan Thiết được chắt lọc từ cá cơm tươi ngon và muối biển tinh sạch, ủ chượp bằng phương pháp tự nhiên qua nhiều thời gian, năm tháng…
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng nhận định, tất cả quy trình làm nước mắm truyền thống của người dân miền biển Phan Thiết đều không sử dụng hương liệu, không chất bảo quản. Và chính “bí quyết” này đã làm cho nước mắm Phan Thiết giữ trọn vị mặn mòi của biển cả, mùi thơm tinh khiết của con cá cơm, khiến người sử dụng rất thích.
Cũng theo ông Lê Văn Chơn, sau khi các sản phẩm được chứng nhận OCOP, được sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh và các ngành chức năng, các sản phẩm nước mắm của Phan Thiết đã được lựa chọn tham gia trưng bày tại các hội chợ, các cuộc xúc tiến thương mại lớn trong và ngoài tỉnh Bình Thuận.
Các sản phẩm tiêu biểu được dán tem điện tử thông minh, truy xuất nguồn gốc nhờ vậy mà qua những lần trưng bày, nước mắm cá cơm truyền thống của Phan Thiết được nhiều người biết hơn, lượng tiêu thụ ngày càng tăng, ổn định, nâng cao thu nhập cho bà con…
“Nhằm giúp các chủ thể ngày càng khẳng định uy tín, trong thời gian tới, hiện nay các phòng ban TP.Phan Thiết tiếp tục vận động các chủ thể hoàn thiện, nâng cao chất lượng để các sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 và lên 5 sao. Riêng sản phẩm 4 sao, TP. Phan Thiết sẽ hướng tới chuẩn mực quốc tế với các chứng nhận như GlobalGAP, Organic, HACCP, ISO… Cùng với đó, hỗ trợ để phát triển thành sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Bình Thuận tham gia lựa chọn sản phẩm OCOP Quốc gia…” ông Lê Văn Chơn chia sẻ.
Theo ghi nhận của Dân Việt, hiện nay các siêu thị lớn trong nước đã chọn các sản phẩm nước mắm truyền thống của Phan Thiết bày bàn cho người tiêu dùng như: Công ty TNHH Seagull, Công ty CP CB&XK nước mắm Phan Thiết – Mũi Né, Công ty TNHH SX nước mắm Thuận Hưng, Công ty TNHH nước mắm Bà Hai…
nguồn: https://danviet.vn/nuoc-mam-ca-com-truyen-thong-trai-thanh-long-la-nhung-san-pham-dat-ocop-4-sao-o-binh-thuan-20250101111103865.htm