Hãng AFP ngày 2.1 dẫn lời một quan chức địa phương cho hay hơn 2.200 người được sơ tán đến những trung tâm tạm cư, sau khi một núi lửa gia tăng hoạt động ở phía đông Indonesia.
Núi lửa Lewotobi Laki-Laki ở tỉnh Đông Nusa Tenggara đã phun trào vài lần trong những ngày qua, trong đó có đợt phun trào ngày 1.1 với khối tro bụi cao 1,5 km so với đỉnh núi, theo Trung tâm Giảm thiểu rủi ro Núi lửa và Địa chất Indonesia (PVMBG).
Cơ quan này ghi nhận thêm một vụ phun trào tại núi lửa Lewotobi Laki-Laki trong ngày 2.1, nhưng chưa phát hiện đám mây tro bụi.
Tro núi lửa từ những vụ phun trào gần đây đã ảnh hưởng đến 2 khu vực gần núi Lewotobi Laki-Laki, khiến hơn 2.200 cư dân phải sơ tán đến những nơi trú ẩn tạm thời do chính quyền địa phương thành lập, theo quan chức Benediktus Bolibapa Herin tại huyện Đông Flores.
“Có 1.931 người sơ tán ở tiểu khu Wulanggitang và 328 người sơ tán ở tiểu khu Ile Bura. Do sự gia tăng hoạt động của núi lửa Lewotobi Laki-Laki, các cộng đồng phải được di dời đến vùng an toàn để đề phòng những điều không mong muốn”, quan chức này nói và cho biết số người sơ tán có thể tăng lên do nhiều người muốn tìm nơi an toàn.
Cơ quan chức năng hôm 1.1 đã nâng cảnh báo về hoạt động của núi lửa này lên mức cao thứ hai trong mức cảnh báo bốn cấp của Indonesia và mở rộng vùng cấm từ 2 km lên 4 km tính từ miệng núi lửa.
Tro bụi của núi lửa cũng buộc sân bay Frans Seda nằm cách đó hơn 80 km phải đóng cửa kể từ ngày 1.1, theo hãng thông tấn Antara.
Indonesia nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực có nhiều hoạt động núi lửa và địa chấn. Tháng trước, núi lửa Merapi ở đảo Sumatra phun trào khiến 23 người thiệt mạng. Indonesia có gần 130 ngọn núi lửa đang hoạt động.