Người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Tây Sumatra, ông Abdul Malik, cho biết thi thể của 11 nhà leo núi đã được tìm thấy trước đó trong ngày nhưng nỗ lực di dời họ đã bị cản trở bởi hoạt động mới. Ông cho biết thêm, hoạt động tìm kiếm sẽ tiếp tục khi điều kiện được cải thiện.
Một đoạn video do cơ quan này công bố cho thấy lực lượng cứu hộ sơ tán một người leo núi bị thương trên cáng ra khỏi núi và đưa vào xe cấp cứu đang chờ sẵn để đưa đến bệnh viện.
Hendra Gunawan, người đứng đầu Trung tâm Núi lửa nước này cho biết, núi lửa này đã được xếp ở mức cao thứ ba trong bốn mức cảnh báo kể từ năm 2011. Đây là mức hoạt động núi lửa trên mức bình thường, người leo núi và dân làng bị cấm tới gần phạm vi 3 km tính từ đỉnh núi.
Gunawan cho biết: “Điều này có nghĩa là không được phép leo lên đỉnh núi, nhưng đôi khi nhiều người trong số họ đã vi phạm các quy tắc để thỏa mãn nhu cầu leo xa hơn”.
Khoảng 75 người leo núi đã bắt đầu hành trình leo lên ngọn núi cao gần 2.900 mét vào thứ Bảy và bị mắc kẹt. Cơ quan chức năng đã giải cứu được 52 người, trong đó có ba người vào thứ Hai. Hari Agustian, một quan chức của Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ địa phương ở Padang, thủ phủ tỉnh Tây Sumatra, cho biết 8 trong số những người được giải cứu hôm Chủ nhật đã được đưa đến bệnh viện vì bỏng và một người bị gãy chân tay.
Agustian cho biết tất cả những người leo núi đã đăng ký tại hai trạm chỉ huy hoặc đăng ký trực tuyến thông qua cơ quan bảo tồn Tây Sumatra trước khi họ tiếp tục cuộc leo núi của mình. Khi được hỏi về tổng số người có thể bị mắc kẹt, ông cho biết điều này không thể xác nhận vì một số người có thể đã đi theo con đường không hợp pháp để lên núi và cũng có thể có người dân cũng trong khu vực.
Marapi đã phun ra những cột tro dày cao tới 3.000 mét trong vụ phun trào hôm Chủ nhật và những đám mây tro nóng lan rộng vài km. Những ngôi làng và thị trấn gần đó bị bao phủ bởi hàng tấn tro vụn núi lửa.
Tro rơi bao phủ một số ngôi làng và cản ánh sáng mặt trời, chính quyền đã phát khẩu trang đồng thời kêu gọi người dân đeo kính mắt để bảo vệ họ khỏi tro núi lửa.
Khoảng 1.400 người sống trên sườn núi Marapi ở Rubai và Gobah Cumantiang, những ngôi làng gần nhất cách đỉnh núi khoảng 5 đến 6 km.
Gunawan cho biết Marapi đã thường xuyên phun trào kể từ năm 2004 với khoảng cách từ 2 đến 4 năm. Ông nói: “Các vụ phun trào của Marapi luôn diễn ra đột ngột và khó phát hiện bằng thiết bị vì nguồn phun trào ở gần bề mặt. Vụ phun trào này không phải do sự chuyển động của magma gây ra”.
Marapi là một trong số hơn 120 ngọn núi lửa đang hoạt động ở Indonesia, vốn dễ bị biến động địa chấn do nằm trên “Vành đai lửa” Thái Bình Dương, một vòng cung núi lửa và các đường đứt gãy bao quanh lưu vực Thái Bình Dương.
Mai Anh (theo CNA)