Nức tiếng “nghệ tinh”
Trong căn nhà ngang bừa bộn những thớ vải lụa đủ màu sắc, nghệ nhân Đỗ Minh Tám ngồi tỉ mẩn với những đường khâu. Ông Tám là một trong vài người thợ may áo dài có tiếng nhất ở làng Trạch Xá.
Kể về truyền thống làng nghề, ông Tám lấy ra chiếc “vạch” đã hơn trăm tuổi. Đây là công cụ không thể thiếu của người thợ may ngày xưa, được cụ nội của ông để lại. “Hồi bé đi khắp nơi may áo, cha con tôi chỉ có chiếc kéo, cái thước và cái vạch làm bằng sừng trâu này. Kim chỉ không quan trọng lắm, bởi có nhiều khách khó tính, tự mua vải, mua chỉ theo ý mình, nên thợ chỉ việc đến cắt đo sao cho đẹp” – ông Tám kể.
Làng Trạch Xá, xưa có tên Nôm là Trầm Che, thuộc phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, nay là thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, ngoại thành Hà Nội. Người Trạch Xá luôn tự hào vì nghề may truyền thống dễ đã có cả nghìn năm, mà tổ nghề là tứ phi Hoàng hậu của vua Đinh Tiên Hoàng – bà Nguyễn Thị Sen.
Ngày nay, người dân làng Trạch Xá vẫn truyền tụng những giai thoại về những nghệ nhân nức tiếng của làng mà một trong số đó là cụ Tạ Văn Khuất. Vào khoảng những năm 1930, cụ được mời vào Kinh đô Huế may áo dài cho Nam Phương Hoàng hậu. Khi vào cung, cụ Khuất không được dùng thước đo trực tiếp mà chỉ đo từ xa bằng… mắt. Nhưng chỉ ít ngày sau, cụ đã hoàn thành bộ áo dài dâng lên vua. Trong buổi triều đình tiếp khách, ai nấy đều trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp sang trọng của Hoàng hậu được y phục làng Trạch Xá tôn lên rất nhiều. Cụ Khuất được vua Bảo Đại ban khen và sau này vua còn ra Hà Nội may đo áo dài của làng một lần nữa.
Câu chuyện cụ Khuất may áo cho Hoàng hậu có một “nhân chứng” là người phó nhỏ Nguyễn Văn Nhiên. Hồi đó, chính ông Nhiên là người đi theo lo kim chỉ, để cụ Khuất may áo. Ông Nhiên sau đó trở về làng, truyền nghề cho hàng trăm người và mới mất hồi năm ngoái.
“Trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện”
Khác với cách khâu áo của người thợ may nơi khác, người làng Trạch Xá có bí quyết cầm kim tay dọc vô cùng độc đáo. Cách khâu này thay vì kim khâu chuyển động thì lại đứng yên, còn vải thì chuyển động, khớp với từng đường kim. Với kiểu cầm kim tay dọc, người Trạch Xá cầm kim mà như không cầm gì cả. Sản phẩm sau khi hoàn thiện, mép trong áo phẳng như dán hồ, còn mặt ngoài, các mũi chỉ thẳng hàng, đều tăm tắp như trứng nhện. Câu khẩu quyết của làng “trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện” là như vậy.
“Kỹ thuật khâu kim tay dọc sẽ giấu được các đường kim, không như khâu kim tay ngang thường bị lộ mũi chỉ ở bên trong vạt áo. Với kỹ thuật này, người thợ có thể dùng chỉ trắng khâu cho áo màu đen mà cũng không bị lộ đường khâu” – ông Tám chia sẻ.
Một trong những đặc trưng khác làm nên thương hiệu của làng Trạch Xá đó chính là việc không dùng chỉ công nghiệp mà dùng chính những sợi tơ gỡ ra từ tấm vải may áo dài. Với cách làm này, chiếc áo sẽ đồng nhất về chất liệu, không bị cứng hay co giãn khi giặt, tà áo luôn giữ được sự thướt tha, mềm mại.
“Bây giờ máy móc nhiều, nhưng bí quyết của người thợ Trạch Xá vẫn giữ hầu hết các công đoạn làm thủ công, đơn chiếc. Làm một chiếc áo mất đến hơn 20 giờ đồng hồ nhưng thời gian ngồi máy chỉ chừng 15 phút” – ông Tám nói.
Một người thợ ở Trạch Xá từ lúc theo học nghề đến khi làm được nghề phải mất 6 – 7 năm. Trong đó, 2 năm ngồi khâu để thành thục tất cả mọi công đoạn; 3 năm để học cách chỉnh sửa các lỗi, tiếp xúc tất cả các mặt hàng và hoàn thiện sản phẩm. Cuối cùng là 1 năm chỉ chuyên đứng tiếp khách, qua đó người thợ nhìn và đánh giá người khách để hình dung được cách xử lý sao cho vẻ đẹp người đó được tôn lên, che đi những hạn chế về hình thể. Học cắt vải là khâu cuối cùng, khi đó người thợ đã thông thạo tất cả các mẹo mực của nghề, nên khâu cắt lại là khâu “cực kỳ dễ”. Theo ông Tám, đây là cách dạy “từ dưới lên”, khác hẳn với cách dạy và học “từ trên xuống” hiện nay, tức là học cắt áo trước rồi sau đó mới học khâu.
Lan toả giá trị văn hóa truyền thống
Ở Huế có hẳn một ngôi làng mang tên Phó Trạch, do người dân Trạch Xá vào làm nghề may từ cách đây đã gần trăm năm. Còn ở Hà Nội, không khó để bắt gặp một cửa hiệu may áo dài của người Trạch Xá hoặc có nguồn gốc từ làng Trạch Xá, như Vinh Trạch, Phúc Trạch, Mỹ Trạch, An Trạch… Làng Trạch Xá hiện có hơn 500 hộ thì 90% trong số đó sinh sống bằng nghề may áo dài. Khoảng chục năm trở lại đây, người trong làng một số đi mở cửa hàng ở các nơi, phần đông ở lại làng làm gia công cho những đơn hàng mà các cửa hàng nhận được.
Vì thế, khó có thể thống kê sản lượng làng nghề làm ra, nhưng chính quyền xã ước đoán con số lên đến cả vạn chiếc mỗi năm. Giá cả mỗi bộ áo dài dao động từ 300 – 400 nghìn đồng lên đến vài chục triệu đồng.
Gần đây, xu hướng mặc cổ phục quay lại đã mang thêm sinh khí mới cho làng Trạch Xá. Những tay thợ giỏi nhất của Trạch Xá như nghệ nhân Đỗ Minh Tám, nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt từ việc may áo dài cách tân nay chuyển hẳn sang may áo dài ngũ thân truyền thống. Khi áo dài ngũ thân ngày càng trở nên quen thuộc trong đời sống, kéo theo những người làm nghề có nhiều công ăn việc làm hơn, đồng thời các giá trị văn hóa truyền thống cũng được giữ gìn, lan tỏa…
“Nghề may áo dài có những thăng trầm, song người Trạch Xá vẫn luôn giữ nghề như giữ hồn quê trong từng nếp áo. Nghề may Trạch Xá vừa được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ là động lực để chúng tôi bảo tồn, phát huy những giá trị vốn có của di sản này” – nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt khẳng định.
Khánh Ngọc