Năm 2023 ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng giữa hai nước để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2023. Đây là những nền tảng quan trọng để đưa phát triển hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Một năm sôi động
Nhìn lại một năm đầy sôi động trong quan hệ Việt-Pháp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nói: “Năm 2023, Việt Nam và Pháp đã triển khai một chương trình hoạt động phong phú, hưởng ứng các ngày lễ lớn trong quan hệ song phương, phản ánh được sự trưởng thành và phát triển sâu đậm của quan hệ hai nước”.
Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, ngay trong tháng 1/2023, hai bên đã mở đầu bằng chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris tại các thành phố ghi dấu ấn trước đây của các đoàn đàm phán Việt Nam. Chuỗi hoạt động này đã góp phần khẳng định sự gắn kết sâu sắc và mối thiện cảm truyền thống giữa nhân dân hai nước.
Trong những tháng cuối năm, cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (ngày 20/10) và cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Macron bên lề Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (ngày 2/12) một lần nữa khẳng định sự trao đổi cấp cao mật thiết và nhận thức chung, sự chia sẻ tầm nhìn giữa hai nước về định hướng tăng cường quan hệ song phương.
Bên cạnh đó, Đại sứ Đinh Toàn Thắng, trong năm 2023, hai nước đã có nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi tiêu biểu, đặc trưng trải rộng trên nhiều lĩnh vực, thông qua nhiều kênh tiếp xúc. Hai bên đã tổ chức các lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao tại Hà Nội cũng như ở Paris, cùng với các sự kiện Tuần/Ngày Việt Nam tại Pháp, Ngày Văn hóa Pháp tại Việt Nam.
Mặt khác, hai nước đã trao đổi các chuyến thăm cấp bộ trưởng trên nhiều lĩnh vực hợp tác trụ cột, trong đó về phía Việt Nam có chuyến thăm Pháp của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (tháng 6), Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (tháng 11), Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên (tháng 12), trong khi về phía Pháp có chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương Olivier Becht (cuối tháng 2), Bộ trưởng Chuyển đổi Công vụ Stanislas Guérini (cuối tháng 11).
Ngoài ra, phải kể đến hơn 50 đoàn các cấp ban, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, đối tác Việt Nam sang thăm và làm việc tại Pháp.
Năm 2023 cũng đánh dấu sự khởi động trở lại sôi động các cơ chế hợp tác song phương như Hội nghị Hợp tác các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 12 tại Hà Nội (tháng 4), Tham vấn chính trị giữa hai Vụ khu vực Bộ Ngoại giao hai nước tại Hà Nội (tháng 12), Đối thoại Chiến lược và hợp tác quốc phòng Việt Nam – Pháp lần thứ 3 tại Paris (tháng 12)…
Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định: “Các hoạt động sôi nổi và phong phú đó phản ánh sự hưởng ứng rất lớn của các đối tác hai bên đối với hợp tác Việt Nam- Pháp và tạo cho chúng ta một sự tin tưởng mạnh mẽ vào triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt Nam – Pháp trong tương lai”.
Còn nhiều dư địa cho phát triển
Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, sau 50 năm thiết lập, quan hệ Việt-Pháp đã có một sự tích lũy quan trọng cả về lượng cũng như về chất. Tuy nhiên, tiềm năng để làm sâu sắc hơn nữa các mối hợp tác còn rất lớn, nhất là khi cả hai nước đều đang đứng trước những đòi hỏi lớn lao về phát triển đất nước cũng như cùng đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình và hợp tác.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký kết hiệp định Paris. Ảnh: Thu Hà – TTXVN
Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết trong các tiếp xúc mới đây, lãnh đạo cấp cao hai nước đã khẳng định những nội hàm, tiềm năng hợp tác cùng các nhận thức chung giữa hai nước về một tầm nhìn mới cho quan hệ Việt-Pháp thông qua mối quan hệ đối tác chiến lược tăng cường và trên cơ sở các trụ cột hợp tác đã được xác định và tiếp tục được đổi mới. Nhiều điểm nhấn quan trọng cụ thể đã được định hình trong việc tăng cường tin cậy chính trị và giao lưu nhân dân; thúc đẩy, tạo chuyển biến về hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng – an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, hàng không, chuyển đổi năng lượng, khoa học – công nghệ, văn hóa, kỹ thuật…
“Chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội để đưa hợp tác Việt Nam – Pháp lên tầm cao mới trong những năm tới và những thập kỷ tới”, Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh.
Để đưa mối quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới, Đại sứ Đinh Toàn Thắng nói: “Các cuộc trao đổi cấp cao giữa hai nước thời gian qua đã và đang thể hiện rõ vai trò định hướng quan trọng của lãnh đạo cấp cao đối với quan hệ Việt Nam – Pháp. Hai nước sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường các cơ chế này để đôn đốc việc phối hợp và triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học – công nghệ, giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, văn hóa và giao lưu nhân dân. Mặt khác, các đối tác hai bên cần nỗ lực và có các biện pháp nhanh chóng để có những bước đi cụ thể đáp ứng được các yêu cầu mới của cả Việt Nam và Pháp đang đặt ra ngày càng khẩn trương hơn và đa dạng hơn”.
Về kinh tế, theo các chuyên gia, cho dù đây là điểm sáng trong hợp tác Việt-Pháp nhưng tiềm năng hợp tác giữa hai nước vẫn còn rất lớn. Vì thế, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho rằng hai bên cần tiếp tục nỗ lực để các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giầy, nông thủy sản… tận dụng được các lợi thế của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) trên thị trường Pháp.
Bên cạnh đó, Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh hai bên cần phối hợp để thu hút các doanh nghiệp Pháp đầu tư vào các lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và phù hợp với định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam cũng như thúc đẩy liên kết giữa các đối tác hai bên về công nghệ cao, công nghiệp, cũng như các ngành chiến lược và mũi nhọn khác. Các doanh nghiệp Pháp cần được cổ vũ để hướng tới các chiến lược bài bản hơn, dành nhiều nguồn lực hơn để phát huy sự hiện diện tại thị trường Việt Nam và tranh thủ thị trường Việt Nam vươn ra khu vực.
Về phần mình, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery nói: “Kinh tế là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng trong mối quan hệ song phương Pháp-Việt, thể hiện qua các trao đổi thương mại giữa hai bên, các khoản đầu tư cũng như việc các doanh nghiệp Pháp xây dựng nhà máy và hoạt động tại Việt Nam, theo luật pháp của Việt Nam”.
“Tôi rất tin tưởng trong thời gian tới, mối quan hệ hợp tác này sẽ được tăng cường mạnh mẽ sau khi Hiệp định Tự do Thương mại giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam chính thức có hiệu lực từ năm 2020”, Đại sứ Nicolas Warnery khẳng định./.
Mai Hương