(Dân trí) – Năm 1970, khi vừa 25 tuổi, bà Nguyễn Thị Minh Châu được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bà cũng là nữ trưởng công an xã duy nhất tại Nghệ An nhận danh hiệu này.
Giữ bình yên làng quê, “chia lửa” cùng tiền tuyến
Xấp xỉ 80 tuổi, bà Nguyễn Thị Minh Châu (phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, Nghệ An) vẫn mang tác phong của một chiến sỹ công an dù dấu ấn tuổi tác đã hiện rõ trên khuôn mặt. Ít ai biết rằng, bà là nữ trưởng công an xã duy nhất tại Nghệ An được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, khi mới 25 tuổi.
Dòng ký ức chầm chậm đưa bà trở về những năm tháng thực hiện nhiệm vụ của một cán bộ công an xã trong thời kỳ cả nước bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
“Tôi đến với nghề công an một cách tình cờ. Tôi lúc đó mới 19 tuổi, thấy Đảng là cái gì đó thiêng liêng lắm và muốn được đứng trong hàng ngũ ấy. Bởi vậy, tổ chức phân công gì, tôi đều chấp hành. 19 tuổi, tôi trở thành cán bộ công an xã, dù mới chỉ học hết lớp 4 và chưa hình dung được công việc của mình là gì.
Ngày ấy, sống trong không khí cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, các địa phương vắng bóng đàn ông, nên phụ nữ phải gánh vác, từ việc sản xuất đến việc làng, việc xã. Chúng tôi vừa làm, vừa học, với mục tiêu duy nhất là xây dựng, bảo vệ hậu phương để chia lửa với tiền tuyến”, bà Châu nói.
Với sự dìu dắt của các đồng chí đi trước, sự hỗ trợ từ chính quyền và công an huyện, trải qua quá trình thử thách từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, nữ công an viên Nguyễn Thị Minh Châu trưởng thành nhanh chóng cả về nghiệp vụ, kinh nghiệm, bản lĩnh công tác. Năm 1966, bà Châu trở thành Phó trưởng Công an xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Một năm sau, bà được kết nạp vào Đảng và phân công làm Phó Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng Công an xã.
Quỳnh Hồng với địa thế nằm bám dọc quốc lộ 1, gần ga Giát (huyện Quỳnh Lưu), trở thành trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ nhằm cắt đứt đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây cũng là khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm nhập của các nhóm tình báo của địch nhằm phá hoại chính quyền, phá hoại thành quả cách mạng, lôi kéo người dân…
Ngoài nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, Ban Công an xã Quỳnh Hồng cùng các lực lượng khác và chính quyền địa phương tham gia giữ giao thông thông suốt trên quốc lộ 1, bảo vệ, sơ tán hàng hóa tiếp viện cho chiến trường trước những đợt pháo kích từ biển vào và các đợt ném bom của địch. Bà Châu là người đưa ra sáng kiến phân loại thái độ chính trị của từng gia đình và mô hình “quản lý 3 tay” để gửi tài sản, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hơn 3.500 hàng hóa phục vụ chiến trường khi đi qua địa bàn.
Bài học dựa vào dân bằng việc thành lập các Tổ trị an, Tổ chim xanh giúp bà Châu nêu cao tinh thần cảnh giác của người dân trước ý đồ phá hoại an ninh, phá hoại khối đoàn kết dân tộc của bọn gián điệp. Trong quá trình công tác, bà Châu khám phá nhiều vụ tham ô, tham nhũng xảy ra trong các hợp tác xã trên địa bàn…
Nữ trưởng công an xã duy nhất tại Nghệ An được phong anh hùng (Video: Hoàng Lam).
Là phụ nữ, bà Châu có những hạn chế nhất định. Thế nhưng bà tự nhận mình là người “không biết sợ” khi đã bị cuốn vào nhiệm vụ, như lần một mình bắt trộm giữa đêm khuya, tháng 8/1967. Thời điểm ấy, trên địa bàn liên tục xảy ra các vụ mất cắp xe đạp. Lúc đó, chiếc xe đạp là tài sản lớn nhất của nhiều người, tính ra bằng bao nhiêu tấn thóc. Ban công an xã Quỳnh Hồng và Công an huyện Quỳnh Lưu vào cuộc xác minh, điều tra nhưng tên trộm vẫn là một ẩn số.
Bình thường, các tổ tuần tra được bố trí 3-4 người, gồm công an xã và công an viên các cụm, các xóm. Hôm ấy, dù không phải ca trực của mình, bà vẫn xách đèn pin đi tuần tra.
“Tôi phát hiện có một bóng người cao gầy đi ngược chiều mình. Tôi bấm đèn pin, hỏi “Ai?”, người ấy quay ngoắt lại, bước nhanh. Chính sự bất thường của anh ta khiến tôi sinh nghi, lập tức bám theo. Anh ta vượt qua làng, vòng ra đồng, hướng sang xóm bên kia đồng, tôi bám sát.
Nếu để anh ta vào làng, sợ sẽ khó khăn hơn nên tôi đánh trận giả. Tôi bấm đèn pin loang loáng, hô “các đồng chí vào vị trí, chuẩn bị đội hình” rồi cố gắng vượt lên. Khi áp sát, tôi dùng tay không khống chế thành công, tước con dao của anh ta và dẫn về trụ sở công an xã”, bà Châu kể.
Qua đấu tranh ban đầu, người đàn ông khai là Nguyễn Văn Quý (28 tuổi, quê Thanh Hóa), đi thám thính xem nhà nào sơ hở để trộm xe đạp. Vụ việc được chuyển lên Công an huyện Quỳnh Lưu, từ đây, một đường dây trộm cắp xe đạp liên tỉnh với sự tham gia của nhiều đối tượng hình sự cộm cán đã bị bóc dỡ. Quý và đồng bọn thực hiện nhiều vụ trộm, bán cho một cơ sở sửa chữa xe đạp. Nhiều tang vật chưa tiêu thụ kịp bị tháo rời ra, ném xuống ao để giấu, sau đó được công an trục vớt, trao trả cho người dân.
Với những thành tích xuất sắc, nhiều năm liền Ban Công an xã Quỳnh Hồng là đơn vị quyết thắng về phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ngày 25/8/1970, nữ Trưởng Công an xã Nguyễn Thị Minh Châu được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, khi mới 25 tuổi.
3 ngày làm vợ, 7 năm chờ chồng
Ban Công an xã Quỳnh Hồng thời điểm đó có 23 thành viên, từ xã đến xóm. Có thời điểm, ban có tới 15 cán bộ nữ, trong đó giữ vai trò chủ chốt như Trưởng, Phó ban công an xã. Nhiều người trong số họ có chồng đang chiến đấu trong chiến trường miền Nam.
“Buổi sáng, mùa cấy hay mùa gặt, tôi dậy từ 3 đến 4h, xong công việc đồng áng, công việc gia đình rồi mới có thể lên xã làm việc hay lên huyện họp, thực hiện các nhiệm vụ của một cán bộ công an xã.
Chồng tôi đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam, anh là con trai độc nhất trong gia đình. Bố chồng tôi là đảng viên, mẹ chồng là một phụ nữ cấp tiến, ông bà luôn tạo điều kiện và động viên tôi phấn đấu trong công việc”, bà Châu tâm sự.
Trong khi bà Châu trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Thế Phiệt (84 tuổi) gần như chỉ ngồi lặng lẽ ngắm người phụ nữ của mình. Câu chuyện của ông bà cũng là điển hình của tình yêu thời chiến, thứ tình cảm ươm mầm trong chiến tranh, trưởng thành qua thử thách và gắn bó bền chặt qua mọi thăng trầm cuộc sống.
“Hồi cưới nhau đã kịp yêu đâu, sống với nhau vỏn vẹn 3 ngày 2 đêm rồi ông ấy đi chiến trường, đi biền biệt 7 năm không có tin tức, thư từ gì”, bà Châu kể.
Khi bà lớn lên thì ông đã vào bộ đội, bởi vậy dù là người làng, lại cách nhau 4 tuổi nên hai người không mấy trò chuyện với nhau dù mối hôn sự được hai bà mẹ hứa hẹn, sắp xếp.
Ngày 17/4/1966, anh lính từ Hà Nội trở về tìm gặp bà, thông báo có lệnh đi “B dài” (chiến trường miền Nam) và ngỏ lời hỏi cưới. Vậy là cưới thôi, một đám cưới để người ra đi yên lòng, để bố mẹ anh có hi vọng về đứa cháu đích tôn nối dõi tông đường. Chiến tranh, ai biết được như thế nào?.
Ở với nhau chưa bén hơi, ông lên đường vào chiến trường. Bà ở nhà, làm tròn bổn phận của người con dâu trong gia đình và công việc của một phó, rồi trưởng công an xã. Công việc cuốn bà đi, chỉ những đêm dài lạnh lẽo, bà đối diện với sự cô đơn và cả yếu đuối không biết tỏ cùng ai.
Bà lặng lẽ gói ghém nó lại, gồng mình tỏ ra mạnh mẽ nhưng đêm khuya lại ngồi bất động hàng giờ ở cái giếng đầu làng. Bà lo cho chồng nơi hòn tên mũi đạn, lo cho bố mẹ chồng khi anh là con độc đinh và tủi cho cả mình, khi con chưa kịp hoài thai trong quãng thời gian tân hôn ngắn ngủi ấy.
Bà cũng chỉ là một người phụ nữ bình thường. Nhưng bà sinh ra ở thời chiến, thời mà những người phụ nữ chỉ biết chờ đợi và cố gắng làm tốt công việc của mình, để “chia lửa” cùng chồng, để bài ca hòa bình, thống nhất non sông sẽ sớm cất lên…
Bà giấu sự yếu đuối vào lòng, nhưng làm sao qua mắt được người mẹ chồng tâm lý của mình. “Một ngày, bà nắm lấy tay tôi, bảo “hay con cứ đi tìm một đứa con cho đỡ hiu quạnh. Sau này, thằng Phiệt về, bố mẹ sẽ nói cho”.
Tôi sửng sốt rồi bật khóc, khóc vì mẹ chồng tôi đã nghĩ cho con dâu nhiều như thế. Bà thương tôi như thế, nhẽ nào tôi có thể làm điều có lỗi với chồng mình?. Tôi tin anh sẽ về, chúng tôi sẽ có những đứa con của mình”, bà Châu nhớ lại.
Nhưng phải đến năm 1972, niềm vui đoàn tụ mới thực sự trở thành sự thật, khi bà Châu được cử đi học lớp nghiệp vụ công an tại tỉnh Hà Tây (cũ). Ông Phiệt, sau thời gian chiến đấu ở Tây Ninh, bị thương và ra tỉnh Hải Hưng (cũ) an dưỡng. Bà được tổ chức chở đến nơi chồng an dưỡng để gặp sau 7 năm bặt tin nhau. Người con trai đầu Trần Hải Hà là thành quả trong những lần bà từ Hà Tây xuống Hải Hưng thăm chồng.
Kết thúc khóa học, bà trở về địa phương, một năm sau nhận công tác tại Công an huyện Quỳnh Lưu. Ông bà có với nhau thêm 3 người con nữa. Những năm đầu giải phóng, ông bà cùng nhau vượt qua những khó khăn chung của cả nước, nuôi dạy các con, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Bà kinh qua nhiều nhiệm vụ khác nhau như: cán bộ hồ sơ, an ninh, hình sự, xét hỏi… Ở vị trí công tác nào, bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân cho tới khi về hưu với cấp hàm Thiếu tá.
“Tôi còn nhớ một buổi chiều, đang đứng bên đường để bắt xe, một người đàn ông tiến lại, reo lên “chị Châu, chị còn nhớ em không?”. Người đàn ông đưa bàn tay trái với ngón tay út bị cụt lên, nói tiếp: “Nhờ những lời dạy bảo của chị, em đã tự chặt ngón tay, quyết tâm để làm lại cuộc đời”. Lúc này tôi mới nhận ra, là T., cậu bé 16 tuổi, là “đối tượng” của tôi khi còn là Trưởng Công an xã Quỳnh Hồng.
T. lêu lổng, ham chơi, tham gia trộm cắp tài sản, buộc phải lập hồ sơ đưa đi giáo dưỡng. Khi hồ sơ hoàn tất, tôi gọi T. lên, dành cả buổi chiều để trò chuyện, phân tích, tâm sự cùng cháu. Tôi bảo cháu còn trẻ, còn tương lai dài ở phía trước, cháu phải quyết tâm thay đổi, như thế mới ngẩng cao đầu sống tiếp. Tôi vui vì T. đã thay đổi theo chiều hướng tích cực…”, bà Châu kể.
Nối nghiệp mẹ, hai người con trở thành chiến sỹ Công an nhân dân. Với các con, bà Châu vừa là mẹ, vừa là đồng đội, vừa là người đưa ra ý kiến hay lời khuyên, để các con vững vàng trong cuộc sống và trong nghề.
Về hưu, bà Châu tiếp tục tham gia công tác đoàn thể tại địa phương. “Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang là kết quả phấn đấu của toàn thể Đảng ủy, chính quyền, Ban công an và cả nhân dân xã Quỳnh Hồng, tôi chỉ là người đại diện thôi. Tôi luôn tâm niệm điều đó và tự răn mình, dù ở cương vị nào đều phải cố gắng để xứng đáng với danh hiệu anh hùng”, cựu Thiếu tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Minh Châu tâm sự.