Tiến sĩ, Kiến trúc sư Tô Thị Toàn trình bày tham luận.
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Tô Thị Toàn, nguyên Phó Ban Thường trực Ban quản lý Phố cổ Hà Nội cho biết, khu phố cổ Hà Nội là một quần thể kiến trúc độc đáo, đã được công nhận và xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia. Sự tồn tại của nó, cho đến bây giờ, mặc dù không còn nguyên vẹn song vẫn mang tính đặc trưng của một đô thị cổ mà chỉ Hà Nội mới có.
Do đó, vấn đề bảo tồn, tôn tạo và phát triển khu phố cổ Hà Nội không chỉ là trách nhiệm của người dân phố cổ, của Hà Nội, mà là của cả nước. UBND thành phố Hà Nội đã thực hiện một số dự án bảo tồn, tôn tạo và phát triển khu phố cổ Hà Nội như: Nhà truyền thống 87 Mã Mây, 38 Hàng Đào, 51 Hàng Bạc, đình Kim Ngân, đền Quan Đế, Trung tâm văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ), Hội quán (22 Hàng Buồm)…, tổ chức khu phố đi bộ (hồ Hoàn Kiếm), chợ đêm…
Tuy nhiên, hiện nay, quá trình đô thị hóa nhanh của Hà Nội tác động không nhỏ đến môi trường thiên nhiên và con người, làm khu phố cổ Hà Nội bị biến dạng và xuống cấp nghiêm trọng, cần phải được bảo tồn, tôn tạo. Đây là việc làm khó khăn, phức tạp, cần sự thống nhất của các cấp chính quyền và người dân.
Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội Bùi Thị An và và các hội viên tham gia trải nghiệm.
Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội Bùi Thị An bày tỏ, Hội Nữ trí thức Hà Nội sẽ luôn đồng hành với người dân phố cổ nói riêng, Hà Nội nói chung, góp sức bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ Hà Nội để phố cổ Hà Nội mãi là niềm tự hào về một di sản kiến trúc quý báu mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa của dân tộc và xứng đáng tượng trưng cho cốt cách, linh hồn của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Trong khuôn khổ chương trình, các hội viên Hội Nữ trí thức Hà Nội đã đến dâng hương ở đền Bạch Mã, thăm đình Kim Ngân và trải nghiệm tham quan khu phố cổ Hà Nội bằng xe điện.