Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Sao Ly (cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) là gương mặt thanh tú, thông minh cộng nụ cười tự tin, rạng rỡ. Nữ tiến sĩ 29 tuổi quê Đà Nẵng hiện đang là nhà khoa học cấp cao, làm việc tại một công ty hóa sinh ở Mỹ.
29 tuổi, Sao Ly đã là nhà khoa học cao cấp tại một công ty hóa sinh tại Mỹ. Ảnh: NVCC |
Năm 2009, Sao Ly sang Mỹ học phổ thông, lên đại học, cô trúng tuyển vào Trường Đại học California, Los Angeles (UCLA) và tốt nghiệp ngành Hóa – Sinh năm 2016. Một năm sau đó, Sao Ly trở thành “hiện tượng” của giới trẻ Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng khi giành học bổng tiến sĩ của 8 trường đại học tại xứ sở cờ hoa. Trước loạt cơ hội học tập được mở ra, thiếu nữ xinh đẹp quyết định nhận gói học bổng 9,3 tỷ đồng của Đại học Johns Hopkins – ngôi trường hàng đầu thế giới về nghiên cứu y học. Cô lựa chọn nghiên cứu sâu mảng bộ máy cơ học của tế bào và vai trò của bộ máy này trong điều trị ung thư.
Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, cô nhận tấm bằng tiến sĩ năm 29 tuổi và trở thành nhà khoa học (vị trí quản lý) tại Công ty Công nghệ sinh học Intellia Therapeutics tại Boston, bang Massachusetts, Mỹ. Nữ tiến sĩ tâm sự: “Khi vào đại học, tôi bắt đầu định hướng sự nghiệp, đó là theo đuổi nghiên cứu về tế bào trong việc chữa trị ung thư. Hơn 3 năm ở trường đại học, tôi dành thời gian lên phòng thí nghiệm để tìm tòi, học hỏi. Càng nghiên cứu, tôi càng thấy bản thân phù hợp với công việc này và học bổng tiến sĩ 9,3 tỷ là thành quả của nỗ lực không ngừng”.
Cũng theo Sao Ly, người làm khoa học phải đối diện với tình huống những công trình, thí nghiệm nghiên cứu chưa chắc thành công, nên phải luôn động viên bản thân, giữ tinh thần lạc quan và chấp nhận tính chất không chắc chắn của công việc nghiên cứu; đồng thời, phải làm việc nghiêm túc, cẩn trọng để có thí nghiệm chính xác.
Tháng 5-2022, nữ tiến sĩ trẻ tìm ra chức năng mới của protein mang tên discoidin sau 5 năm nghiên cứu. Đây là protein có vai trò tập hợp các thành phần chính trong bộ máy cơ học của tế bào, được cho là bộ máy quan trọng để tế bào ung thư xâm lấn các mô khác. Theo cô, từ trước đến nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào công bố rõ chức năng của discoidin và bài viết nghiên cứu của cô về các vấn đề liên quan được một tạp chí quốc tế về sinh học tế bào đăng tải tháng 11-2022. Đây cũng là nghiên cứu giá trị, giúp cô nhận tấm bằng tiến sĩ vào cuối năm 2022.
Để có bảng thành tích đáng nể, Sao Ly đã trải qua những năm tháng học tập, nghiên cứu vất vả, thậm chí không ít lần thất bại. Vạn sự khởi đầu nan, trước khi được 8 công ty mời về làm việc, mình từng nếm mùi thất bại, nghi ngờ bản thân chưa đủ cố gắng vì đi phỏng vấn nhiều nhưng không nhận được lời mời làm việc. Từ đó, cô quyết tâm dành thời gian “làm đẹp” hồ sơ, tham khảo kinh nghiệm từ các nhà khoa học trong ngành. Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng Sao Ly được tuyển chọn, trở thành nhà khoa học cấp quản lý tại Intellia Therapeutics – một công ty công nghệ sinh học do nhà khoa học Jennifer Doudna (người giành giải Nobel Hóa học năm 2020 cho cơ chế chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9) sáng lập.
Sao Ly cho hay cô không bị áp lực dù làm việc trong môi trường toàn nhân tài: “Được tuyển vào vị trí này chứng tỏ đó là vị trí phù hợp với trình độ của tôi, nên bản thân không lo lắng, áp lực quá nhiều. Thay vào đó, tôi tập trung phát triển bản thân trong môi trường mới, tạo ra những buổi thảo luận, đối thoại với sếp và đồng nghiệp để hiểu rõ hơn vị trí công việc được giao, từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ”, cô cho hay.
Được biết, mục tiêu trước mắt Sao Ly là thích ứng, hoàn thành tốt công việc mới. Bên cạnh công việc, cô sẽ dành thời gian làm những việc mình thích, tận hưởng cuộc sống một cách chậm rãi, trọn vẹn. Sau tất cả, có một thông điệp mà cô muốn nhắn gửi đến bạn trẻ, là không có con đường nào dẫn đến thành công đều trải đầy hoa hồng, chỉ khi nào bạn thật sự cố gắng, thì thành công mới gõ cửa.
NGÂN HÀ