Quan tâm và biết đến hiến máu tình nguyện từ khi còn là sinh viên, với sự nhiệt huyết và năng nổ, chị Hương đã đăng ký trở thành tình nguyện viên và sau đó làm phó chủ nhiệm Câu lạc bộ sinh viên vận động hiến máu tình nguyện trường Đại học Văn Hóa Hà Nội. Tại đây, nữ sinh viên Trần Thị Mai Hương đã có lần hiến máu đầu tiên khi vừa tròn tuổi 18.
Thượng úy Trần Thị Mai Hương chia sẻ: “Ngày trước phong trào hiến máu chưa được phổ biến như bây giờ. Mọi người chưa hiểu hết về hiến máu tình nguyện nên có sự nghi ngờ về nó. Chúng tôi đi từng nhà, từng ngõ và qua các con phố vận động người dân hiến máu. Ngày ấy mời được mọi người tham gia hiến máu là một niềm hạnh phúc vô cùng to lớn. Bây giờ thì thấy hiến máu tình nguyện đã trở thành thói quen với nhiều người, mình cảm thấy rất tự hào vì những năm tháng tuổi trẻ đã góp phần vào công tác vận động hiến máu”
Một điều thú vị là trong những năm tháng hăng hái vận động hiến máu, tình yêu của Thượng úy Trần Thị Mai Hương và Đại úy Trần Minh Tuyến đã nảy nở và nên duyên vợ chồng. Và chính Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương là nơi kết nối “sợi tơ hồng” của 2 anh chị. Những năm trở lại đây mặc dù bận bịu công việc, song vào những dịp đặc biệt, anh chị vẫn sắp xếp thời gian cùng nhau hiến máu tình nguyện.
Năm 2016, đồng chí Trần Thị Mai Hương nhận công tác tại Trại giam Hoàng Tiến, tại đây, chị có cơ hội được tham gia hiến máu trong các cuộc vận động của lực lượng Công an. Mỗi khi đủ thời gian hiến máu nhắc lại mà đơn vị chưa tổ chức hiến máu, chị lại chủ động lên Viện Huyết học hoặc những điểm hiến máu. Ngoài ra chị còn thường xuyên hiến máu cho những trường hợp khẩn cấp và tích cực vận động người thân, bạn bè cùng thực hiện hành động hiến máu nhân đạo này.
Tính đến thời điểm hiện tại, Thượng úy Trần Thị Mai Hương đã có 30 lần hiến máu nhân đạo. Nhìn lại quãng thời gian hiến máu vừa qua, chị cảm thấy xúc động, hạnh phúc vì đã góp phần trao gửi yêu thương, góp phần cứu chữa, điều trị nhiều người bệnh. Chị nghĩ hiến máu không vì thành tích, chẳng phải để “chứng tỏ bản thân” mà chỉ tâm niệm mình còn trẻ, còn sức khỏe, còn giúp được ai thì giúp. Bản thân chị là Thượng úy CAND, vậy nên phục vụ nhân dân là trách nhiệm; người dân có mạnh khỏe, hạnh phúc thì xã hội càng thêm ổn định, an vui.
Với 30 lần hiến máu, nắm trong tay 30 tờ giấy chứng nhận hiến máu, tác dụng của những tấm “sổ đỏ” này không chỉ nhằm tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến máu mà còn có tác dụng bồi hoàn lại số máu cho người hiến máu với chi phí thấp nhất. Dù chị nghĩ bản thân sẽ không bao giờ dùng đến chúng cho đến khi chị gặp biến cố lớn, cần truyền máu chị mới thấy những tờ giấy chứng nhận này vô cùng quan trọng.
Chị Hương kể, trong lần sinh đôi, chị gặp biến chứng “Rau cài răng lược” cực kỳ nguy hiểm, các bác sĩ phải truyền 8 đơn vị máu liên tục để giữ tính mạng. Gần 3 tiếng sau cấp cứu, gia đình mới thở phào nhẹ nhõm vì cả 3 mẹ con đã qua cơn nguy hiểm. Lần đó chồng chị đã gom lại tất cả giấy chứng nhận mà chị còn giữ mang đến bệnh viện, nhưng chỉ gom được khoảng chục cái vì trước đây anh chị thường không để ý đến chúng. Trải qua lần “vượt cạn” đó, chị Hương càng cảm thấy trân trọng những gì mình đã làm. Không chỉ là một nữ chiến sĩ công an tận tâm với nghề mà chị còn là một người mẹ kiên cường.
Cũng có thời gian chị Hương không tham gia hiến máu thường xuyên được, một phần là do Viện Huyết học đã dự trữ đủ nhóm máu B của chị, một phần do chị không đủ tiêu chuẩn để tham gia hiến máu vì quá gầy. “Mặc dù bây giờ mình có hơi đầy đặn nhưng mình cũng không dám giảm cân, sợ lại không đủ điều kiện hiến máu. Nếu không phải vì 2 lý do trên thì số lần hiến máu của mình phải hơn 40 lần rồi”, chị Hương nói.
Chị cho biết thêm, bản thân sẽ tiếp tục hiến máu tình nguyện đến khi nào còn có thể. Bởi chị cho rằng, lần sinh đôi của chị chính là minh chứng cho luật nhân quả, chị đã nhận lại được “quả ngọt” từ những lần hiến máu trước đó. Với chị, hiến máu tình nguyện là việc làm vô cùng ý nghĩa, không chỉ giúp đời, giúp người mà còn giúp chính bản thân mình.