Viết bài luận về hành trình theo đuổi niềm đam mê âm nhạc, Lê Hà Anh (học sinh lớp 12 Anh 1 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) nhận tin trúng tuyển 14 trường đại học, tất cả đều là ngành kinh tế, trong đó có 3 trường thuộc nhóm Ivy League tinh hoa và danh giá của Mỹ – gồm Đại học Pennsylvania, Đại học Dartmouth và Đại học Cornell.
Cô nữ sinh trường Ams này đồng thời là sinh viên năm 9/9 hệ trung cấp khoa piano, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Lê Hà Anh
Chọn kinh tế vì yêu thích
* Cảm xúc của bạn khi được hàng loạt trường đại học danh tiếng chào đón?
– Ngày 29-3 là Ivy Day – ngày các trường đại học hàng đầu ở Mỹ thông báo kết quả trúng tuyển, kết quả có từ 6h sáng nhưng do đã hứa với nhóm bạn thân nên em đợi đến trường để mở cùng các bạn.
Em quyết định mở lần lượt theo thứ tự và thư của Đại học Dartmouth được mở đầu tiên, thấy kết quả trúng tuyển các bạn em hò reo chúc mừng còn em vỡ òa và khóc vì hạnh phúc. Đại học Cornell là trường tiếp theo chúc mừng em trúng tuyển, còn Đại học UPenn là trường em mở thư sau cùng.
Có nhiều trường chấp nhận chi học bổng cho em khi theo học, nhưng trường chi học bổng hào phóng nhất là Đại học Dartmouth với số tiền khoảng 280.000 USD (tương đương với 7 tỉ đồng) cho 4 năm học.
* Bạn nghĩ điều gì giúp bạn trúng tuyển nhiều trường đại học danh giá của Mỹ?
– Theo em, hầu hết ứng viên đã nộp vào các trường đại học danh giá thì đều có kết quả học thuật tốt và hồ sơ ngoại khóa ấn tượng. Nhưng em hiểu là các trường đại học sẽ lựa chọn các ứng viên phù hợp với “màu sắc” của họ.
Em cũng đã tạo được ấn tượng tốt với ban tuyển sinh là em có một kết quả học tập tốt với điểm GPA 9,9; các điểm chuẩn hóa cũng đạt được mức khá cao với SAT 1.560/1.600 và IELTS 8.5. Em đạt các giải nhì quốc gia môn tiếng Anh năm lớp 11 và 12.
Bên cạnh đó, hồ sơ ngoại khóa đa dạng của em cũng thể hiện được sự nỗ lực của em trong hành trình dài vừa qua.
Trong bài luận gửi tới các trường đại học ở Mỹ, em viết về niềm đam mê dành cho cây đàn piano và hành trình của một cô bé sinh ra trong một gia đình không có truyền thống âm nhạc đã bước chân vào một trường đại học hàng đầu về âm nhạc tại Việt Nam từ năm lên 9 tuổi.
Đây cũng có thể là một yếu tố để các trường đại học nhìn thấy ở em tố chất của một mảnh ghép trong bức tranh của họ. Và cuối cùng em không thể phủ nhận được vai trò của yếu tố may mắn.
* Đam mê âm nhạc từ 4 tuổi, dành nhiều thời gian và tâm huyết cho piano, vì sao bạn chọn theo học kinh tế?
– Khi học cấp III, em đã tham gia câu lạc bộ kinh doanh, tham gia tổ chức các trại hè kinh doanh, các cuộc thi liên quan đến kinh doanh – khởi nghiệp và nhận được một số giải thưởng. Một trong số các dự án được giải sau này đã được đưa vào thực tiễn để triển khai.
Đặc biệt, năm lớp 11 em đã lựa chọn thực hiện nghiên cứu về ảnh hưởng của việc di dân tới nền kinh tế dưới sự hướng dẫn từ một nghiên cứu sinh đến từ Đại học Michigan. Tất cả những trải nghiệm này đã giúp em nhận thấy bản thân có sự yêu thích với ngành kinh tế, do vậy em quyết định chọn ngành này.
Không gò ép bản thân trong việc học
* Bạn có thể chia sẻ bí quyết để có thể học song song hai môi trường khác biệt?
– Có nhiều lần mẹ khuyên em bảo lưu kết quả bên nhạc viện để tập trung học văn hóa, nhất là thời điểm ôn thi vào lớp 10 chuyên, nhưng âm nhạc đã là một phần cuộc sống của em, nếu bỏ sẽ rất thiếu nên em quyết tâm theo đến cùng.
Em cũng thực sự rất biết ơn các thầy cô của em ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã luôn giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để những học sinh như em có thể theo đuổi đam mê của mình.
Đối với việc học, em không gò ép mình phải học đến tối muộn, khi mệt có thể đi ngủ sớm rồi sáng dậy làm bài. Đặc biệt chỉ đi học thêm trong một số thời điểm nhất định như khi ôn thi chuyên, học bổ trợ môn toán để thi tốt nghiệp.
Riêng môn tiếng Anh là một môn học khá đặc biệt và gắn với nhiều giải thưởng em đã đạt được. Để học tiếng Anh hiệu quả, em tiếp cận theo cách học giao tiếp trước rồi mới xây dựng ngữ pháp, từ vựng. Khi tiếp xúc, giao tiếp nhiều thì sẽ tích lũy được nhiều từ vựng mới.
* Lịch học và tham gia các hoạt động ngoại khóa khá dày có khiến bạn mất tuổi thơ?
– Em cũng không hiểu rõ định nghĩa của việc “mất tuổi thơ” là như thế nào. Em chỉ biết là em đã có những năm tháng rất hạnh phúc bên gia đình, thầy cô và bạn bè.
Em cũng tự nhận thấy mình bận rộn hơn một số bạn khác, chẳng hạn như khi các bạn có thể tập thể thao sau buổi học thì các buổi sáng em phải dậy sớm để đi bơi, đi tập bóng rổ và chỉ có thể ngủ nướng vào hai ngày cuối tuần.
Lịch trong năm học thì luôn bận rộn, nhưng năm nào bố mẹ em cũng dành ra khoảng một tháng để đưa em và em gái đi những chuyến chơi xa để cho chúng em có thể tìm hiểu lịch sử, văn hóa và con người ở những vùng đất mới.
* Không theo đuổi học âm nhạc bậc đại học có đồng nghĩa tạm gác đam mê?
– Tháng 8 tới, em sẽ đi du học ngành kinh tế. Trong số các trường trúng tuyển em đang cân nhắc giữa Đại học Pennsylvania và Đại học Dartmouth. Việc không lựa chọn du học lĩnh vực âm nhạc không có nghĩa tạm gác đam mê. Tại trường đại học vẫn có cơ sở vật chất, có những lớp học để có thể rèn luyện thêm về âm nhạc.
Em đang suy nghĩ thử theo đuổi âm nhạc theo một hướng khác, học về lý thuyết, phân tích, học sâu hơn về sáng tác hoặc có thể thử sức với âm nhạc ở nhiều thể loại khác với nhạc hiện đại, nhạc pop… vì từ trước tới giờ em chủ yếu học âm nhạc cổ điển.
Trách nhiệm, cẩn thận và chỉn chu
Khi biết tin Hà Anh trúng tuyển vào nhiều trường đại học tốp đầu ở Mỹ tôi đã rất vui mừng và xúc động nhưng không ngạc nhiên.
Khoảng thời gian nước rút của việc hoàn thiện và nộp hồ sơ du học cũng là giai đoạn Hà Anh tham gia kỳ ôn luyện tập trung cùng với đội tuyển quốc gia để chuẩn bị cho kỳ thi.
Áp lực chồng chất áp lực nhưng Hà Anh chưa một lần kêu ca, vẫn tham gia đầy đủ tất cả những buổi học đội tuyển và xuất sắc ghi tên mình với giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh trong cả hai năm lớp 11 và lớp 12.
Nhìn Hà Anh miệt mài trong lớp đội tuyển, tôi tự hỏi không biết cô bé ấy lấy đâu ra năng lượng để hoàn thành ngần ấy công việc, giải quyết ngần ấy khó khăn trong cùng một lúc. Chỉ có thể là một bản lĩnh vượt trội và sự quyết tâm bền bỉ mới có thể giúp con bước từng bước vững chãi như vậy.
Điều tôi đánh giá cao ở Hà Anh là tinh thần trách nhiệm, cẩn thận và chỉn chu trong mọi việc; một khi con đã quyết tâm làm gì là sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành việc đó ở mức tốt nhất.
Cô Bùi Thanh Hương (giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Anh 1 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam)
Bảng thành tích “khủng”
Mặc dù học song song văn hóa và nghệ thuật tại hai ngôi trường khác nhau từ năm lớp 4, thế nhưng Hà Anh đã thể hiện bản lĩnh “làm gì cũng được” với loạt thành tích nổi bật như thủ khoa đầu vào khối chuyên Anh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, đỗ chuyên tin Amsterdam, đỗ chuyên Anh chuyên ngoại ngữ Đại học Sư phạm.
Em cũng đạt giải nhì tiếng Anh học sinh giỏi thành phố Hà Nội năm lớp 9 và lớp 11; giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh năm lớp 11 và 12; và một số giải thưởng đàn piano trong và ngoài nước; một số giải toán, giải toán thống kê và giải về kinh doanh…