Tại một trong bốn trường đại học top đầu Singapore, Lan Khanh có những trải nghiệm thú vị về sự song hành của công nghệ và phát triển cộng đồng, cũng như cơ hội của phái nữ trong lĩnh vực công nghệ hiện nay.
Dùng công nghệ để tiết kiệm thời gian cho người dân
* Học kỳ trao đổi của Lan Khanh tại Singapore trong thời gian qua có gì đặc biệt?
– Không chỉ những bài giảng trên lớp, mình học được ở Singapore, công nghệ thật sự được ứng dụng ở khắp mọi nơi, tối ưu trải nghiệm cũng như mức sống của người dân và bất kỳ ai đặt chân tới Singapore.
Ngay từ khi nhập cảnh, Singapore có máy tự động scan hộ chiếu và nhận diện gương mặt, sau đó lưu vào hệ thống. Toàn bộ quá trình không cần bất kỳ nhân công nào. Chỉ những thay đổi nhỏ nhờ sự trợ giúp của công nghệ cho mình thấy được lý do người dân ở đây tiết kiệm được nhiều thời gian, làm được nhiều việc khác.
Ngành học trao đổi tại Singapore của mình là kỹ thuật y sinh và chăm sóc sức khỏe (Biomedical and Healthcare Engineering).
Điểm đặc biệt ở đây là chỉ trong một tháng đầu, mình đã có nhiều chuyến đi thực tế đến bệnh viện công ở Singapore. Mình được trực tiếp quan sát những công nghệ được ứng dụng trong bệnh viện, ví dụ như công nghệ scan và in 3D mô phỏng lại bộ phận cơ thể người có thể dùng hỗ trợ quá trình phẫu thuật.
Việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào môi trường y tế góp phần làm bớt việc của các bác sĩ, từ đó có thời gian cho nhiều bệnh nhân hơn và đưa ra các chẩn đoán chính xác hơn nhờ sự trợ giúp của máy tính.
* Những dự án mà Lan Khanh sẽ triển khai hoặc có ý tưởng từ khoảng thời gian trao đổi tại Singapore?
– Mình có rất nhiều ý tưởng từ rất nhiều thứ mình học được ở Singapore. Nhưng mình nghĩ nếu muốn khả thi, mình sẵn sàng tìm và tham gia với những tổ chức cũng đang triển khai những ý tưởng đó thay vì bắt đầu một cái hoàn toàn mới.
Hiện mình cũng đang có một dự án liên quan tới mảng mình đang hứng thú là ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào y tế – ứng dụng Deep Learning vào nghiên cứu, theo dõi điện tim, tách sóng điện tim của thai nhi ra từ tín hiệu điện tim từ bụng mẹ. Những ứng dụng có thể thấy trong mảng này là tự động phát hiện sự bất thường sớm ở biểu đồ điện tim hoặc phân bổ sự ưu tiên trong cấp cứu.
Trong dự án này, mình có sự hỗ trợ về xử lý tín hiệu (Signal Processing) từ giáo sư Trương Trung Kiên ở Fulbright, và cả về máy học (Deep Learning) từ giáo sư Lim Kwan Hui ở trường mình trao đổi SUTD (Singapore University of Technology and Design). Ngoài ra còn có sự hướng dẫn cùng một nhóm ở UCI (University of California, Irvines) từ kết nối của thầy.
“Định kiến ngành công nghệ không dành cho nữ”
* Theo Lan Khanh, hiện nay đâu là những thuận lợi và thách thức cho những sinh viên nữ theo học các ngành công nghệ, kỹ thuật?
– Mình nghĩ mọi thị trường đang cần cân bằng giới nhất là trong ngành này, nên mình thấy xu hướng chung là hầu hết các nước phát triển hoặc đang phát triển đều có rất nhiều cơ hội cho sinh viên nữ theo học các ngành công nghệ, kỹ thuật, kể cả trong học tập hay làm việc.
Theo trải nghiệm của mình, muốn phát triển một dự án kỹ thuật lớn thì việc làm việc nhóm là rất cần thiết. Vậy nên ngoài kiến thức kỹ thuật thì những kỹ năng giao tiếp cũng đang rất quan trọng, và đây cũng sẽ là thế mạnh của những bạn nữ.
Còn về thách thức, vì vẫn có nhiều định kiến là ngành này không dành cho nữ, do đó vô tình tạo nên rào cản để các bạn nữ có ít cơ hội tiếp xúc với công nghệ.
Mình cũng từng thấy tự ti, sợ theo đuổi ngành này. Vì mình cảm thấy bản thân không đủ giỏi so với những bạn đã tiếp xúc công nghệ từ nhỏ.
Nhưng sau khi trải qua các dự án, mình cảm thấy ngoài kỹ thuật thì còn rất nhiều kỹ năng khác cần thiết trong một nhóm. Mình cũng có thể phát huy những thế mạnh khác của bản thân đồng thời trong quá trình trau dồi kiến thức về kỹ thuật.
Và thật ra ở giới tính nào cũng vậy, nếu thấy tự ti thì cách duy nhất vẫn là cố gắng tìm hiểu để bản thân có thể phát triển và trở nên tự tin hơn. Hay đơn giản là bắt tay vào làm để biết mình có khả năng hay phù hợp với nó hay không.