Với điểm GPA gần tuyệt đối 3.97/4, cùng thành tích học tập đáng nể, Trần Thị Kim Liên (sinh năm 2002), Khoa Dệt May, Da giày và Thời trang, Trường Vật Liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội đã vinh dự nhận được học bổng của nhiều doanh nghiệp.
Được biết, đây là lần thứ 2, Trần Thị Kim Liên nhận được học bổng doanh nghiệp. Không chỉ vậy, em còn là sinh viên xuất sắc với 7/7 kỳ học tập đều đạt học bổng khuyến khích học tập của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trần Thị Kim Liên, sinh viên chuyên ngành Thiết kế sản phẩm dệt may, Khoa Dệt May, Da giày và Thời trang, Trường Vật Liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: NVCC)
Được doanh nghiệp trao tặng học bổng với điểm GPA gần tuyệt đối
Trần Thị Kim Liên sinh ra tại Nam Định, là chị cả trong gia đình đông anh em. Thấu hiểu được nỗi vất vả của bố mẹ để nuôi các con ăn học, nữ sinh dặn lòng phải cố gắng học tập, làm việc để gánh vác giúp gia đình phần nào.
Mới đây, tại buổi “Sinh hoạt công dân – Giao lưu doanh nghiệp và trao học bổng cho sinh viên Dệt may” do Khoa Dệt may – Da giầy – Thời trang, Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức, Kim Liên nằm trong top những sinh viên có số điểm cao nhất được nhận học bổng danh dự do doanh nghiệp trao tặng. Nữ sinh đạt GPA 3.97/4 và điểm rèn luyện 91/100.
Trần Thị Kim Liên, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: NVCC)
Điều kiện đạt học bổng doanh nghiệp xét theo thang điểm GPA sinh viên, theo thứ tự từ trên xuống dưới. Để được nhận học bổng, Liên phải trải qua nhiều đêm thức trắng để đạt thành tích cao trong các kỳ thi trước. Cũng bởi số lượng học bổng có hạn nên nữ sinh phải cạnh tranh với các sinh viên giỏi khác trong khoa.
Theo đuổi tổ hợp A1 (Toán, Lý, Tiếng Anh), Liên tìm hiểu và lựa chọn chuyên ngành Thiết kế sản phẩm dệt may, Khoa Dệt May, Da giày và Thời trang của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Kim Liên cho biết, chuyên ngành đang theo học giúp nâng cao các kỹ năng chuyên môn thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp dệt may. Hiện dệt may đang là nhóm nghề triển vọng, đóng góp lớn vào GDP của Việt Nam và xếp thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Sinh viên học ngành này có cơ hội việc làm mở rộng; cũng như gia tăng thêm kiến thức để nghiên cứu và phát triển.
“Em chọn Đại học Bách khoa vì môi trường giáo dục tốt, nhiều người giỏi có thể học hỏi được nhiều. Thiết kế sản phẩm dệt may cũng là chuyên ngành thú vị, có thể bổ trợ cho công việc của em sau này”, Kim Liên kể.
Chương trình học Bách khoa bao gồm môn đại cương, cơ sở cốt lõi ngành và chuyên ngành. Liên thích các môn học chuyên ngành nhất vì trực tiếp giúp ích cho công việc. Các môn học đại cương thì thúc đẩy việc rèn luyện và phát triển tư duy.
Cũng tại Bách khoa nổi tiếng với kỳ thi vấn đáp. Đặc biệt, thi vấn đáp môn Hóa hữu cơ là kỷ niệm nhớ nhất với Liên. Nữ sinh mô tả có nhiều phương trình hóa học cần học thuộc và hiểu bản chất. Tuy vậy, khi vào các môn chuyên ngành, do được học kỹ, học nhiều nên em lại thích thi theo hình thức này hơn, so với làm bài tập.
Kim Liên luôn đề cao đề cao tính chủ động cũng như quản lý tốt thời gian để đạt kết quả cao trong học tập (Ảnh: NVCC)
Nắm được chương trình học khó khăn với các bộ môn nặng kiến thức, do đó Kim Liên luôn đề cao tính chủ động trong học tập, cũng như quản lý tốt thời gian. Đây là các phương pháp nữ sinh áp dụng từ khi mới vào trường. Với tính chủ động, Liên sẽ luôn nghiên cứu giáo trình trước khi lên lớp. Bài tập học xong buổi sáng sẽ hoàn thành luôn trong ngày chứ không để đến hôm sau.
Về vấn đề quản lý thời gian, bởi phải học nhiều môn trong một kỳ, cộng số lượng tín chỉ nhiều nên Kim Liên cố gắng phân chia thời gian hợp lý. Nữ sinh đặt ra mục tiêu cho bản thân và thật nghiêm túc, kỷ luật để thực hiện đúng lộ trình đó.
“Thời gian là vàng nên em không bao giờ để nó trôi qua trong lãng phí. Em trân trọng từng giây phút được học; làm việc và luôn cố gắng hoàn thành mọi thứ đúng giờ và trọn vẹn nhất”, Nữ sinh Bách khoa Hà Nội cho biết.
7/7 kỳ học nhận học bổng khuyến khích học tập
Bằng sự cố gắng, nỗ lực vươn lên, từ năm nhất đến hiện tại, Trần Thị Kim Liên luôn đạt GPA loại Giỏi trở lên. Trong 8 kỳ học ở Đại học Bách khoa Hà Nội, có 7/7 kỳ học nữ sinh đạt học bổng khuyến khích học tập (bao gồm học bổng loại giỏi và học bổng xuất sắc); 2 lần nhận học bổng doanh nghiệp từ tập đoàn TCE Hàn Quốc và từ Công ty TNHH Best Pacific Việt Nam.
Trong 8 kỳ học ở Đại học Bách khoa Hà Nội, có 7/7 kỳ Kim Liên đạt học bổng khuyến khích học tập và 2 lần nhận học bổng doanh nghiệp (Ảnh: NVCC)
Trước đó, Kim Liên trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội với 25 điểm – mức không quá nổi trội nên Liên có chút thất vọng. Cùng với việc sống xa gia đình, thời gian đầu nữ sinh Nam Định cảm thấy khá bơ vơ, lạc lõng.
Đại học cũng là dấu mốc sống xa nhà lần đầu tiên của Liên. Lúc chưa thích nghi với cuộc sống sinh viên, em thường nhớ gia đình, thi thoảng buồn và khóc.
Một thời gian sau, Liên cũng dần quen với việc sống một mình. Gặp việc khó, em thường gọi điện tâm sự với bố mẹ; thời gian rảnh sẽ thực hiện một số sở thích như học ngoại ngữ, nghe nhạc. Dần dà, nỗi buồn nhớ nhà cũng vơi bớt đi.
Ngoại ngữ Kim Liên thích học là tiếng Anh và tiếng Trung. Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, phổ biến, giúp nữ sinh có thêm nguồn tài chính khi nhận dạy thêm. Do đó, Liên vô cùng hào hứng và luôn tìm kiếm cơ hội để nâng cao trình độ tiếng Anh.
“Còn động lực để em đăng ký học tiếng Trung bởi ngành dệt may có rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc. Việc học hỏi thêm một ngôn ngữ mới sẽ thuận lợi hơn trong quá trình xin việc, giúp hồ sơ trở nên chuyên nghiệp và dễ dàng giao tiếp với doanh nghiệp và khách hàng”, Kim Liên cho biết.
Bên cạnh bảng thành tích học tập đáng nể, ngay từ năm nhất, nữ sinh Bách khoa đã nhận công việc dạy thêm để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Em dạy thêm môn Anh và Lý cho đa dạng đối tượng học sinh, từ tiểu học cho đến cấp 3.
Việc dạy thêm mang đến cho Liên niềm vui khi giúp học sinh hiểu bài và đạt điểm cao. Đặc biệt, hiện nay học sinh đang học chương trình mới với các bộ sách giáo khoa khác nhau. Do đó, trong quá trình dạy học, nữ sinh Nam Định cũng tìm hiểu được thêm nhiều kiến thức mới chưa từng được biết.
Đặc biệt, được dạy và tiếp xúc gần với học sinh giúp Kim Liên rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại. Từ việc soạn giáo án, giảng đi giảng lại bài, đến khi học trò thật sự hiểu giúp Liên mềm mại, điềm tính và trưởng thành hơn.
Nói về dự định trong thời gian ngắn, Kim Liên cho biết sẽ cố gắng cải thiện tiếng Trung; tập trung đăng ký thực tập theo đúng chuyên ngành và hoàn thành chứng chỉ Quản lý dự án do Đại học Bách khoa Hà Nội kết hợp với Google tổ chức.
Nữ sinh Bách khoa cũng bày tỏ nguyện vọng tương lai sẽ được thử sức với ngành nghề Nghiên cứu và phát triển sản phẩm dệt may. Đồng thời, Liên sẽ tiếp tục duy trì công việc gia sư để trau dồi, hoàn thiện bản thân ngày càng phát triển theo hướng đa năng và toàn diện.