Phạm Bùi Gia Khanh, 15 tuổi, là học sinh Việt Nam đầu tiên giành giải ở cuộc thi Olympic Triết học quốc tế (IPO) hồi giữa tháng 5 tại Hy Lạp.
Đây là cuộc thi Triết học lớn nhất thế giới dành cho học sinh 15-18 tuổi. Năm nay, IPO có 103 thí sinh đến từ 49 quốc gia tham dự. Ban tổ chức trao 13 huy chương và 24 giải Danh dự, tỷ lệ có giải là 35%. Gia Khanh, học sinh trường Quốc tế Anh BIS Hà Nội, lọt vào top 20 của cuộc thi và nhận giải Honorable Mention (Giải thưởng Danh dự).
Nhớ lại khoảnh khắc được xướng tên, Gia Khanh nói mới “ngờ ngợ” do khác biệt về phát âm. Chỉ tới khi nghe “Việt Nam”, em mới tin mình đạt giải.
“Thời gian nghiên cứu về Triết học chưa lâu nên em chỉ hy vọng mình làm tốt nhất có thể ở cuộc thi. Được giải là điều em chưa từng nghĩ đến”, Khanh nói.
Nữ sinh 15 tuổi đến với Triết học rất tình cờ. Trong chuyến du lịch nước ngoài hồi đầu năm nay, Khanh tham quan một bảo tàng văn học và thấy hứng thú với học thuyết của nhiều triết gia được trưng bày. Trở về nhà, nữ sinh tìm thêm các tài liệu liên quan để đọc.
Điều này khiến nhiều bạn bè ngạc nhiên, hỏi sao Khanh lại chọn một môn khó như vậy. Nữ sinh cho rằng khi tìm hiểu đến một ngưỡng đủ sâu, lĩnh vực nào cũng khó, quan trọng là bản thân hào hứng. Khanh cũng nghĩ Triết học chỉ là một khía cạnh trong nhiều vấn đề em quan tâm. Ngoài việc học, nữ sinh chơi nhiều môn thể thao như khiêu vũ, bóng chuyền, điền kinh.
Thầy Christopher Newman, hiệu trưởng khối trung học trường Quốc tế Anh BIS Hà Nội, nhận xét Gia Khanh là một trong những học sinh “bận rộn” nhất trường, bởi em tham gia nhiều hoạt động. Theo thầy Chris, Gia Khanh thông minh, giàu trí tưởng tượng và quyết đoán. Em giàu năng lượng tích cực và luôn hoàn thành tốt những việc đã cam kết.
Khanh hào hứng với lĩnh vực mới, nhưng quá trình học của em không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nữ sinh từng chật vật khi tìm hiểu học thuyết hình thái (Theory of forms) của Plato. Khanh mô tả đây là thuyết nói về một thế giới hoàn toàn mới, trừu tượng và tách biệt với thế giới chúng ta đang sống. Dù đã đọc tài liệu và thuyết liên quan, Khanh vẫn cảm thấy khó hiểu và quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ từ thầy cô.
Tương tự với những vấn đề khác, khi gặp nội dung khó hiểu, Khanh thường hỏi nhiều người. Em cho rằng từ trải nghiệm cá nhân, mỗi người sẽ có cách lý giải, liên kết các quan điểm với nhau. Điều này tưởng chừng rối rắm, nhưng lại giúp Khanh có cái nhìn tổng quan, đa chiều.
“Mỗi lần hiểu được một thuyết, em thấy như được giải tỏa, mở mang và tràn đầy năng lượng”, Khanh chia sẻ.
Biết tới cuộc thi Olympic Triết học quốc tế vào giữa tháng 4, Khanh do dự. Ở tuổi 15, thời gian đến với Triết học chưa lâu, trong khi trải nghiệm cuộc sống là yếu tố quan trọng giúp người học hiểu các vấn đề phức tạp, Khanh không chắc mình đủ khả năng tham dự cuộc thi. Sau cùng, được gia đình và thầy cô khích lệ, em quyết định thử sức.
Để tham dự, học sinh phải gửi hồ sơ đăng ký gồm bảng điểm học tập, minh chứng khả năng viết luận tiếng Anh, niềm đam mê Triết học, kết quả thi chuẩn hóa, kinh nghiệm và giải thưởng quốc tế (nếu có). Trừ nước chủ nhà, mỗi quốc gia chỉ có hai đại diện. Khi Gia Khanh nhận thông báo được chọn, cuộc thi chỉ còn cách chưa đầy hai tuần.
Cùng lúc đó, Khanh phải thi kết thúc chương trình trung học quốc tế (IGCSE) môn Toán. Vừa học trên trường, vừa chuẩn bị cho IPO nên em không có nhiều thời gian, chủ yếu đọc sách ở thư viện, trao đổi các vấn đề Triết học với giáo viên.
Trong cuộc thi, mỗi thí sinh chọn một trong 4 chủ đề và viết bài luận về chủ đề đó trong bốn tiếng liên tục. Bài thi sau đó được ẩn danh, gửi tới 8 giám khảo đánh giá và cho điểm độc lập, cuối cùng được xem xét bởi Hội đồng cuộc thi, gồm 5 giáo sư của Đại học Patras (Hy Lạp) và Đại học Harvard (Mỹ).
Khanh chọn chủ đề số 4, bàn về nguyên tắc bình đẳng trong mối quan hệ giữa người với người và với những động vật phi nhân bản. Nữ sinh dành một nửa thời gian để nghĩ ý tưởng, các lập luận và dẫn chứng, rồi mới viết.
“Xung quanh, các thí sinh gõ bàn phím rào rào, em tự động viên bản thân bình tĩnh, không hoang mang”, Khanh nhớ lại, cho biết chỉ mong làm tốt nhất có thể nên cố gắng không xao nhãng và mất tinh thần bởi phần thể hiện của các thí sinh khác.
Hoàn thành bài viết vừa kịp hết giờ, Khanh thở phào. Cảm thấy bài làm không tệ, Khanh hy vọng kết quả khả quan trong lần đầu tham dự IPO. Dù vậy, việc đạt 7,06/10 điểm, đứng hạng 20, vẫn ngoài mong đợi của em.
Là người dẫn hai học sinh Việt Nam dự IPO năm nay, thầy Đặng Minh Tuấn, giảng viên trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói thí sinh quốc tế có lợi thế về nền tảng Triết học, vì chương trình phổ thông ở một số quốc gia có môn này, trong khi hai học sinh Việt Nam chỉ có khoảng một tháng chuẩn bị. Song, thầy Tuấn đánh giá cao cách đặt vấn đề, kỹ năng cập nhật kiến thức mới của Gia Khanh.
Còn anh Nguyễn Quang Minh, học viên cao học ngành Triết, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, ấn tượng với sự thông minh, tích cực của Khanh ngay buổi học đầu. Từng dạy Triết cho nhiều học sinh, anh Minh nói rất hiếm em nào có khả năng tiếp nhận và triển khai vấn đề nhanh như Khanh.
Song, với một học sinh 15 tuổi, mới tiếp cận với Triết học 2-3 tháng, anh đánh giá việc giành giải ở IPO “gần như không thể”. Trước cuộc thi, anh Minh đã làm công tác tư tưởng cho Khanh và gia đình, chỉ ra thực tế rằng các thí sinh đều đã học Triết từ lâu, bài bản và hầu hết đều hơn tuổi Khanh.
“Khi Khanh báo được giải, mình rất vui và bất ngờ. Những gì Khanh làm được gần như là kỳ tích”, anh Minh nói.
Khanh nhìn nhận việc học Triết giúp em kiên trì hơn bởi phải tìm nhiều cách để hiểu một học thuyết khó. Trải nghiệm IPO cho Khanh cơ hội gặp gỡ và quen nhiều bạn bè chung sở thích, kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Điều này giúp Khanh tự tin, có động lực để tiếp tục theo đuổi lĩnh vực này.
“Em chưa quyết định việc chọn chuyên ngành nào khi vào đại học. Mục tiêu trước mắt của em là tham gia IPO năm sau và giành giải cao hơn”, Khanh nói.
Thanh Hằng