Mong lan tỏa nhiều thông điệp
Trong lễ ra mắt tác phẩm đầu tay ngày 30.5, Minh Khuê cho biết em bắt đầu viết sách song ngữ từ 2 năm trước, vào 2022. Câu chuyện lấy cảm hứng từ Su – chú cún cưng do họ hàng em nuôi dưỡng, qua đó truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình, lòng yêu thương động vật. “Em muốn mượn lời của một chú chó để độc giả cảm thấy thú vị và dễ đồng cảm hơn”, nữ sinh chia sẻ.
Theo Khuê, bằng thủ pháp nhập vai, quyển sách kể lại những cột mốc quan trọng, đong đầy cảm xúc trong 3 năm đầu đời của chú chó Su, đồng thời mô tả đời sống của một gia đình yêu động vật ở Cần Thơ. Sách gồm 12 chương, in 1.000 bản và được phát hành bởi Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM. Trong đó, Khuê dành tặng 50 quyển sách cho thư viện ở vùng sâu, vùng xa và 100 quyển cho trường em đang theo học.
Là thành viên Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia Anh kiêm Hiệu trưởng Trường Phổ thông liên cấp Vinschool Grand Park, ông Robert Davies đánh giá Mái ấm của Su có “vốn từ đẹp đẽ, hình ảnh phong phú”. “Quyển sách không chỉ là biên niên sử về cuộc đời của một chú chó, mà còn là minh chứng hùng hồn về sức mạnh bền bỉ của tình yêu thương, tinh thần bất khuất của con người”, ông Davies cho hay.
Điều này thể hiện rõ nét qua những câu văn do Khuê chấp bút. Như khi nói về “sự tích” cái tên của cún cưng, em kể sau một hồi tranh luận chọn “Gạo”, “Mực” hay “Hoa”, cả nhà nhất trí đặt là “Su”, “cái tên không mang ý nghĩa gì đặc biệt, nhưng chí ít nó cũng giúp cho bà Linh (cô giúp việc – PV) đỡ cảm thấy cô đơn vì bà luôn có cảm giác cháu Su của bà luôn ở bên cạnh, vơi đi nỗi nhớ đứa cháu nội bé bỏng đang ở tận TP.HCM”.
Hay khi nói về nỗi đau mất mẹ, trong vai chú chó, em không chỉ kể về chấn thương tâm lý mình phải trải qua, mà còn vô thức bộc lộ nhiều tâm tình, như nỗi nhớ về người ba đã biến mất từ thuở lọt lòng. Rồi khi “ông chủ” mất đi, những dòng miêu tả từ cô học trò cũng dễ làm người đọc đồng cảm, vì “bầu không khí nơi đây không khác gì dải lều bị đổ, cứ nương theo trọng lực mà chùng xuống”.
Chưa kể, trong quyển sách dài chưa đến trăm trang, Khuê còn lồng ghép nhiều quan điểm về các vấn đề xã hội. Như khi nói về việc các bạn chó lai “không được tôn trọng lắm”, nữ sinh 11 tuổi bày tỏ: “Tôi cảm thấy cái này giống như một sự phân biệt đối xử vậy… Giống như con người, tất cả giống chó dù thuần chủng hay lai đều có quyền bình đẳng”. Hay lúc đề cập đến biến cố, em lạc quan bởi “mọi thứ xảy ra đều có một lý do gì đó”.
Tất cả được Khuê miệt mài viết đi viết lại, sau đó tiếp tục cặm cụi dịch tác phẩm sang tiếng Anh để có thể lan tỏa hơn nữa câu chuyện về “thành viên” 4 chân trong các gia đình. “Qua câu chuyện này, em cũng muốn truyền cảm hứng để các bạn đồng trang lứa có thể đọc sách nhiều hơn, vì trong những quyển sách có rất nhiều điều hay ho để chúng mình học hỏi”, nữ sinh chia sẻ.
“Nhiều lúc gặp khó khăn khi sắp xếp ý tưởng, nhân vật và dịch sang tiếng Anh, em cũng muốn bỏ cuộc. Nhưng gia đình, thầy cô luôn động viên, truyền cảm hứng để em nỗ lực hoàn thành con đường đã chọn”, Khuê bộc bạch, nói thêm em hay đọc sách về loài chó như Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (Nguyễn Nhật Ánh) hoặc các đầu sách có chủ đề chính trị xã hội, lịch sử, như về ông Phạm Xuân Ẩn, ông Đặng Trần Đức (Ba Quốc)…
Phương pháp nuôi dạy con theo hướng gợi mở
Dấu ấn ra mắt sách song ngữ ở tuổi 11 của Minh Khuê không thể bỏ qua sự đồng hành của phụ huynh. Ông Lê Minh Hùng, ba của nữ sinh, chia sẻ bản thân cũng là người yêu chó. Trước đây, vào những năm 1980, ông từng nuôi chó và được chính chú chó ấy cứu mạng khỏi nanh răng của rắn độc. “Khi nghe tôi kể lại chuyện xưa, Khuê dần hình thành lòng yêu thương với ‘người bạn’ 4 chân”, ông Hùng nhớ lại.
Từ đó, Khuê bắt đầu tìm hiểu các loài chó như tên gọi, ngoại hình, tập tính và đọc những câu chuyện cảm động về sự trung thành của loài chó. Em thích giống Golden Retriever, Poodle… và mong muốn được nuôi một chú chó như ba mình. Tuy nhiên, vì lo ngại con gái út chưa có đủ sự chuẩn bị cần thiết, ông Hùng đã đặt ra thử thách, “Trước hết, con hãy viết một quyển sách về loài chó đi”.
Và Khuê đã thành công sau 2 năm thực hiện.
“Trong suốt quá trình, tôi không ép buộc con phải viết như thế nào mà chỉ gợi mở, cung cấp cho con các tài liệu, lời khuyên cần thiết. Thậm chí, đến khâu phiên dịch sang tiếng Anh, Khuê chắc nịch không cần ba mẹ hỗ trợ vì, ‘khoản này con còn giỏi hơn ba mẹ’. Tôi rất tự hào vì con đã tiếp nối những giấc mơ dang dở của tôi bằng cách riêng của mình”, ông Hùng kể, cho biết thêm Khuê từng lập một kênh YouTube để dạy học tiếng Anh miễn phí.
Theo ông Hùng, nếu gợi đúng sở trường, gửi gắm niềm tin vào các con và tạo động lực qua những giải thưởng, cam kết, đứa trẻ có thể ngày càng phát triển tích cực. “Hãy tạo lập thói quen đặt ra định hướng cho trẻ bởi nếu không có khát vọng, mong muốn, các con sẽ giống như pho tượng, không biết đi đâu về đâu. Hãy cho con môi trường, sự động viên và tư vấn sao cho con có thể tự chọn con đường mà con muốn đi”, nam phụ huynh chia sẻ.
“Tôi không ‘xúi’ con phải học thật giỏi hay tranh đua một cách máy móc, mà quan trọng nhất là con học được gì”, ông Hùng nói thêm.
Giáo viên chủ nhiệm của Khuê cho biết thêm, trước khi dấn thân viết sách, nữ sinh cũng là tác giả của nhiều mẩu truyện ngắn. “Sau Mái ấm của Su, Khuê đang cùng các bạn chung lớp thực hiện một dự án sách vì mục đích thiện nguyện, với nội dung xoay quanh những chủ đề mà các em yêu thích, từ tình thân gia đình đến các câu chuyện đồng thoại, viễn tưởng và dự kiến sẽ sớm xuất bản”, cô chủ nhiệm cho hay.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nu-sinh-11-tuoi-viet-sach-song-ngu-nhap-vai-cun-cung-de-lam-dieu-y-nghia-185240531151015513.htm