Nữ nghệ nhân tâm huyết giữ nghề sơn mài Hạ Thái

Công LuậnCông Luận15/02/2025

(CLO) Hơn 50 năm gắn bó, gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, nghệ nhân sơn mài Nguyễn Thị Hồi (68 tuổi) luôn tâm huyết, tỉ mỉ, cần mẫn trên từng nét cọ để trang trí hoạ tiết các bình gốm sứ, bình gỗ, tranh dân gian… cho ra các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm nét văn hoá dân gian Việt Nam.


Sinh ra và lớn lên tại xã Duyên Thái (huyện Thường Tín, TP Hà Nội), nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi bắt đầu bén duyên với nghề gốm sứ từ năm 16 tuổi, đến năm 17 tuổi (1 năm) thì dừng việc học, sau đó được cha đưa vào làm ở hợp tác xã ở địa phương. Cần mẫn, chịu khó, thời điểm đó bà và các đồng nghiệp ở hợp tác xã sản xuất những mẫu vật đơn giản như bàn cờ, an bon… Đến năm 1991 thì hợp tác xã giải thể, quãng thời gian sau đó bà ở nhà làm nông nghiệp, đến năm 1993 khi đó trong thâm tâm vẫn rất nhớ nghề, bạn bè giúp đỡ nên đã quay trở lại làm nghề gốm sứ và từ đó bám trụ với nghề cho đến tận bây giờ.

“Nhà tôi có truyền thống làm nghề gốm sứ, cha và anh, chị, em trong nhà đều làm thợ vẽ, chị dâu làm thợ sơn… Thời điểm đó, nghề hội hoạ chưa phát triển, chưa làm những lọ hoa như bây giờ, chỉ làm bình phong đi bán ở Hà Nội, có làm tranh nhưng chỉ có kích thước chỉ 30cm, 40cm, không có tranh kích thước lớn như hiện tại. Tuy nhiên, các sản phẩm như bình gốm, tranh nhỏ lại bán được rất nhiều”, bà Hồi kể lại.

nu nghe nhan luon tam huyet gin giu nghe son mai ha thai hinh 1

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hồi (bìa phải) giới thiệu các sản phẩm bình, tranh sơn mài cho khách hàng.

Nghệ nhân Hồi nói thêm: “Trải qua thời gian dài phát triển với nghề, đến khi đơn hàng ngày một nhiều thì gia đình tôi bắt đầu thuê thợ về làm. Đặc biệt, thời điểm hưng thịnh nhất của nghề là lúc tôi bắt đầu tham gia các hội chợ tại các tỉnh/ thành, kể từ đó có nhiều khách thập phương tìm đến mua hàng nhà tôi, lượng khách ngày một tăng. Để mở rộng thêm các mặt hàng gốm sứ, năm 2010, tôi mới bắt đầu sản xuất những mặt hàng bình gốm sơn mài, bình gỗ và tranh sơn mài như bây giờ”.

Nhiều người biết đến, đơn hàng ngày một tăng, bà Hồi xuất khẩu mặt hàng gốm của nhà mình sang nước ngoài, đa phần đều là các mối làm ăn thân quen từ trước. Lợi nhuận cao từ việc bán các sản phẩm, công việc sản xuất các bình gốm sứ, bình gỗ, tranh trở thành nghề thu nhập chính của gia đình. Dẫu vậy, công việc đang thuận lợi, suôn sẻ thì dịch COVID-19 ập đến vào năm 2020, đơn hàng bị giảm sút hoàn toàn nên bà Hồi quyết định ngừng xuất khẩu ra nước ngoài, chỉ bán và xuất khẩu trong nước cho người tiêu dùng. 

"Ai mua hàng thì tôi làm cho họ trưng bày ở nhà, còn đơn thì thường khách đặt những lọ để làm quà tặng, tranh họ mua thường để treo nhà, ít được đặt làm quà tặng. Tôi nhớ có đợt khách hàng đặt 300-400 lọ để biếu, tặng khách hàng”, bà Hồi tâm sự.

nu nghe nhan luon tam huyet gin giu nghe son mai ha thai hinh 2

Các sản phẩm sơn mài của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hồi luôn thu hút khách hàng trong nước và quốc tế.

Hiện tại, xưởng sản xuất của gia đình nhà bà Hồi rộng khoảng 300m2, nhân công có từ 3 đến 4 người, còn đâu những người làm vóc thì thường để về nhà làm cốt của bình, của tranh. “Hiện cả làng còn có khoảng 300 hộ còn giữ nghề, họ làm cả vóc, cả thành phẩm để bán ra thị trường tiêu dùng trong nước”, bà Hồi tiết lộ. 

Về công đoạn tạo ra sản phẩm, bà Hồi cho biết, đối với một cái lọ, nếu như những sản phẩm đơn giản thì sản xuất mất khoảng 12 công đoạn, còn những sản phẩm nhiều màu sắc thì trải qua vài chục công đoạn khác nhau. Ngoài ra, đối với những bức tranh có thể mất khoảng 17 đến 18 công đoạn khác nhau mới hoàn thành. Đối với những bức tranh kích thước lớn thì rất tốn thời gian, thậm chí đến vài tháng mới thành phẩm.

“Những hình ảnh mang đậm văn hoá Việt Nam như tranh hoa sen, Văn Miếu, chùa Một Cột, phong cảnh được tôi thể hiện trực tiếp trên từng chiếc lọ, bức tranh sơn mài… Còn làm những tranh như vinh quy bái tổ, mã đáo thành công thì thông thường những nhà có diện tích rộng họ đặt và tôi sẽ làm trong vòng vài tháng mới trả đơn”, bà Hồi cho biết thêm. 

Về giá thành sản phẩm, hiện sản phẩm nhỏ nhất đối với lọ gốm, tranh phong cảnh sẽ có giá dao động từ 250.000-300.000 nghìn đồng/ sản phẩm, còn sản phẩm kích thước to có giá vài triệu đồng, thậm chí đến vài chục triệu đồng. Còn sản phẩm vài trăm triệu thường là những bức tranh khổ lớn.

nu nghe nhan luon tam huyet gin giu nghe son mai ha thai hinh 3

Một số sản phẩm sơn mài ấn tượng do chính tay nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hồi chế tạo.

Trong năm 2024, xưởng sản xuất các mặt hàng sơn mài của nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi vẫn phát triển, đơn hàng đều đều nhưng so với chục năm trở đây thì kém hẳn. “Hàng năm, địa phương vẫn mở lớp học cho các Hiệp hội, Hiệp hội cũng tổ chức các lớp học cho các học sinh nghỉ Hè. Trong chương trình đó các em học sinh vẫn nắm vững được nghề của mình, việc học trên lớp diễn ra bình thường để các em được học thêm nghề truyền thống phục vụ cho tương lai”, bà Hồi nói thêm. 

Với những cống hiến thầm lặng cho làng nghề truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (năm 2020); Bộ Công Thương trao tặng kỷ niệm chương (năm 2021); Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen (năm 2021); đạt danh hiệu Người tốt - Việc tốt tiêu biểu (năm 2022) và nhiều khen thưởng khác của UBND huyện Thường Tín trong gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống…

Mới đây, theo Quyết định số 3717/QĐ-UBND ngày 17/7/2024 nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi là một trong 8 cá nhân nữ nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu Thủ đô được Chủ tịch UBND TP Hà Nội khen thưởng về thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề, phố nghề TP Hà Nội năm 2024.

Bài và ảnh: Trung Nguyễn



Nguồn: https://www.congluan.vn/nu-nghe-nhan-luon-tam-huyet-gin-giu-nghe-son-mai-ha-thai-post334650.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available