Mất thời gian, công sức tìm cơ hội để vào làm việc tại công ty công nghệ cao tại TP.HCM, thế nhưng chỉ gắn bó được một thời gian, chị Phan Thị Thu Hà, ở ấp Lộ 25, xã Hưng Lộc (H.Thống Nhất) đã rẽ lối để khởi nghiệp.
Chị Phan Thị Thu Hà chăm chút từng sản phẩm từ khâu sản xuất đến đóng gói. Ảnh: N.Sơn |
Từng trải qua nhiều công việc, nhiều thất bại nhưng chị vẫn kiên trì khởi nghiệp và đến nay chị đã cho ra đời xà bông và một số sản phẩm từ thảo mộc mang tên Mây Thị.
* Trải nghiệm nhiều công việc
Sau khi tốt nghiệp THPT, không thực hiện được ước mơ thi đậu vào ngành Công nghệ thông tin, chị Hà học ngành Điện tử truyền thông (hệ cao đẳng) tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, chị làm nhân viên tại một công ty ở tỉnh Bình Dương.
Công việc không đúng với chuyên môn đã học, chị thấy uổng phí nên chỉ gắn bó với công ty được một thời gian thì trở lại TP.HCM, quyết tâm học liên thông lên đại học.
Gần tốt nghiệp đại học, chị trúng tuyển vào làm việc tại công ty trước đây chị từng thi tuyển. Làm việc tại công ty công nghệ cao là mơ ước của chị từ khi tốt nghiệp cao đẳng, nhưng áp lực công việc quá lớn khiến chị một lần nữa từ bỏ.
Nghỉ việc, chị không về quê mà bám trụ tại TP.HCM và bắt đầu buôn bán từ cà phê, nước mắm đến mở quán bún ăn sáng… để có thu nhập trang trải cuộc sống.
Năm 2018, chị về quê chồng ở TP.Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận để sinh con. Sau khi con cứng cáp, chị cùng con quay lại TP.HCM và nung nấu suy nghĩ phải khởi nghiệp trước khi quá muộn.
Vô tình xem được câu chuyện khởi nghiệp từ xà bông thiên nhiên của một chị ở tỉnh Hà Giang, nhìn bánh xà phòng thiên nhiên qua truyền hình, chị thấy hay hay, nghĩ bản thân có thể làm được nên quyết định thử sức.
* Quyết tâm với xà bông thảo mộc
Sau khi quyết định khởi nghiệp với xà bông thảo mộc, chị Hà đưa con về quê nhà ở ấp Lộ 25, xã Hưng Lộc (H.Thống Nhất). Được cha mẹ cho đất, 2 vợ chồng chị tích cóp, vay mượn thêm để xây nhà. Có được nơi an cư, chị Hà yên tâm nghiên cứu để tạo ra sản phẩm xà bông thảo dược.
Cán bộ, hội viên phụ nữ tìm hiểu về sản phẩm của Mây Thị tại Ngày hội Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2022 |
Chị bắt đầu tìm sách, tìm tài liệu trên mạng để đọc, xem trên YouTube… Tuy nhiên, các tài liệu tiếng Việt không nói chi tiết về cách làm xà bông. Với vốn ngoại ngữ có được, chị tìm tài liệu bằng tiếng Anh để nghiên cứu. Có nhiều cách để tạo ra xà phòng và chị đã chọn cách làm xà phòng bằng phương pháp nóng.
Khi đã có được những kiến thức cơ bản, chị bắt đầu đặt mua nguyên liệu để thử nghiệm. Lúc ấy, chị ở nhà chăm con nhỏ, kinh tế gia đình đều trông chờ vào thu nhập của chồng. Hàng tháng sau khi trừ các khoản chi tiêu trong gia đình, số tiền dành dụm được chị dùng để mua nguyên liệu làm xà bông. “Vạn sử khởi đầu nan…”, sản phẩm xà bông đầu tiên ra đời không đạt. Bánh xà bông mau tan, làm da bị khô.
Sau thất bại lần đầu tiên, chị tiếp tục điều chỉnh và thử nghiệm rất nhiều lần sau đó. Xà bông thử nghiệm không đạt, chị tận dụng để rửa chén nguyên cả năm không hết. Sau 2 năm làm đi làm lại, chị mới cho ra được công thức xà bông thiên nhiên hoàn chỉnh.
Khi có được sản phẩm, chị tiếp tục đối mặt với vấn đề bán sản phẩm. Theo chia sẻ của chị Hà, xà bông là sản phẩm được rất nhiều gia đình sử dụng. Mặc dù xà bông handmade được đánh giá là tốt cho da hơn nhưng người tiêu dùng vẫn ưa chuộng các sản phẩm xà bông công nghiệp. Bởi, xà bông công nghiệp đa dạng về mẫu mã, hương thơm, chất lượng và đặc biệt là giá thành rẻ.
Để lan tỏa sản phẩm đến người tiêu dùng, chị đem mẫu xà bông đi kiểm nghiệm và được chứng nhận an toàn. Bên cạnh đó, chị tận dụng lợi thế lan truyền của mạng xã hội để chia sẻ về hành trình đến với xà bông thảo mộc, câu chuyện về xà bông thảo mộc… giúp người tiêu dùng hiểu thêm về sản phẩm thảo mộc.
Thông qua chia sẻ của chị trên Facebook cá nhân, một số khách hàng tìm đến sản phẩm xà bông thảo mộc của Mây Thị. Một số cá nhân có hứng thú với các sản phẩm từ thiên nhiên ở tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình Thuận đã đặt gia công trong thời gian dài.
Cùng với đó, chị mày mò tìm hiểu và đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử. Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Hội LHPN xã, Hội LHPN huyện, chị Hà có thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình đến khách hàng thông qua hoạt động trưng bày sản phẩm tại Ngày hội Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Ngoài sản phẩm xà bông thảo mộc, chị Hà tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên khác, như: muối tắm từ cà phê, dung dịch vệ sinh phụ nữ từ nước cất lá trầu không và dự kiến sắp tới sẽ là các sản phẩm son môi, dầu gội, kem dưỡng ẩm…
Chị PHAN THỊ THU HÀ cho biết, để có thể cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng, hiện chị đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất. |
Nga Sơn
Chị LÊ MINH THI, ở TP.Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận): Luôn tin dùng sản phẩm xà bông thảo mộc của Mây Thị
Bản thân tôi thích các sản phẩm từ thiên nhiên. Nhiều năm nay, tôi luôn đi tìm các sản phẩm từ thiên nhiên để thay thế các sản phẩm công nghiệp. Cách đây mấy năm, tôi vô tình biết đến xà bông thảo mộc của Mây Thị và tôi đã mạnh dạn dùng thử.
Mặc dù sản phẩm xà bông của Mây Thị những ngày đầu mới sản xuất chưa hoàn thiện được như hiện nay nhưng chất lượng thì vẫn đảm bảo sạch mà không khô da, không nhờn, có mùi thơm tự nhiên của thảo mộc… Vì thế mà tôi vẫn duy trì sử dụng xà bông của Mây Thị từ đó cho đến nay.
Chị PHẠM THỊ DUYÊN, Phó chủ tịch Hội LHPN H.Thống Nhất: Đồng hành, hỗ trợ trong khả năng của Hội
Khởi nghiệp là nhiệm vụ luôn được Hội LHPN H.Thống Nhất quan tâm. Huyện hội luôn chủ động kết nối với các đơn vị có liên quan để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
Đối với sản phẩm xà bông thảo mộc Mây Thị, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội LHPN xã theo dõi, hỗ trợ làm hồ sơ theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); cung cấp thông tin, giới thiệu để chị Hà tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Ngày hội Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp. Đồng thời, cung cấp thông tin, động viên, khuyến khích chị Hà tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do Hội LHPN cấp trên tổ chức để có cơ hội giao lưu, học hỏi, hoàn thiện sản phẩm của mình.
Cẩm Tú (ghi)
.