Quảng NamNhận thấy tiềm năng quả nhàu, chị Nhung nghỉ công việc kế toán, tự tìm tòi chế biến nhiều sản phẩm, doanh thu mỗi năm 2,5 tỷ đồng.
Cuối tháng 4, tại xưởng sản xuất rộng gần 300 m2 ở xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ, chị Bùi Thị Tuyết Nhung, 42 tuổi, tất bật thu mua quả nhàu từ các hộ dân mang đến. “Quả nhàu khi chín phải chế biến ngay, để một ngày là hư”, chị giải thích.
Chị Nhung sinh ra trong gia đình nông dân ở vùng đất ven sông Vu Gia, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc. Tốt nghiệp THPT, chị làm nghề diễn viên, hát dân ca một thời gian rồi trụ lại với nghề kế toán. Chị còn học thêm chuyên ngành kỹ thuật dược với mong muốn phát triển dược liệu quê hương.
Sau nhiều năm tìm hiểu, thấy cây nhàu có nhiều công dụng, trên thế giới nhàu được chế biến nhiều sản phẩm, còn trong nước mới được sử dụng trong đông y. Ngày bé, chị từng chứng kiến ông bà dùng nhàu chữa bệnh cao huyết áp, nhức mỏi xương khớp, đau lưng, chóng mặt, mất ngủ…
Ở Quảng Nam, cây nhàu mọc hoang dại, trồng quanh vườn tạo bóng mát. Cây không cần bón phân, phun thuốc trừ sâu, nhưng phát triển tốt, cho trái quanh năm. Với suy nghĩ cây nhàu nếu trồng đại trà sẽ rất dễ, chị Nhung nung nấu ý định khởi nghiệp.
Năm 2017, chị nghỉ công việc kế toán để bắt tay thực hiện. Ý tưởng được chồng và người thân ủng hộ, song cũng nhận nhiều hoài nghi. Họ cho rằng quả nhàu chín rụng không ai lấy, nếu muốn thì cứ hái, cần gì bỏ tiền mua. Để biến nhàu thành sản phẩm đem lại lợi nhuận, người ta đã làm từ lâu, không đến lượt chị.
Không phủ nhận những góp ý, song chị quyết định khởi nghiệp. Tại Quảng Nam, chưa ai biến trái, rễ nhàu thành các sản phẩm. Cây sau hai năm trồng cho quả, cây trưởng thành một tháng thu hoạch khoảng 20 kg trái. Các sản phẩm từ quả nhàu không chỉ bán ở địa phương mà đi nhiều tỉnh thành, có thể xuất khẩu.
Năm 2019, chị Nhung biến khu vườn rộng gần 300 m2 thành xưởng sản xuất. Ban đầu, chị làm theo cách truyền thống, mua nhàu về rửa sạch, cắt lát, để ráo và cho vào lò sấy thành nhàu khô dùng ngâm rượu hoặc pha trà uống.
Để có cái nhìn khách quan về sản phẩm, chị biếu tặng người thân, bạn bè sử dụng. Họ đánh giá quả nhàu có mùi khai khó chịu nhưng khi dùng thì khác hoàn toàn. Mùi không còn nồng nặc, nhàu pha trà màu vàng óng, uống ngọt. Chưa thỏa mãn với các sản phẩm, chị tự nghiên cứu nước cốt nhàu. “Đây là sản phẩm mất nhiều công sức vào thời gian nhất”, chị nói.
Từ 6-8 kg nhàu tươi ngâm ủ một năm, đưa qua máy chiết lọc được một lít nước cốt. “Để có sản phẩm bán 280.000 đồng/lít tôi đã đổ đi làm lại nhiều lần. Mỗi mẻ ủ thất bại cho mình được kinh nghiệm và sau hai năm đã tìm ra bí quyết làm nước cốt nhàu”, chị nói.
Chị lập trang web, sử dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng bá bán sản phẩm, đồng thời mở các đại lý bán hàng ở TP Hội An, nơi thu hút hàng triệu du khách nước ngoài mỗi năm. Với phương châm “bán hàng tái đầu tư”, chị xác định đi chậm, lấy lợi nhuận để tái đầu tư, không vay mượn.
Hiện chị đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng xưởng sản xuất tại nhà rộng gần 300 m2 và một xưởng ở xã Tam Ngọc. Chị liên kết với gần 50 hộ dân trồng cây nhàu, mỗi tháng thu mua khoảng 6 tấn quả, giá 8.000 đồng/kg. Ngoài ra, chị thành lập hợp tác xã chế biến nhàu với vốn điều lệ một tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 lao động, thu nhập 6,5 triệu đồng mỗi tháng.
Đam mê quả nhàu, chị Nhung đã chế biến thành 8 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao (mỗi địa phương một sản phẩm). Dự án đánh thức giá trị cây nhàu của chị đoạt giải nhì dự án khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam năm 2021. Mục tiêu của chị là liên kết với người dân mở rộng diện tích trồng nhàu. Các sản phẩm không chỉ bán trong nước mà tiếp cận thị trường châu Á, châu Âu.
Bà Nguyễn Thị Kim Yển, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ TP Tam Kỳ, đánh giá chị Nhung khởi nghiệp ở độ tuổi không còn trẻ, gặp nhiều khó khăn nhưng không nản chí, tự nghiên cứu ra các sản phẩm cho riêng mình. Chị đã liên kết với nhiều hộ dân trồng cây nhàu, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.