Cuộc thi do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (cơ quan trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo), phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Hệ thống giáo dục Victoria School tổ chức, đã thu hút đông đảo nữ giới từ 13 – 15 tuổi tham gia vào các lĩnh vực STEAM.
Khai phóng tư duy sáng tạo cho nữ giới
Lần đầu thử sức ở sân chơi học thuật, em Nguyễn Dương Yến My (học sinh Trường THCS thị trấn Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) bất ngờ khi đạt được giải vàng cuộc thi.
“Em cảm thấy vui và tự hào khi có thể đạt được giải vàng và có cơ hội hợp tác chung với các bạn đến từ Thái Lan và Malaysia. Chúng em đã thiết kế khóa học vui, nghiên cứu cách học dễ dàng và thú vị hơn.
Đây là sân chơi tuyệt vời, có không gian phát triển tốt và phù hợp cho nữ sinh. Chắc chắn những cuộc thi tương tự em sẽ tự tin để tham gia” – Yến bộc bạch.
Cũng là lần đầu đến Việt Nam tham gia cuộc thi học thuật, bạn Moukthida (học sinh Lào) chia sẻ: “Mặc dù em không biết tiếng Việt nhưng đó không phải là rào cản, thầy cô đã hỗ trợ dịch tài liệu giúp và các bạn chung nhóm cũng rất nhiệt tình. Bên cạnh đó, em còn được tham quan những công trình nổi tiếng của TP.HCM.
Em rất tự tin và mong muốn sẽ tham dự thêm các cuộc thi tương tự, những cuộc thi này giúp em học hỏi và kết nối nhiều bạn bè quốc tế. Qua đó, em học thêm được kỹ năng vẽ và khả năng giao tiếp tiếng Anh”.
Em Tạ Yến Ngọc (học sinh Trường THCS Đại An, tỉnh Trà Vinh) cho biết nhóm nghiên cứu về đề tài sống xanh mỗi ngày, hướng dẫn tiết kiệm điện, nước và năng lượng.
“Nhận thấy thực trạng biến đổi khí hậu, lãng phí nguồn điện và nước nên em mong muốn có thể tuyên truyền trong cộng đồng học sinh. Các bạn rất thân thiện, em mong muốn sẽ có thêm nhiều dịp để học tập, làm việc chung. Ở trường dạy môn trải nghiệm hướng nghiệp và chưa tổ chức cuộc thi STEAM như thế này nên em xem đây là nơi để học hỏi thêm nhiều kiến thức mới” – Ngọc nói.
Bà Lê Anh Lan, chuyên gia giáo dục UNICEF, nhận xét về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của các em học sinh Việt Nam không thua kém học sinh trong khu vực và quốc tế.
“Người lớn cũng cần học hỏi và lắng nghe từ các em học sinh rất nhiều về sự sáng tạo, tư duy phản biện trong việc thúc đẩy lối sống xanh, kỹ năng xanh tới cộng đồng.
Chúng tôi muốn tập trung vào các em nữ sinh để trong tương lai các bạn sẽ chiếm lĩnh và lĩnh hội công việc xanh. Tạo ra sự cân bằng, các em học sinh nữ cũng có cơ hội nhìn nhận lại năng lực và mong ước của bản thân” – bà Lan nói.
Bà Lan cũng cho rằng cần giáo dục nâng cao ý thức về môi trường cho các em ngay từ cấp học nhỏ nhất. Bằng việc rèn luyện và ứng dụng kỹ năng xanh, người trẻ có thể tham gia và gia tăng khả năng làm việc trong nhiều lĩnh vực, từ đó mở ra thêm nhiều cơ hội quý giá cho bản thân. Nếu như chúng ta không xây dựng, không bắt đầu cơ hội bình đẳng tiếp cận kỹ năng xanh cho tất cả các em thì chúng ta sẽ chậm so với nhu cầu bức thiết của nền kinh tế xanh và hành tinh xanh.
Sân chơi trao đổi kiến thức và giao lưu văn hóa
ThS Christopher Bradley, tổng hiệu trưởng Trường Victoria School – Nam Sài Gòn, cho rằng không có giới hạn về giới trong giáo dục STEAM, các cô giáo có thể giảng dạy STEAM và các học sinh nữ cũng có thể tiếp nhận, sáng tạo các dự án.
“Chỉ trong 3 ngày, các em đã kết nối, làm quen và bắt tay xây dựng những dự án về môi trường, biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo. Cuộc thi đã tạo ra một sân chơi bổ ích để các em học sinh nữ được phát huy sự sáng tạo, khả năng nghiên cứu STEAM và các kỹ năng dẫn dắt, lãnh đạo của mình.
Qua đó nữ sinh được kết nối, học hỏi lẫn nhau, giao lưu kiến thức, văn hóa giữa các vùng miền và các quốc gia. Ngoài học tập, các em còn mang tới những tiết mục sôi động, đậm dấu ấn địa phương, đất nước của mình” – ông Christopher Bradley nói.
Ông Christopher Bradley cũng hy vọng các học sinh tham gia cuộc thi này sẽ ra về với các kỹ năng và sự tự tin để trở thành những nhà lãnh đạo trong lĩnh vực STEAM tại chính ngôi trường của mình.
Cô Mawar Asmah Husna (giáo viên Malaysia) cho biết cô rất vui khi học sinh Malaysia có cơ hội giao lưu với bạn bè Việt Nam, Thái Lan và Lào.
“Cho dù các bạn không cùng ngôn ngữ nhưng vẫn có thể thân thiết dù chỉ mới gặp nhau. Đây cũng là cơ hội để các bạn học sinh trao đổi kiến thức, làm chung dự án có nhiều kỷ niệm mới.
Thông qua cuộc thi hỗ trợ các bạn nữ có thêm nhiều kiến thức, tiến đến bình đẳng giới. Tôi hy vọng cuộc thi này sẽ là sự kiện thường niên cho các em học hỏi thêm về STEAM, còn là sân chơi trao đổi ngôn ngữ và văn hóa” – cô Mawar Asmah Husna nói.
Em Lương Kim Phụng (học sinh Trường THCS Hùng Vương, tỉnh Đồng Tháp) bộc bạch: “Em cảm thấy vui và hào hứng khi được kết bạn mới, học thêm nhiều kiến thức trải nghiệm. Giúp em được bước ra khỏi vùng an toàn và thử sức với thách thức, đem lại nhiều kỹ năng thực tế”.
Bình đẳng trong giáo dục STEAM
GS.TS Lê Anh Vinh, viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho rằng giáo dục STEAM cung cấp cho học sinh nền tảng về các lĩnh vực công nghệ xanh, kỹ thuật môi trường và thiết kế bền vững.
“Việc nghiên cứu STEAM trong vấn đề phát triển bền vững mở ra rất nhiều cơ hội đổi mới, sáng tạo không chỉ trong giáo dục mà còn trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống.
Với tôi, một trong những giá trị cốt lõi quan trọng của giáo dục là giúp cho học sinh có thêm hiểu biết, kiến thức để nâng cao trách nhiệm xã hội, nhận thức rõ hơn về vai trò cùng khả năng của mình, để các em phấn đấu tạo ra nhiều sản phẩm ý nghĩa, đóng góp cho sự phát triển chung của toàn xã hội trong tương lai” – ông Vinh nói.
Theo ông, không chỉ học sinh ở thành phố lớn, mà những vùng khó khăn cũng được tiếp xúc với STEAM thông qua việc xây dựng nội dung giáo dục STEAM gắn liền với đặc điểm tình hình thực tiễn của địa phương, tăng cường tổ chức dạy học các môn khoa học theo bài học STEAM và khai thác các nguồn học liệu trực tuyến. Bên cạnh đó, có thể tổ chức các hoạt động trải nghiệm liên quan đến lĩnh vực STEAM, tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm và tiếp cận, trao đổi với các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.
Dự kiến cuộc thi học thuật STEAM cho nữ sinh sẽ có thể tổ chức như một hoạt động thường niên về thúc đẩy giáo dục STEAM cho nữ giới và mở rộng nhóm đối tượng thêm cả học sinh nữ ở bậc trung học phổ thông.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nu-gioi-tu-tin-chinh-phuc-ky-nang-xanh-20241007163321546.htm