Năm 1992, tốt nghiệp Trung học Sư phạm Sóc Trăng, cô giáo trẻ Đỗ Thị Hồi nhận quyết định về công tác tại Trường Tiểu học Lạc Hòa 1, vùng đặc biệt khó khăn của Vĩnh Châu, nơi có đông đồng bào Khmer và Hoa. Đời sống kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn nên việc học của học sinh cũng bị ảnh hưởng.
Trường cách thị trấn (nay là thị xã) 15 cây số, đi lại vô cùng khó khăn, mùa khô thì bụi, mùa mưa trơn trượt. Nhiều ngày đến trường cô giáo trẻ ướt sũng, sình bùn dính bẩn hết quần áo. Sân trường đầy cỏ dại. 5 phòng học được coi là khang trang nhất vì bên dưới xây gạch cao khoảng 1 mét, phần trên được che bằng những tấm tôn; còn lại là phòng cây lá tạm. Học sinh đến lớp với những bộ quần áo nhàu nát, nhiều em đi chân đất, thiếu sách vở, dụng cụ học tập.
Giáo viên không có chỗ ở nên được trường bố trí ở trong nhà dân, về sau mới có khu tập thể. “Bước vào cuộc sống của nhà giáo ở nơi xa này, đối diện với nhiều khó khăn, thiếu thốn nên ban đầu tôi cũng tâm tư. Nhưng về sau thấy các em chịu thiệt thòi quá nhiều, cả về điều kiện kinh tế và học tập, nếu mình bỏ cuộc thì các em sẽ ra sao. Tôi tự nhủ với lòng mình là phải vượt qua tất cả, phải làm được điều gì đó cho học sinh. Cứ vậy mà tôi đã ở lại với vùng đất Lạc Hòa này từ đó cho đến nay”, cô giáo Hồi tâm sự.
Bằng niềm thương cảm và trách nhiệm của một nhà giáo, cô Đỗ Thị Hồi tự nhủ mình phải làm việc nhiều hơn để giúp đỡ học sinh giảm bớt thiệt thòi. Không quản ngại khó khăn, cô say mê với công việc, tìm ra những phương pháp phù hợp với đối tượng học sinh, giúp các em tự tin trong học tập. Cô chú trọng từng em trong giờ giảng, đặc biệt quan tâm đến những học sinh khó khăn về học tập. Ngoài dạy chính khóa trên lớp, cô Hồi thường ở lại mỗi ngày từ 30 đến 45 phút kèm thêm cho những học sinh còn hạn chế trong từng môn học. Những em phải giúp mẹ làm việc nhà, không thể đến lớp đầy đủ, cô đến tận nhà giúp đỡ các em ôn lại kiến thức.
Cô còn làm tốt công tác vận nhà hảo tâm hỗ trợ mua sắm thiết bị cho hoạt động của trường như tivi, quạt máy. Với những học sinh không có ai đưa đón, nhất là những ngày học 2 buổi, cô cho các em ở lại trong nhà vào buổi trưa để tiện cho việc học, giúp phụ huynh yên tâm làm việc. Với cách làm này, lớp do cô Hồi chủ nhiệm không có học sinh phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn. Cô Đỗ Thị Hồi còn tham gia viết sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học; trong đó có 10 sáng kiến được công nhận cấp cơ sở, 3 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh, nhiều sáng kiến, đề tài được ứng dụng trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, cô cũng đã tự vận động và tự mở 1 lớp 13 học viên; ấp, xã vận động 2 lớp với 27 học viên vào buổi tối để xóa mù chữ, phổ cập giáo dục Tiểu học cho người dân địa phương. Có những học viên ngại không đến lớp, cô sẵn sàng đến tận nhà dạy học. Trong 5 năm qua, cô Đỗ Thị Hồi đã hỗ trợ, kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ Quỹ Vì học sinh nghèo, Quỹ Khuyến học 13 suất học bổng, 3 xe đạp, 1.000 cuốn tập, 150 đôi dép, 60 chiếc cặp, 1,7 tấn gạo, 150 bộ quần áo, 10 bộ sách giáo khoa mới, 100 thùng nước lọc và nhiều bộ quần áo, sách giáo khoa đã qua sử dụng.
Năm 2017, cô giáo Đỗ Thị Hồi được phong tặng danh hiệu NGƯT; năm 2018 được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2022 cô được vinh danh là 1 trong 400 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Đặc biệt, đầu tháng 3/2023, Hội đồng xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT tỉnh Sóc Trăng lần thứ 16 đã thống nhất đề nghị xét tặng danh hiệu NGND đối với cô giáo Đỗ Thị Hồi. Đây là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được đề nghị tặng danh hiệu cao quý này. Từ trước đến nay, tỉnh Sóc Trăng có một nhà giáo được tặng danh hiệu NGND là thầy giáo Lâm Es, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng.
Nguồn: https://cand.com.vn/giao-duc/nu-giao-vien-tieu-hoc-duoc-phong-tang-danh-hieu-nha-giao-nhan-dan-i735901/