Xuất thân là một nhà khoa học làm việc trong phòng thí nghiệm, Fanny đã phát triển sự nghiệp của mình qua nhiều vị trí khác nhau, từ quản lý chất lượng, đăng ký thuốc, quản lý sản xuất… trước khi nắm giữ vai trò quản lý cấp cao tại Pháp, Singapore và giờ đây là Việt Nam.
Với mái tóc ngắn cá tính, phong thái nhanh nhẹn và nụ cười thường trực, khó có thể hình dung trách nhiệm to lớn mà bà Fanny đang phụ trách. Bà là nữ giám đốc đầu tiên của Nhà máy Sanofi, là nhà máy sản xuất hàng đầu của khối dược phẩm FDI tại Việt Nam. Với mức đầu tư lớn ban đầu 75 triệu đô, đây cũng là nơi Sanofi đặt trung tâm cải tiến chất lượng sản phẩm duy nhất của mình tại Đông Nam Á, đồng thời đóng vai trò trung tâm sản xuất cho hơn 12 thị trường khác nhau.
Trách nhiệm quan trọng nhất dành cho Fanny là đảm bảo cho sự an toàn khi làm việc của hơn 400 nhân viên ở đây. Không chỉ Fanny, toàn bộ nhân viên nhà máy Sanofi đều thấm nhuần mục tiêu “Health in your hands – Sức khỏe trong tầm tay bạn”, từ đó tinh thần đảm bảo an toàn lao động, chịu trách nhiệm trong từng hành động đều được mỗi nhân viên thấu hiểu, khi việc chăm lo cho sự an toàn, sức khỏe thể chất – tinh thần cho chính họ, bệnh nhân và người tiêu dùng nằm trong tầm tay mỗi người.
Tại nhà máy, có 9 Ủy ban hành động đã được thành lập để tập trung cho những lĩnh vực khác nhau như trách nhiệm xã hội, phát triển kỹ năng, chuyển đổi kỹ thuật số, sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên… được lập ra bởi chính những nhân viên với các kế hoạch hành động cụ thể và thiết thực.
Các hoạt động thú vị giúp nâng cao kiến thức, kinh nghiệm cho nhân viên như ngày đọc sách, hoạt động chia sẻ nét đẹp văn hóa của các quốc gia bằng tiếng anh, workshop học hỏi kỹ năng… thường xuyên được tổ chức để kết nối nhân viên tại nhà máy. Fanny trực tiếp cùng ban lãnh đạo dành 2 buổi cà phê sáng mỗi tuần để trò chuyện với nhân viên của nhà máy, để lắng nghe trực tiếp những đóng góp của nhân viên nhằm cải tiến môi trường làm việc.
Với sự dẫn dắt của Fanny, Nhà máy Sanofi cũng là đầu tàu hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của Sanofi tại Việt Nam và khu vực AMEA (Châu Á, Trung Đông và Châu Phi). Đặt mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2025, hàng loạt các ý tưởng tiết kiệm năng lượng, giảm rác thải nhựa, tái chế rác, tiết kiệm nước… đã được triển khai với nhiều kết quả ấn tượng. Nhà máy cũng vừa hoàn thành 2 mục tiêu quan trọng trong năm 2023 là không chôn lấp rác sinh hoạt và chuyển đổi 100% sang năng lượng tái tạo, giúp giảm thiểu gần 8.000 tấn CO2 hằng năm.
Nơi đây cũng đang chịu trách nhiệm triển khai dự án năng lượng xanh “Lúa gạo – nguồn năng lượng xanh mới”, dự án phát triển nguồn năng lượng sinh khối trấu bền vững và có quy mô, được kỳ vọng sẽ giúp Sanofi giảm 2,3 nghìn tấn CO2 mỗi năm, giảm 40% chi phí hơi nước và đặc biệt sử dụng 100% nguồn năng lượng sinh khối trấu trong sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh lịch trình công việc, các hoạt động trách nhiệm xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng được Fanny đặt ra cho mình và tập thể nhân viên Nhà máy. Hàng loạt các hoạt động cộng đồng được phát động thu hút sự tham gia và đồng hành của đông đảo nhân viên như hiến máu nhân đạo, thu dọn rác bảo vệ môi trường, ghé thăm và tặng quà tại các mái ấm, nhà tình thương ở các vùng sâu vùng xa…
Nhân viên tại Nhà máy Sanofi cũng thường xuyên dẫn đầu trong các hoạt động thể chất do công ty phát động như đạp xe, chạy marathon, đi bộ… Đối với Fanny, bên cạnh việc làm quen với cuộc sống tại Việt Nam, việc tham gia các cuộc đạp xe đôi đường dài là sở thích để luyện tập sức khỏe, thành tích gần nhất của hai vợ chồng cô là tham gia đạp hơn 1.200km trong 76 giờ.