Tháng 6 vừa qua, chị Cẩm Tú (sinh năm 1998, Hà Nội) có chuyến du lịch hè tới đảo Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh) cùng gia đình. Sau buổi sáng đầu tiên dạo chơi ở “Đồi vô cực”, chị Tú trở về khách sạn ăn trưa.

Trong bữa ăn, ngoài gọi các món hải sản quen thuộc như tôm, cua, ghẹ, chị Tú có tò mò gọi một bát canh sá sùng.

Sá sùng hay còn gọi là con trùn biển, sâu đất, địa sâm… sống nhiều ở những bờ biển thuộc Quảng Ninh. Đây được gọi là loại đặc sản “nhà giàu” đắt đỏ. 1kg sá sùng khô có giá khoảng 3-4 triệu đồng. Giá của sá sùng tươi sau khi rửa sạch đất cát và lộn bỏ ruột có giá từ khoảng 500.000 – 800.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Hải sản này được xem là loại thuốc quý trong Đông y giúp thanh mát cơ thể, bồi bổ sức khỏe.

“Gia đình mình ăn bữa trưa rất ngon miệng. Sau đó, cả nhà về phòng nghỉ. Lúc ngủ dậy, mình thấy ho, hắt hơi liên tục. Ngày bé mình hay hen và viêm xoang nên cứ nghĩ ra đảo thay đổi thời tiết, điều chỉnh nhịp thở một lát sẽ ổn”, chị Tú cho hay. Vì vậy, cả nhà vẫn di chuyển từ Quan Lạn đến Minh Châu tham quan.

“Khi đang check-in ở đồi cát, mình bắt đầu khó thở, mặt đỏ và sưng lên rồi chuyển sang tím tái. Thấy dấu hiệu bất thường, gia đình đưa mình trở về trạm y tế Quan Lạn”, chị Tú kể. Đến nơi, nhân viên y tế đo nhịp tim, huyết áp, thăm khám và cho biết, chị Tú bị sốc phản vệ cấp độ 3.

“Nhân viên y tế nhanh chóng tiêm mũi điều trị sốc phản vệ cho mình. Khoảng 10 phút sau, mình thở được bình thường nhưng gương mặt vẫn trong tình trạng sưng vù, mắt đỏ và híp lại. Mình ở trạm đến 19h để các chị theo dõi rồi xin về khách sạn nghỉ ngơi. Gia đình lo lắng lắm, thật may các anh chị ở đây nhiều kinh nghiệm”, chị Tú cho hay.

video-embed-169">

Đoạn video ngắn chị Tú chia sẻ nhận về 2,5 triệu lượt xem và hơn 1.300 bình luận

Sau khi nghe chị Tú kể về các món ăn đã thưởng thức cũng như tiền sử dị ứng từ trước tới nay, nhân viên y tế cho biết, khả năng cao nguyên nhân dẫn đến dị ứng là do sá sùng. “Các chị ở trạm y tế nói nhiều du khách tới đảo cũng từng gặp tình trạng giống mình khi thưởng thức sá sùng”, chị Tú cho hay.

Theo nữ du khách, món canh sá sùng này rất ngon. Gia đình 4 người của chị Tú chỉ có mình chị gặp tình trạng dị ứng.

Trở về Hà Nội, chị Tú có làm video chia sẻ lại sự cố hi hữu này để mọi người cảnh giác khi thưởng thức hải sản lạ. Đoạn video ngắn bất ngờ nhận về hơn 2,5 triệu lượt xem. Dưới bình luận, nhiều du khách cho biết, họ cũng từng gặp tình trạng dị ứng hải sản khi du lịch biển.

Hải sản là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhưng cũng là nhóm thức ăn dễ gây dị ứng. Du khách có thể gặp tình trạng mẩn ngứa, nôn nao khó chịu hoặc nặng hơn là khó thở, buồn nôn, đau bụng, phù nề mặt… Nếu diễn biến trở nặng, du khách nên tìm tới các cơ sở y tế tại điểm du lịch để thăm khám, điều trị kịp thời. Khi ăn những món hải sản lạ, theo khuyến cáo, du khách nên thử từng ít một.

“Ngoài sự cố dị ứng thì mình vẫn rất hài lòng với chuyến du lịch. Quan Lạn rất đẹp, hoang sơ và bình yên, du khách có cơ hội hòa mình vào thiên nhiên. Điều ấn tượng nhất với mình là người dân trên đảo. Họ thân thiệt, nhiệt tình và rất tốt bụng”, chị Tú kể.

Khi thấy chị Tú bị khó thở và gia đình cho biết có thể viêm xoang tái phát, người dân xung quanh hớt hải đi mượn thuốc xoang rồi tận tình chỉ đường cho gia đình tới trạm y tế. 

Trên hành trình dạo quanh đảo, chị Tú không may làm rơi điện thoại. Trong khi chị chưa phát hiện ra sự việc thì người dân nhặt được đã liên hệ vào số mẹ chị Tú và đến trả lại.

“Nếu có cơ hội mình vẫn sẽ quay lại Quan Lạn để trải nghiệm thêm vùng đất này”, nữ du khách chia sẻ.

Quan Lạn là một hòn đảo nhỏ thuộc vùng vịnh Bái Tử Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Diện tích khiêm tốn khoảng 11km2, nhưng đảo có nhiều bãi biển dài, cát trắng, nước xanh trong. Quan Lạn đẹp nhất vào mùa hè, đặc biệt từ tháng 4 đến hết tháng 6 khi trời chưa quá nóng, không có mưa bão. 

Thuê phòng ven suối để ‘chữa lành’, du khách Hà Nội nhận ‘cái kết không tưởng’Nữ du khách từ Hà Nội tới Ba Khan (Mai Châu, Hòa Bình) thuê căn phòng ven suối để nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, thay vì cảnh suối róc rách, êm đềm, nhóm khách ngỡ ngàng khi nước chảy ào ào như “cuốn trôi cả phòng”.