Hơn 30 năm làm ngoại giao, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva luôn tự hào là người phụ nữ Việt, niềm tự hào đó càng lớn hơn khi chị làm việc trong môi trường quốc tế. Đại sứ cho rằng sự tham gia của cán bộ ngoại giao nữ tại các diễn đàn đa phương góp phần tô đậm thêm sức mạnh mềm của Việt Nam.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tháp tùng Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự Khóa họp lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền LHQ. (Ảnh: Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva) |
Là cán bộ ngoại giao nữ ở “tuyến đầu” đối ngoại đa phương thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ và trẻ em gái… Đại sứ suy nghĩ như thế nào về “sứ mệnh” của mình?
Nhân ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, tôi xin chia sẻ niềm vinh dự, tự hào là phụ nữ Việt Nam. Tôi nhìn nhận công tác của cán bộ ngoại giao nữ tại Geneva là một “sứ mệnh” quan trọng, vinh dự và tự hào đồng thời phải đáp ứng đòi hỏi và áp lực cao của công tác tại Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Geneva, một trung tâm lớn của ngoại giao đa phương và quản trị toàn cầu, có hơn 30 tổ chức quốc tế liên Chính phủ trên hàng loạt lĩnh vực.
Nhiệm vụ trọng tâm của Phái đoàn là đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, chú trọng đảm nhiệm thành công cương vị Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (HĐNQ) nhiệm kỳ 2023-2025, đề cao chủ trương của Đảng và Nhà nước ta lấy con người là trung tâm, con người là mục tiêu, chủ thể và động lực của phát triển, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của mọi người dân, trong đó có quyền của phụ nữ và trẻ em gái, không bỏ ai lại phía sau.
Việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cũng như các lĩnh vực khác trong công tác đa phương của Phái đoàn yêu cầu kết hợp chặt chẽ với đối ngoại song phương, xuyên suốt các diễn đàn đa phương tại Geneva, tuy có thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức, khó khăn, nhất là khi thế giới hiện nay trực diện nhiều khủng hoảng, sự gia tăng bất bình đẳng giữa các nhóm nước trong quan hệ quốc tế, giữa các nhóm dân cư cũng như bất bình đẳng giới ở nhiều nước, kể cả những nước phát triển. Quyền của phụ nữ là một phần quan trọng của quyền con người, hòa bình và phát triển bền vững, 3 trụ cột quan trọng của Liên hợp quốc (LHQ). Chúng tôi tin tưởng rằng, không thể có hòa bình và phát triển toàn diện và bền vững nếu không tôn trọng và đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, không thể có hòa bình và phát triển toàn diện và bền vững nếu không tôn trọng và đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái”. |
Cán bộ, nhân viên ngoại giao nữ của Phái đoàn, với con số 8/22, chiếm 36% tổng biên chế, trong đó cán bộ ngoại giao nữ là 7/18, chiếm 39% số cán bộ ngoại giao, luôn nỗ lực phát huy kiến thức, năng lực và đoàn kết tập thể để đảm nhiệm tốt cương vị được giao, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, các thế hệ cán bộ ngoại giao nữ.
Cá nhân tôi nhận thức rõ niềm vinh dự và tự hào cùng với trọng trách là nhà ngoại giao nữ đầu tiên được giao đảm nhiệm cương vị Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, sau 11 Đại sứ nam tiền nhiệm.
Với tư cách Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện tại Geneva, tôi luôn ý thức phát huy truyền thống của phụ nữ và cán bộ ngoại giao nữ Việt Nam, tích cực tham gia mạng lưới các nhà ngoại giao tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới ở Geneva, luôn nỗ lực để đảm bảo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ được tham gia vào quyết định và được đánh giá công bằng trên cơ sở khả năng và năng lực của họ, phát huy đoàn kết tập thể, sự đồng hành của các cán bộ, nhân viên nam, cũng như phát huy hợp tác với các Phái đoàn các nước khác, các Lãnh đạo và chuyên gia tại các tổ chức quốc tế, trong đó có trao đổi thường xuyên và phối hợp chặt chẽ với mạng lưới hơn 50 nữ Đại sứ, Trưởng Phái đoàn và nhiều Lãnh đạo nữ tại các tổ chức quốc tế.
Cùng với các đồng nghiệp nam và nữ, chúng tôi tham gia tích cực vào các cuộc họp, đàm phán và thảo luận với các đối tác quốc tế để đề cao chính sách, thành tựu, thúc đẩy sáng kiến của đất nước ta về phát huy tiềm năng to lớn và vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao sự tham gia của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực của đất nước cũng như trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, công tác của HĐNQ và các tổ chức quốc tế khác trên lĩnh vực như lao động, y tế, thương mại, phát triển, sở hữu trí tuệ…; đồng thời đóng góp cho việc tăng cường xây dựng và triển khai chính sách, hành động, chương trình về thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái, chống bạo lực, phân biệt đối xử đối với phụ nữ, tăng cường phổ biến, giáo dục và nâng cao nhận thức về quyền của phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới.
Công việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng tôi tin rằng bằng sự tận tâm, kiên trì nỗ lực, đối thoại và hợp tác, tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin, chúng ta tiếp tục cùng các nước, đối tác quốc tế tạo ra sự thay đổi tích cực hơn để phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới được hưởng quyền bình đẳng, được hưởng hòa bình và phát triển bền vững.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tổ chức cuộc giao lưu, kết nối các nữ Đại sứ, Trưởng Phái đoàn và nữ Lãnh đạo một số tổ chức quốc tế ở Geneva, nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong ngoại giao và đa phương (ngày 18/7/2023). Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva |
Là phụ nữ Việt Nam, có khi nào Đại sứ có những ưu tiên hơn trong việc lồng ghép hay thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền – một trong những cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc hiện nay?
Việc Việt Nam đang đảm nhiệm cương vị là một trong 47 quốc gia thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 (sau nhiệm kỳ đầu từ năm 2014-2016) là cơ hội để Phái đoàn chúng tôi tích cực đẩy mạnh tham gia, đóng góp thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong công tác của HĐNQ và các tổ chức quốc tế khác ở Geneva.
Phái đoàn chúng tôi luôn tích cực đảm nhiệm tốt cương vị Việt Nam là thành viên HĐNQ, thúc đẩy thảo luận theo chương trình nghị sự chung, đồng thời lồng ghép đề cao chính sách, thành tựu, sáng kiến của Việt Nam, của khối ASEAN về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, là những nhóm dễ bị tổn thương, cũng như nêu bật thành tựu, khó khăn đặt ra đối với Việt Nam trong việc đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em gái trước nhiều thách thức toàn cầu như về dịch bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường số, khoảng cách số.
Những thách thức đó của Việt Nam đồng thời là khó khăn, thách thức chung của các nước đòi hỏi đoàn kết và hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm và chính sách, thúc đẩy hợp tác quốc tế tìm giải pháp, cùng nhau khắc phục.
Ví dụ điển hình là tại Khóa họp 53 HĐNQ (tháng 7/2023), Việt Nam đã có sáng kiến và chủ trì tổ chức Tọa đàm quốc tế về chống bạo lực, phân biệt đối xử trên cơ sở giới ở nơi làm việc; phối hợp với Bangladesh và Philippines đưa ra Nghị quyết về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậụ đối với sinh kế và ảnh hưởng của những tác động này đối với quyền con người, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em.
“Việc Việt Nam đang đảm nhiệm cương vị là một trong 47 quốc gia thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 (sau nhiệm kỳ đầu từ năm 2014-2016) là cơ hội để Phái đoàn chúng tôi tích cực đẩy mạnh tham gia, đóng góp thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong công tác của HĐNQ và các tổ chức quốc tế khác ở Geneva”. |
Tại Khóa họp 54 HĐNQ (tháng 9/2023), Việt Nam cũng đưa ra sáng kiến tổ chức Tọa đàm quốc tế và Phát biểu chung về quyền con người trong tiêm chủng, trong đó nhấn mạnh tăng cường đoàn kết, hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện quyền của trẻ em, phụ nữ và trẻ em gái được tiêm chủng để được hưởng quyền có sức khỏe ở mức độ cao nhất có thể.
Chúng tôi tích cực lồng ghép trong mọi hoạt động nội dung chuyển tải đến bạn bè quốc tế về chính sách và cơ chế ưu việt của nước ta về trao quyền cho phụ nữ, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, các ngành. Chúng tôi cũng tích cực thúc đẩy trao đổi, thảo luận về trao quyền năng cho phụ nữ, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực thương mại, đổi mới sáng tạo… cũng như trong công tác ngoại giao, công tác đa phương tại Geneva, triển khai các hoạt động thiết thực kỷ niệm nhân Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày quốc tế Phụ nữ trong đa phương 25/1 và Ngày quốc tế Phụ nữ trong ngành Ngoại giao 24/6.
Cá nhân tôi tích cực chia sẻ trong hoạt động của ngoại giao đoàn, tại các tổ chức quốc tế, làm diễn giả trao đổi tại các tọa đàm quốc tế, ví dụ chia sẻ kinh nghiệm về phụ nữ trong đa phương với các đồng nghiệp, các thực tập sinh ở các tổ chức quốc tế và Phái đoàn tại Geneva, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về sự tham gia của phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp, trong chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh, trong đổi mới sáng tạo tại thảo luận chuyên đề trong khuôn khổ HĐNQ, Tổ chức Thương mại thế giới, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, ngoại giao đoàn…
Tại các thảo luận, bạn bè quốc tế hoan nghênh những đóng góp tích cực của Phái đoàn tại Geneva, đồng thời cho rằng Việt Nam là một trong những mẫu hình thành công về thúc đẩy vai trò và sự tham gia của phụ nữ. Có thể thấy, sự tham gia của cán bộ ngoại giao nữ tại các diễn đàn đa phương góp phần tô đậm thêm sức mạnh mềm của Việt Nam.
Là nhà ngoại giao nữ với nhiều trải nghiệm quốc tế, ở nhiều quốc gia với các nền văn hóa khác nhau, theo Đại sứ, vẻ đẹp nào của phụ nữ Việt Nam là nổi bật?
Theo tôi, vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam nổi bật và có những đặc trưng riêng. Thứ nhất, phụ nữ Việt Nam có sức mạnh mềm là truyền thống vẻ vang và thành tựu của dân tộc của các thế hệ phụ nữ Việt Nam, cùng với vẻ đẹp tự nhiên, dịu dàng và tinh tế. Từ sự tận tậm, nỗ lực, kiến thức, năng lực, đến ngoại hình, trang phục, phụ nữ Việt Nam thường thể hiện nét đẹp của tư chất, sự thanh lịch và duyên dáng. Thuần khiết trong nội tâm và tỏa sáng từ bên trong, vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam mang đến sự ấm áp và hòa hiếu.
Thứ hai, vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam còn thể hiện qua sự mạnh mẽ và kiên định, dám hy sinh trong đấu tranh cho công việc chung, gìn giữ độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước, thực hiện quyền bình đẳng của mình và của dân tộc. Phụ nữ Việt Nam đã và đang đóng góp quan trọng vào công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước. Sự tận tâm, đức tính hy sinh và kiên định của phụ nữ Việt Nam là nguồn cảm hứng mạnh mẽ và đáng ngưỡng mộ.
Ngoài ra, vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam nằm ở sự đoàn kết, tình yêu thương và sẻ chia, hòa hiếu trong cộng đồng. Điều này thể hiện tinh thần tự nguyện, hòa hiếu và tình nghĩa của phụ nữ Việt Nam trong việc xây dựng một cộng đồng đoàn kết và hạnh phúc.
Từ tất cả những điều trên, tôi tin rằng vẻ đẹp nổi bật của phụ nữ Việt Nam không chỉ là vẻ đẹp ngoại hình, mà còn là sự kết hợp hoàn hảo giữa tư chất, tinh thần tận tâm, kiên định và hòa hiếu vì cộng đồng. Vẻ đẹp này không chỉ tỏa sáng trong cộng đồng Việt Nam, mà còn được đánh giá cao và ghi nhận trong cộng đồng quốc tế qua các thế hệ Lãnh đạo nữ và nhà ngoại giao nữ của nước ta.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva phát biểu tại Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 111, ngày 7/6. (Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva) |
Là phụ nữ Việt Nam, học luật quốc tế và làm về luật quốc tế, nghe có vẻ “cứng” và “nguyên tắc”, theo Đại sứ, “sức mạnh của bông hồng” có khi nào trở thành “vũ khí” để có được những thành quả vượt mong đợi?
Qua đóng góp của nhiều thế hệ Lãnh đạo nữ và nhà ngoại giao nữ, tôi tin rằng sức mạnh của “bông hồng” là sự thông minh, mềm mại mà kiên trì, uyển chuyển mà kiên định của phụ nữ, có thể trở thành “vũ khí” để đạt được những thành quả vượt mong đợi.
Ngoại giao và luật quốc tế gắn bó và tác động qua lại với nhau. Tôi may mắn được đào tạo và làm việc về ngoại giao và luật quốc tế, với hơn 30 năm công tác ở Bộ Ngoại giao. Tham gia đóng góp vào xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách ở trong nước cũng như hợp tác và đấu tranh, thảo luận, đàm phán ở cấp độ khu vực và quốc tế không chỉ đòi hỏi bảo đảm nguyên tắc, mà còn yêu cầu khả năng phân tích, giải quyết vấn đề và thuyết phục với căn cứ pháp lý – chính trị được thừa nhận. Tôi đã cùng đồng nghiệp ở trong nước cũng như ở nước ngoài vận dụng kiến thức và kỹ năng luật và ngoại giao để đạt được những thành quả mong muốn, có khi là vượt mong đợi.
Sự thông minh, mềm mại mà kiên trì, uyển chuyển mà kiên định của phụ nữ giúp nhà ngoại giao nữ nắm bắt và hiểu sâu sự phức tạp của các vấn đề chính trị – pháp lý có tác động qua lại gắn kết với nhau, từ đó phân tích tìm ra và kiên trì thúc đẩy, thuyết phục thực hiện giải pháp tốt nhất.
Quyết tâm và sự kiên trì giúp chúng tôi không bị áp đặt, mà đi đến cùng để triển khai công tác với hiệu quả cao nhất có thể. Sức mạnh của nhà ngoại giao nữ không chỉ nằm trong khả năng cá nhân mà còn trong sự đoàn kết và phối hợp của tập thể, cộng đồng, sự đoàn kết và phối hợp với các đồng nghiệp, đối tác và tổ chức quốc tế.
Đại sứ cảm nhận như thế nào về lợi thế của phụ nữ làm ngoại giao? Vẻ đẹp của những nữ ngoại giao trong trang phục áo dài dân tộc tham dự những diễn đàn quốc tế quan trọng?
Tôi cho rằng, thế mạnh của nhà ngoại giao nữ xuất phát từ khả năng đóng góp, sự chuyên nghiệp, cộng với sự nhạy bén, tinh tế, cách tiếp cận mềm mại mà kiên trì, uyển chuyển mà kiên định, đặc biệt là hết sức tâm huyết, kết nối con người “từ trái tim đến trái tim”. Các nhà ngoại giao nữ Việt Nam đang gia tăng về số lượng, tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, không ngừng nỗ lực tạo dựng và củng cố lòng tin, mở rộng các quan hệ đối tác mạnh mẽ và cầu nối cho tình hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế, đóng góp cho hòa bình và phát triển ở trong nước, khu vực và quốc tế.
Thế mạnh của nhà ngoại giao nữ xuất phát từ khả năng đóng góp, sự chuyên nghiệp, cộng với sự nhạy bén, tinh tế, cách tiếp cận mềm mại mà kiên trì, uyển chuyển mà kiên định, đặc biệt là hết sức tâm huyết, kết nối con người “từ trái tim đến trái tim”. |
Về việc mặc tà áo dài, tôi xem nó như một biểu tượng đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Với trang phục áo dài dân tộc tham dự, phát biểu tại các diễn đàn quốc tế quan trọng, tôi cho đó là một cách để thể hiện niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, văn hóa và bản sắc của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, không chỉ vẻ bề ngoài mà tầm quan trọng của phụ nữ làm ngoại giao, trong đa phương cũng như song phương chính là khả năng đóng góp và sự chuyên nghiệp trong công việc. Cán bộ ngoại giao nữ cũng như vai trò của phụ nữ được đánh giá dựa trên năng lực và kết quả công tác.
Tóm lại, lợi thế của phụ nữ làm ngoại giao, đó là ở khả năng xây dựng quan hệ và tạo lòng tin, sự chuyên nghiệp, nhạy bén và đóng góp xây dựng. Lợi thế này sẽ được củng cố thêm với tà áo dài thể hiện vẻ đẹp, bản sắc dân tộc Việt Nam với bề dày truyền thống vẻ vang và chủ trương đúng đắn, thành tựu của đất nước trong giai đoạn hiện nay.