Sau Tết Nguyên đán, chị Nguyễn Thị Kim Hồng (37 tuổi, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM) đi từng phòng hỏi thăm tình hình công việc của người thuê trọ trong khu rồi liên hệ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gần nhà có nhu cầu tuyển dụng lao động để kết nối việc làm.
“Tôi luôn xem những người thuê trọ như người thân trong nhà. Thấy họ mất việc làm, phải sống “thắt lưng buộc bụng”, tôi bứt rứt lắm nên có cách nào giúp người lao động có việc, tôi làm ngay, không suy nghĩ”, chị Hồng bộc bạch.
Theo chị Hồng, sau Tết, chị đã chủ động kết nối với liên đoàn Lao động quận Bình Tân, Trung tâm giới thiệu việc làm quận 8 và một số doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn quận Bình Tân.
Hỗ trợ thiết thực khác, nhiều năm nay chị Hồng giữ ổn định giá thuê 1 – 1,1 triệu đồng/phòng/tháng. Với nhiều công nhân mất việc, chưa trả được tiền thuê nhà, chị cho khất tới khi có việc làm, có thu nhập thì trả sau.
Năm nay, nữ chủ trọ mong công việc, thu nhập của người thuê trọ được cải thiện, để con em gia đình lao động được học hành đến nơi đến chốn.
“Tôi đang cố gắng làm cầu nối để lãnh hàng gia công của các cơ sở sản xuất trên địa bàn phường về cho lao động ở khu trọ tôi làm. Tôi chỉ mong có nhiều việc làm, nhiều hàng gia công để những người nghèo có công việc, thu nhập ổn định mới bám trụ lại được”, chị Hồng giải thích.
Tương tự chị Hồng, từ sau Tết, bà Nguyễn Thị Bốn, chủ khu nhà trọ gần 100 phòng ở quận 12, TPHCM hết sức bận rộn. Mỗi ngày bà Bốn đi từng phòng hỏi thăm tình hình việc làm, thu nhập của những người thuê trọ.
Bà luôn chia sẻ, hỗ trợ vật chất, tinh thần cho những người khó khăn và tích cực kết nối, giới thiệu việc làm cho những lao động thất nghiệp. Với những người ở trọ chưa có việc làm, bà lấy thông tin liên lạc rồi gửi cho Liên đoàn Lao động TPHCM, các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm và một số doanh nghiệp trên địa bàn để giúp họ có việc làm ổn định.
Chị Hương (43 tuổi, quê ở Thừa Thiên Huế) chia sẻ: “Sau dịch Covid-19 không có việc làm nên cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn. Được cô chủ trọ giới thiệu làm phụ việc cho nhà hàng gần chỗ ở nên cũng ổn định. Không chỉ giới thiệu việc làm cho tôi, cô chủ trọ rất nhiệt tình kết nối, hỗ trợ những người thất nghiệp”.
Tương tự, những ngày sau Tết, chị Nguyễn Thị Tuyết Thương (49 tuổi), chủ nhà trọ tại phường Phước Long A, TP Thủ Đức, TPHCM, thường xuyên thăm hỏi tình hình việc làm của công nhân rồi kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn phường để giới thiệu cho lao động mất việc.
Chị Thương cho biết, trước đây chị từng là công nhân ở Nhà máy Dệt Phong Phú. Do vậy, chị rất hiểu những khó khăn mà lao động nhập cư phải đối diện, nhất là những lao động mất việc làm, không có nguồn thu nhập.
Mặc dù nhiều nữ chủ trọ tốt bụng quan tâm, hỗ trợ vật chất, tinh thần và tìm việc làm giới thiệu cho người thuê trọ nhưng đời sống của người lao động tỉnh ngoài hiện vẫn nhiều khó khăn. Thế nên trong năm 2024, các nữ chủ trọ đều mong muốn người ở thuê có công việc, thu nhập ổn định.
Theo Liên đoàn Lao động TPHCM, nữ chủ trọ là những người trực tiếp tiếp xúc, an ủi, chia sẻ hỗ trợ người lao động khi họ gặp khó khăn. Không chỉ hỗ trợ về vật chất, các cô, các chị còn động viên về tinh thần, hỗ trợ công nhân, người lao động trong việc hội nhập đời sống tại đô thị.
Nhiều công nhân gắn bó tại khu nhà trọ không chỉ vì nhu cầu mà còn vì những tình cảm tốt đẹp mà các chủ nhà trọ dành cho người lao động.
Đến nay, tại TPHCM có 173 câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ với 4.014 thành viên. Công đoàn các cấp đã xây dựng và duy trì hoạt động 1.304 tổ công nhân tự quản với hơn 98.000 công nhân lao động.
Các tổ công nhân tự quản và chủ trọ cung chung tay xây dựng mô hình “Khu nhà trọ xanh, sạch, đẹp”, “Khu nhà trọ văn minh – nghĩa tình” góp phần đa dạng hóa các hình thức vận động xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân lao động nhập cư.