Bệnh nhân là V.T.T trú tại Q.Đống Đa, Hà Nội. Trước nhập viện điều trị u phổi, bệnh nhân sức khỏe hoàn toàn bình thường. Khi chuyển đến Bện viện Ung bướu Hà Nội, qua các xét nghiệm chụp chiếu, các bác sĩ xác định khối u kích này có thước 11 x 10 cm đã chèn ép gây xẹp gần như toàn bộ phổi trái, dính vào màng phổi, màng tim và dịch màng phổi tương đối dày. Bệnh nhân cho biết, được phát hiện có khối u phổi khi bệnh nhân được chụp chiếu đánh giá sức khỏe khi đi mổ ruột thừa.
TS-BS Phan Lê Thắng, Phụ trách Đơn nguyên Ngoại theo yêu cầu của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho biết do không được phát hiện sớm, khối u phổi đã đó kích thước khá lớn, nhiều mạch nuôi, gây tăng sinh mạch máu, dính các tạng xung quanh khiến quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn trong việc cầm máu và cắt u. Nếu không được phát hiện kịp thời, u phát triển xâm lấn cả hai phổi gây khó thở, suy hô hấp thì việc phẫu thuật sẽ càng khó khăn hơn.
“Thêm nữa, các ca mổ lồng ngực có đặc thù đường mổ hẹp, chỉ có thể rạch một khoang nhỏ giữa khe hai xương sườn để đưa dụng cụ phẫu thuật vào cắt u và cầm máu. Do đó, phẫu thuật viên cần có kinh nghiệm và tay nghề chuyên môn cao để có thể thực hiện các thao tác một cách chính xác, tránh gây mất máu ồ ạt đe dọa đến tính mạng người bệnh”, bác sĩ Thắng chia sẻ.
Sau hai giờ phẫu thuật, toàn bộ khối u ác đã được lấy ra. Với kinh nghiệm của kíp phẫu thuật, ca mổ thuận lợi, bệnh nhân không cần truyền thêm máu. Ba ngày sau mổ, bệnh nhân đã được rút ống dẫn lưu, sức khỏe ổn định.
Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy khối u là loại u ác tính tuyến ức tuýp AB. U tuyến ức là căn bệnh hiếm gặp hơn so với các bệnh ung thư khác và hầu như không biểu hiện triệu chứng khi ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên khi mắc căn bệnh này nếu được thăm khám và điều trị kịp thời thì cơ hội sống rất cao.
Bác sĩ Thắng khuyến cáo người dân nên khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện những bất thường trong cơ thể, nhất là với một số loại bệnh âm thầm phát triển chỉ có dấu hiệu khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.