Là đạo diễn sân khấu chuyên sáng tác ca khúc cho kịch, nhịp đập trái tim anh lại thổn thức với những giai điệu về TP HCM
Gửi đến cuộc vận động sáng tác ca khúc mang chủ đề “Đất nước trọn niềm vui” vào những ngày cuối năm một ca khúc do chính anh sáng tác, NSƯT đạo diễn Vũ Xuân Trang đã chia sẻ những cảm xúc chân thật về giai điệu trữ tình và ấm áp này.
Phóng viên: Điều gì khiến anh sáng tác ca khúc “Sài Gòn ta yêu” tham gia cuộc vận động sáng tác ca khúc mang chủ đề “Đất nước trọn niềm vui”?
– NSƯT VŨ XUÂN TRANG: Tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố này, từ nhỏ đã yêu âm nhạc nên đã học nhiều loại nhạc cụ, sau đó tập tành viết những ca khúc cho sân khấu. Bố tôi – cố NSƯT Minh Châu – là diễn viên của Nhà hát Trần Hữu Trang. Ông từng công tác ở Đoàn Cải lương Nam Bộ trên đất Bắc. Rất yêu âm nhạc nên ông đã động viên tôi ngoài việc trang bị kiến thức chuyên môn về diễn xuất, về công tác đạo diễn thì hãy dành thời gian cho việc học nhạc lý, nhạc cụ. Nhờ vậy, tôi có được vốn liếng để ứng dụng cho công tác dàn dựng và giảng dạy.
Khi Báo Người Lao Động tổ chức cuộc vận động, cũng là lúc sân khấu Xóm kịch – nơi tôi và bà xã là nghệ sĩ Hoàng Thy gầy dựng cho các học trò làm nghệ thuật – có dàn dựng vở kịch “Sài Gòn, ngộ lắm nha!” của 3 tác giả trẻ Thành Phương, Nhã Uyên, Quốc Huy. Thế là ca khúc này ra đời. Ban đầu chỉ là một giai điệu ngắn trong kịch nhưng sau đó tôi phát triển thêm, tạo sự sinh động để trở thành ca khúc mới viết về TP HCM.
Lời ca khúc anh viết rất mượt mà, phải chăng trong ký ức của anh có nhiều kỷ niệm khó quên về TP HCM?
– Tôi đã viết “Sài Gòn ngàn vạn điều yêu thương. Là ngày ta lớn lên rồi cùng nhau bước đi. Dù bạn ở phương xa chốn nào. Sài Gòn là nơi ta bắt đầu. Mang theo ước mơ cho bao người… Dù rằng cuộc đời nhiều chông gai. Người người cùng nhau chung tay dốc lòng… Trái tim yêu nồng say. Sài Gòn ta mãi yêu”, như nói với chính mình. Tôi mồ côi mẹ khá sớm, bà là cố nghệ sĩ Thanh Xuân cũng công tác tại Nhà hát Trần Hữu Trang, sau đó cha tôi nuôi dạy tôi và truyền nghề để tôi theo ông dấn thân vào sân khấu. Vì thế, TP HCM là nơi tôi yêu quý, nơi đã tạo điều kiện để tôi trở thành một người con nối nghiệp gia đình và luôn hướng tới những thành quả mới trong lao động nghệ thuật, truyền nghề lại cho thế hệ trẻ.
Vừa qua tại Liên hoan Sân khấu TP HCM, vở kịch “Khúc dạ tâm” của Xóm kịch đã tạo được sự chú ý. Hai diễn viên trẻ là học trò của anh đã đoạt HCV, HCB cá nhân. Có phải sàn kịch là môi trường quảng bá những sáng tác âm nhạc về TP HCM?
– Xuất phát điểm của các ca khúc tôi viết đều phục vụ cho kịch. Vì thế tôi nghĩ đây sẽ là nơi tôi quảng bá những sáng tác về TP HCM. Tối 1-1-2025, chào đón năm mới, Xóm kịch cũng khai trương điểm diễn mới tại Sân khấu thực nghiệm Trường Múa TP HCM (155 Bis Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3) vở kịch mới “Kẻ đánh mất linh hồn”. Tôi kỳ vọng điểm diễn mới này sẽ thu hút đông khán giả và đón nhận những tác phẩm mới của chúng tôi. Trong đó, có phần âm nhạc sáng tác cho các vở diễn, đồng thời hứa hẹn sẽ là các ca khúc độc lập, tách rời khỏi sàn diễn đi vào đời sống.
Ngoài viết nhạc cho kịch và hướng tới những sáng tác ca khúc về TP HCM, anh đang nuôi dưỡng dự án nào mới?
– Như đã nói, để quảng bá ca khúc tôi chọn cách đưa vào các vở kịch, sau đó sẽ thực hiện các MV. Xóm kịch đào tạo diễn xuất và sáng tác, biên kịch, do vậy lực lượng trẻ khao khát được học, được cống hiến tại sân khấu của tôi rất đông. Từ nguồn lực này, tôi hướng tới việc thực hiện nhiều vở diễn mang tính cộng đồng, trong đó có những vở nhạc kịch để diễn viên trẻ vừa hát, vừa diễn và quảng bá những sáng tác mới viết về TP HCM.
Vở “Sài Gòn, ngộ lắm nha!” có dự định tái diễn tại sân khấu mới? Ca khúc anh sáng tác gửi gắm thông điệp gì cho vở kịch này?
– Vở kịch này nói về tình làng nghĩa xóm. Những nét chân chất của người Sài Gòn – TP HCM, tuy khó khăn về mặt vật chất nhưng họ luôn yêu thương, đùm bọc và giúp đỡ nhau những lúc cần. Bên cạnh đó, kịch mang đến những món ăn đặc trưng của người Sài Gòn như hủ tiếu gõ, khổ qua cà ớt.
Vở kịch “Sài Gòn… ngộ lắm nha!” ra đời với tâm thế dù xác định chính là hài hước vui nhộn, đầy màu sắc nhưng không vì thế mà làm mất đi chất riêng vốn có của sân khấu đó là chỉn chu và nghiêm túc từ khâu kịch bản, dàn dựng đến cả thiết kế sân khấu mới lạ.
Quan trọng nhất những gì mà sân khấu muốn gửi gắm qua vở kịch lần này là tình yêu dành cho Sài Gòn – TP HCM mãnh liệt. Tôi tin nếu tái diễn, kịch vẫn đông khán giả đón xem và đó sẽ là nơi tôi quảng bá nhiều ca khúc viết về TP HCM nhằm lan tỏa tình yêu và khát vọng chung sức xây dựng thành phố ngày càng phồn vinh nhưng vẫn nghĩa tình.
Cơ cấu giải thưởng của cuộc vận động sáng tác ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” gồm: 1 giải nhất trị giá 100 triệu đồng, 1 giải nhì trị giá 50 triệu đồng, 2 giải ba – mỗi giải trị giá 30 triệu đồng, 3 giải khuyến khích – mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. BTC vừa công bố một giải thưởng bổ sung là “Tác phẩm được yêu thích nhất của bạn đọc” trị giá 5 triệu đồng.
Hiện nay, BTC đã nhận được hơn 100 ca khúc của hơn 80 nhạc sĩ, ca sĩ, nhóm hát gửi về tham gia. BTC sẽ chọn ra 20 tác phẩm xuất sắc nhất vào chung khảo. Vòng chung khảo diễn ra vào tháng 2-2025 và lễ trao giải của cuộc vận động dự kiến diễn ra vào tháng 4-2025. Chương trình Giao lưu âm nhạc lần 4 sẽ diễn ra sáng 6-1 tại Báo Người Lao Động.
BTC sẽ đưa các tác phẩm lên các nền tảng mạng xã hội của báo để giới thiệu với cộng đồng và quảng bá tại các chương trình Giao lưu âm nhạc tổ chức tại Báo Người Lao Động.
BTC đã chọn một số tác phẩm hay dàn dựng, giới thiệu trong lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 30 (ngày 8-1-2025 tại Nhà hát TP được VTV9 và các nền tảng số truyền hình trực tiếp).
Nguồn: https://nld.com.vn/nsut-vu-xuan-trang-khat-vong-xay-dung-tp-hcm-ngay-cang-phon-vinh-196241224201242928.htm