Đào, phở và piano thu hút sự quan tâm và yêu mến của đông đảo công chúng. Lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội vào cuối năm 1946, đầu năm 1947, bộ phim không chỉ khắc họa tính chất khốc liệt của chiến tranh, mà còn đi sâu vào tìm hiểu, lý giải cốt cách, phẩm chất người Hà Nội.
Một trong những nhân vật ghi dấu sâu đậm trong lòng khán giả là nhân vật người hoạ sĩ già – một trong những người con Hà Nội bám trụ nơi chiến lũy, do NSƯT Trần Lực thể hiện.
Theo Trần Lực, nhân vật hoạ sĩ của anh được lấy cảm hứng từ những danh họa như Bùi Xuân Phái, Linh Chí với xúc cảm nghệ thuật sâu sắc về Hà Nội thời kháng chiến.
Người hoạ sĩ trong phim cả đời đi tìm bản chất cái đẹp cao siêu. Và ông đã tìm thấy từ chính những người bên cạnh mình. Ông ngã xuống khi cố bảo vệ bức tranh miệt mài vẽ suốt đêm. Trong chiến tranh khốc liệt, người hoạ sĩ vẫn kiên trì theo đuổi nghệ thuật, bám trụ ở thủ đô vì lý tưởng bản thân và kiên trung với Cách mạng.
Chia sẻ về nhân vật này, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết: “Người họa sĩ bế tắc về ý tưởng. Chiến tranh không tạo cảm hứng sáng tạo cho ông. Chính tình yêu và sự hồn nhiên trong sáng của chú bé (Thiên thần) loá lên ý tưởng. Vào khoảnh khắc ngã xuống ông nhìn vào bức tranh mình vừa vẽ nở một nụ cười toại nguyện”.
Điểm đặc biệt của bộ phim là một số nhân vật, trong đó có người hoạ sĩ già đều không tên tuổi. Đây được xem là chủ ý của đạo diễn Phi Tiến Sơn. NSƯT Trần Lực cho biết anh rất thích cách tiếp cận này của đạo diễn và ê-kíp. Đây cũng là lần đầu Trần Lực đóng một nhân vật không tên trong hơn 20 năm sự nghiệp làm điện ảnh.
“Chỉ đơn giản là một ông họa sĩ già, giống các nhân vật khác như ông bán phở, chú bé đánh giày, anh lính tự vệ… Tất cả các nhân vật trong phim đại diện cho các tầng lớp người dân Hà Nội năm 1947, nhưng để ý kỹ sẽ thấy tất cả họ quy tụ lại thành hình tượng người Hà Nội xưa“, NSƯT Trần Lực nói về vai diễn trong một cuộc phỏng vấn.
Nhân vật hoạ sĩ già cùng diễn xuất của Trần Lực khiến nhiều khán giả nổi da gà. Một khán giả bình luận: “Tôi đánh giá nhân vật họa sĩ già thật sự có chiều sâu. Theo tôi cảm nhận, người hoạ sĩ hiện ra là một người tếu táo nhưng vẫn phảng phất nỗi buồn. Không chỉ phố phường bị tàn phá, người dân bị di tản mà còn vì nghệ thuật của người hoạ sĩ không sống được với khói lửa chiến tranh”.
Là một người con Hà Nội, NSƯT Trần Lực dành trọn tâm huyết cho nhân vật này và bộ phim với tâm thế tri ân mảnh đất sinh thành. Vì thế anh rất xúc động trước tình cảm của khán giả dành cho nhân vật người hoạ sĩ nói riêng và Đào, phở và piano nói chung.
“Những năm 1990 của thế kỷ XX, tôi nhận được nhiều thư của khán giả góp ý, khen hoặc chê vai diễn của mình. Những bức thư viết tay gửi qua bưu điện vì thời đó Internet chưa phổ biến, tôi rất trân quý giữ gìn. Nhưng những bức thư đó cùng nhiều kỷ vật khác đã thất lạc sau khi cưới vợ chuyển nhà, cái số tôi nó lòng đong lận đận vậy đó.
Nay đã khác, thời đại 4.0, khán giả gửi ý kiến, khen, chê qua e-mail, message… về những phim, những vở kịch tôi đạo diễn, về những nhân vật tôi diễn trên phim”, NSƯT Trần Lực chia sẻ.
Trong đoạn thư được anh hé lộ, một khán giả dành nhiều lời khen cho vai diễn người hoạ sĩ của Trần Lực. Người này ví nhân vật hoạ sĩ như ”tia nắng ấm áp, màu tươi sáng ở nơi pháo nổ, đạn bay nơi chỉ có màu xám đen u buồn”. Sự xuất hiện của nhân vật này khiến người xem cảm thấy yêu đời, mang lại ”sự tự do tươi sáng”.
NSƯT Trần Lực hạnh phúc khi bộ phim có sức lan toả rộng rãi: “Phim Đào, phở và piano đang được các bạn trẻ đón nhận. Đây là thành công của một tập thể đoàn phim do đạo diễn kiêm biên kịch Phi Tiến Sơn đảm nhận. Hiện tại, phim vẫn đang “làm mưa làm gió” ở Hà Nội. Sau xuất chiếu đầu tiên ở TP. HCM, một khán giả trẻ gửi thư qua trang cá nhân cho tôi. Tôi và đoàn phim rất vui khi phim “Đào, phở và piano” đang dần được chiếu rộng rãi và được các bạn trẻ đón nhận một cách tích cực”.
video-element" data-id="qUjKPWc_b_aoUoAF2u/AeYTyDwa_b_ca_b_c" data-poster="https://cdn-i.vtcnews.vn/upload/2024/02/24/anh-tao-pho-piano-9-12210581.jpg">
Người Đà Nẵng xếp hàng dưới nắng mua vé xem “Đào, phở và piano”.