“Tôi sinh ra là thuộc về dòng nhạc dân gian”
+ Thưa NSƯT Tân Nhàn, cơ duyên nào khiến chị yêu thích và theo đuổi dòng nhạc mang âm hưởng truyền thống, dân gian?
– Từ nhỏ tôi đã yêu thích dòng nhạc mang âm hưởng dân gian một cách rất tự nhiên. Có lẽ, tôi sinh ra là thuộc về dòng nhạc này. Khi đó, người ta thích nghe nhạc nước ngoài, nhưng tôi lại chỉ thích nghe chương trình dân ca của Đài tiếng nói Việt Nam. Thế nên, từ nhỏ tôi đã mơ ước được theo đuổi dòng nhạc dân gian. Quyết tâm thi vào HVANQGVN cũng là cách để tôi thực hiện giấc mơ của mình.
Trong suốt sự nghiệp của mình đến nay, tôi không ngừng nỗ lực ra các sản phẩm âm nhạc mang dân gian và sau này là sự dấn thân để hát âm nhạc truyền thống nguyên bản mang đến với công chúng trong và ngoài nước, đưa tình yêu âm nhạc truyền thống tới các bạn trẻ, cụ thể là các sinh viên do tôi đang trực tiếp đào tạo tại HVANQGVN. Tôi nghĩ tất cả đều xuất phát từ tình yêu.
Trở thành giảng viên để nối dài tình yêu với âm nhạc truyền thống
+ Việc chị lựa chọn trở thành giảng viên thanh nhạc có phải là vì muốn tiếp thêm niềm yêu thích nền âm nhạc truyền thống đến với lớp trẻ?
– Tôi lựa chọn việc trở thành giảng viên thanh nhạc là bởi tôi muốn “truyền lửa” đến học sinh của mình tình yêu âm nhạc, cách vun đắp, nuôi dưỡng, phát huy tình yêu đối với âm nhạc nói chung, dòng nhạc mà mỗi sinh viên theo đuổi nói riêng chứ không chỉ là âm nhạc truyền thống. Tôi cũng muốn đem kinh nghiệm mà mình tích luỹ được để chia sẻ với các em, góp phần đào tạo nên những tài năng âm nhạc cho nhạc Việt.
Trong công việc giảng dạy, tôi luôn hướng các em yêu và thêm yêu hơn nữa âm nhạc truyền thống của người Việt. Yêu âm nhạc truyền thống, các em sẽ yêu hơn tâm hồn người Việt và hiểu hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Điều này không chỉ là cách tôi nối dài tình yêu với âm nhạc truyền thống cho thế hệ trẻ, mà còn là cách giúp các em làm dày hơn về mặt văn hóa, tình cảm khi theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Điều này tôi đánh giá là rất quan trọng, giúp người nghệ sĩ có chiều sâu về mặt văn hóa.
+ Hoạt động nghệ thuật được gần 20 năm, bằng cách nào mà chị vẫn luôn giữ được ngọn lửa đam mê với âm nhạc dân tộc cho đến hiện tại như vậy?
– Từ nhỏ tôi lớn lên bằng những điệu chèo của quê hương, say mê một cách tự nhiên những làn điệu dân ca ba miền của dân tộc… Tất cả như đã ăn sâu vào huyết mạch của tôi, giúp tôi trở thành một Tân Nhàn dân gian như hôm nay. Thú thực thì rất khó để nói rành mạch tại sao giữ được ngọn lửa đam mê với âm nhạc truyền thống, tôi chỉ có thể trả lời rằng: Vì yêu!
Tôi nghĩ mỗi người Việt chúng ta đều lớn lên và được nuôi dưỡng từ vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống. Âm nhạc dân tộc của chúng ta rất phong phú, đa dạng và được “nuôi dưỡng” từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác và mãi về sau này. Thế nên không chỉ có tôi mà chắc chắn rất nhiều người dân Việt Nam yêu âm nhạc truyền thống như yêu bản sắc văn hoá đất nước mình.
Âm nhạc truyền thống của đất nước mình đẹp lắm, khi thưởng thức hay hát lên sẽ đều thấy được dòng chảy lịch sử, văn hóa của dân tộc, thấy được đời sống tinh thần, tâm hồn của người dân Việt trong đời sống hằng ngày từ xưa đến nay. Vậy nên, tôi rất muốn lan tỏa vẻ đẹp âm nhạc truyền thống Việt đến các bạn trẻ, từ các bạn sinh viên của tôi đến khán giả, để mỗi chúng ta sẽ cùng góp sức nhỏ của mình gìn giữ, phát huy vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc.
Luôn trân trọng cách làm, cách nghĩ của thế hệ trẻ
+ Gần đây có nhiều người trẻ đã làm mới lại âm nhạc truyền thống, ví dụ như ca khúc “Về nghe mẹ ru” của NSND Bạch Tuyết và ca sĩ Hoàng Dũng ra mắt năm 2022, ca khúc “Tia sáng cuối cùng” rapper Wowy hợp tác với NSND Bạch Tuyết ra mắt năm 2023… Chị có suy nghĩ như thế nào về việc làm mới này?
– Tôi luôn trân trọng cách làm, cách nghĩ của thế hệ trẻ. Các bạn hiểu thế hệ các bạn nên có những cách làm để phù hợp với thế hệ mình. Sự kết hợp giữa các thể loại âm nhạc hiện đại với âm nhạc truyền thống cũng rất đáng khích lệ, vì tôi cho rằng âm nhạc truyền thống cần nhiều cách, nhiều phương diện lan tỏa hơn nữa.
Tôi tin NSND Bạch Tuyết khi quyết định hợp tác với các bạn trẻ là đã thấy được những lợi ích đặc biệt để lan toả hơn nữa nghệ thuật truyền thống như cải lương đến thế hệ trẻ rồi. Với những người yêu âm nhạc truyền thống sâu sắc như chúng tôi, thì thấy những việc làm đó chỉ có mừng và khích lệ.
Ngay như bản thân tôi khi muốn đưa âm nhạc truyền thống Việt Nam tiệm cận với âm nhạc thế giới, tôi cũng chọn cách kết hợp với dàn nhạc giao hưởng. Điều này vừa để làm mới tác phẩm cho phù hợp với người nghe nhạc hôm nay, tiệm cận với xu hướng âm nhạc thế giới nhằm chinh phục khán giả đa quốc gia, vừa để tôn vinh âm nhạc truyền thống lên một tầm cao mới khi có thể hòa chung với loại hình âm nhạc đỉnh cao là giao hưởng thính phòng.
Là người làm công tác đào tạo âm nhạc, tôi mong có nhiều hơn những tình yêu âm nhạc dân tộc, nhiều cách làm sáng tạo hơn nữa để đưa âm nhạc dân tộc sống trong cộng đồng, trong đời sống tinh thần của thế hệ hôm nay và vươn ra thế giới.
+ Một số ý kiến cho rằng dòng nhạc mang âm hưởng truyền thống, dân gian hiện nay đang dần bị mất vị thế và ít người nghe, chị nghĩ sao về điều này?
– Không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới âm nhạc truyền thống của các quốc gia cũng đều gặp những khó khăn trong việc bảo tồn, phát huy và phát triển do sự phát triển đa dạng và mạnh mẽ của đời sống giải trí hiện đại. Và hầu hết các quốc gia đều cần sự vào cuộc tích cực với những chiến lược dài hơi, nỗ lực bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc.
Trước đây, tôi từng thể hiện một bài dân ca nổi tiếng của Hàn Quốc là Arirang, tôi tìm hiểu thì được biết Hàn Quốc đã chi số tiền là 33,6 tỷ Won để quảng bá và bảo vệ bài hát trong 5 năm. Kế hoạch này nhằm mục đích hỗ trợ tổ chức lễ hội “Arirang” của từng khu vực, như xây dựng một kho lưu trữ bài hát, triển lãm, quỹ nghiên cứu…
Với đất nước ta, càng ngày đang càng có nhiều chiến lược, kế hoạch… bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống trong đời sống hôm nay. Một trong những hiệu quả mà tôi thấy rõ chính là các bạn nghệ sĩ trẻ hôm nay đang tích cực khai thác chất liệu âm nhạc truyền thống cho các ca khúc của mình, và nhiều ca khúc trở thành hit (phổ biến). Bằng nỗ lực và tình yêu ấy, tôi tin âm nhạc truyền thống luôn có con đường để phát triển và sống trong cộng đồng.
+ Xin cảm ơn NSƯT Tân Nhàn!
Hoài Đức (Ghi)
Nguồn: https://www.congluan.vn/nsut-tan-nhan-am-nhac-truyen-thong-cua-dat-nuoc-minh-dep-lam-post300050.html