NSƯT Lê Thiện từng nhận xét NSƯT – đạo diễn Ánh Tuyết may mắn có được một không gian làm nghề rất thuận lợi, vì Nhà hát Tuổi Trẻ là đơn vị duy nhất có nhiều loại hình nghệ thuật bao gồm cả ca, múa, nhạc và kịch. Những vở mà cô dàn dựng mang hơi hướng của sân khấu Broadway, cài vào đó góc nhìn của giới trẻ Việt Nam để họ tìm thấy trong tác phẩm những điều chia sẻ với chính giới trẻ hôm nay.
Gây tiếng vang
Gây tiếng vang lớn nhất phải kể đến việc Ánh Tuyết chọn truyện dài “Trại hoa vàng” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh để chuyển thể. Giới chuyên môn đánh giá cao ý tưởng này, đầu tiên vì tác phẩm văn học của Nguyễn Nhật Ánh rất thu hút các bạn trẻ, sau là do đạo diễn có sự hợp lực của ê-kíp sáng tạo để đưa âm nhạc vào, chính là những ca khúc đang “hot” trên thị trường để đặt nó đúng vị trí, đúng tình huống và cảm xúc nhân vật.
NSƯT – đạo diễn Ánh Tuyết. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
“Trại hoa vàng” thực sự đã nhận được sự ủng hộ của khán giả trẻ vì giới trẻ không chỉ được xem một câu chuyện đẹp mà còn được thưởng thức cả không gian âm nhạc với các ca khúc yêu thích. Như chính Ánh Tuyết chia sẻ đó là cách chị đến gần với khán giả trẻ hơn.
Với điểm tựa vững vàng là Nhà hát Tuổi Trẻ, nơi sản xuất những chương trình nghệ thuật dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng với hàng trăm buổi biểu diễn phục vụ đối tượng khán giả đặc biệt này, đạo diễn Ánh Tuyết chấp nhận đối mặt với vô vàn áp lực để đưa những thử nghiệm mới vào nhạc kịch. Chị chủ động xây dựng chương trình, vở diễn, mạnh dạn đưa một chút âm nhạc cổ điển và viết lời Việt, thêm một chút của nghệ thuật múa ballet vào để khán giả trẻ có thể tiếp cận với nghệ thuật đỉnh cao qua vở “Bầy chim thiên nga”. Ở vở diễn này, dù
mô-típ quen thuộc nhưng những nhân vật công chúa, hoàng tử, mụ phù thủy… luôn được yêu thích khi tất cả không bao giờ cũ trong mắt giới trẻ.
Tìm được chìa khóa sáng tạo
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái dành nhiều lời khen ngợi cho nữ đạo diễn trẻ đã tìm được chìa khóa sáng tạo để gửi gắm vào nhạc kịch sự hài hòa của bức tranh tổng hợp rất nhiều yếu tố. Bà nói Ánh Tuyết chia sẻ lời thoại của “Bầy chim thiên nga” đã được Việt hóa hoàn toàn để phù hợp với khán giả trẻ. Chưa kể, Ánh Tuyết còn mời nhạc sĩ – nhà báo Trần Lệ Chiến viết kịch bản, đưa ra những tình huống mới, đồng thời mạnh dạn đưa vào những yếu tố đang được trẻ em chú ý, như bài hát “Tình bạn diệu kỳ”. Đây là cách làm hiệu quả, bởi khi bài hát ấy vang lên, các em ngồi bên dưới đã nhiệt tình vỗ tay, hòa mình theo câu chuyện.
Cảnh trong vở nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” do chị đạo diễn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Khi bắt tay làm một vở diễn, Ánh Tuyết luôn xác định đối tượng khán giả của mình là ai. Cụ thể với vở “Trại hoa vàng”, chị đã khảo sát 1.000 ý kiến để tìm hiểu các bạn trẻ muốn xem gì, từ đó rút ra quan điểm: Thanh thiếu niên muốn sống đúng với bản thân mình, không muốn phải sống theo sự sắp đặt của người khác.
Nếu “Bầy chim thiên nga” dành cho thiếu nhi, “Trại hoa vàng” như thế giới riêng của lứa tuổi thanh niên thì “Rồi tôi sẽ lớn” (biên kịch Hoàng Anh Tú) là vở nhạc kịch đầu tiên dành cho lứa tuổi dậy thì và cả khán giả phụ huynh mà Ánh Tuyết đã dành nhiều tâm huyết để khẳng định lối đi riêng cho mình. Vở khai thác tâm lý, tình cảm, ước mơ và cả những mâu thuẫn đời sống của những người trẻ trong gia đình, trên ghế nhà trường và cả bên ngoài xã hội.
Đạo diễn Ánh Tuyết ao ước các suất diễn của Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ như những “buổi học ngoại khóa” của học sinh bởi giáo dục giới tính, kỹ năng sống thông qua nghệ thuật sẽ cho các khán giả trẻ cảm thụ nhanh, giúp các em hứng thú với việc nạp kiến thức một cách tích cực.