-Phóng viên: Từ cột mốc là hiệu trưởng trường Nghệ Thuật Sân Khấu 2 (nay là Đại Học Sân khấu – Điện ảnh TP HCM), ông được đánh giá là một nhà giáo, một nghệ sĩ lớn có tư duy và khả năng sáng tạo không mệt mỏi. Với hơn 50 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, ông là thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng và là đạo diễn của rất nhiều tác phẩm sân khấu đỉnh cao tại TP HCM nói riêng và khu vực phía Nam nói chung. Ông có hài lòng với thành quả này?
-NSND Trần Minh Ngọc: Tôi luôn làm theo tâm nguyện được học từ những người thầy đã dìu dắt tôi, tự dặn lòng hễ còn được sức khỏe thì vẫn đứng trên bục giảng, vẫn chuyên tâm là người đưa đò. Khách sang sông có thể quên mình nhưng lúc nào trong tâm trí của mình cũng luôn nhớ từng chuyến đò thân thương đã gắn kết cuộc đời mình với dòng sông mang tên nghề giáo.
Nói là hài lòng thì mênh mông lắm, tôi chỉ có thể nói mình hạnh phúc vì 49 năm qua, TP HCM là chiếc nôi lớn trong đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu sau ngày đất nước thống nhất. Mỗi nghệ sĩ gắn bó với nghề dù ở vị trí nào cũng làm đúng sứ mệnh của mình, tiếp tục vun bồi cho vườn hoa nghệ thuật tươi đẹp, rực rỡ. Càng vui hơn là học trò của tôi không ít bạn giờ đã nối nghiệp tôi, bước vào vị trí đưa đò, làm cho dòng sông tri thức nghệ thuật vẫn chảy mạnh mẽ.
-Ông dàn dựng vở “Chuyến đò định mệnh” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong giai đoạn này phải chăng muốn gửi gắm thông điệp tích cực đến với thế hệ trẻ yêu nghệ thuật?
– Không riêng gì thế hệ trẻ yêu nghệ thuật mà với cả công chúng hôm nay. Tôi nhận lời tham gia dàn dựng tác phẩm này nhân kỷ niệm 1 năm ngày thành lập Sân khấu Thiên Đăng. Vở “Chuyến đò định mệnh” mang một thông điệp tích cực, trong cuộc sống Tâm và Tài trong mỗi con người rồi cũng sẽ đến lúc phải bước chân lên chuyến đò định mệnh của chính mình.
Khi sinh ra con người vốn đã là người lương thiện, chính cuộc sống đã nhào nặn để mỗi người trưởng thành, tạo nên nhân cách và sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Khán giả đón nhận vở diễn đồng nghĩa với việc Sân khấu Thiên Đăng đã tập dần thói quen xem kịch văn học, từng bước nâng cao tính thẩm mỹ trong thưởng thức nghệ thuật.
Xem kịch để giải trí nhưng vẫn phải rút ra được những trăn trở, suy gẫm về đời sống, về thân phận và trên hết là hướng đến ý thức sống có ích cho cộng đồng, cho xã hội.
– Không chỉ NSƯT Thành Lộc mà hầu hết các nghệ sĩ ở lĩnh vực sân khấu tại TP HCM nói riêng và cả nước nói chung luôn nhắc đến ông bằng lòng kính trọng và sự yêu thương hiếm thấy. Ông nghĩ gì về điều này?
– Tôi đến với nghệ thuật sân khấu từ con đường nghiệp dư. Thuở đó tôi từng là diễn viên Đội kịch của Đoàn Thanh niên Lao Động Hà Nội trước khi chính thức trở thành sinh viên khóa đầu tiên Khoa Kịch nói – Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (1961 – 1964), cùng với các nghệ sĩ Doãn Hoàng Giang, Đoàn Dũng, Thế Anh, Trọng Khôi, Hà Văn Trọng, Nguyệt Ánh… Sau khi tốt nghiệp, tôi trở thành diễn viên Đội kịch Thanh niên của Nhà hát Kịch Việt Nam, đến năm 1967, tôi được cử đi tu nghiệp đạo diễn ở Bulgari. Năm 1974, trở về Việt Nam giảng dạy tại trường Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đến năm 1986 thì cùng gia đình vào TP HCM và giảng dạy ở Trường Nghệ thuật Sân khấu 2.
Với NSƯT Thành Lộc tôi đã từng làm việc qua nhiều vở như: “Điều thiêng liêng nhất”, “Giải độc đắc”, “Một cuộc đời bị đánh cắp”, “Monsieur Jourdin au Tonkin”, “Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga”, “Thiên đường tình yêu”, “Tình yêu dành cho hai người”, “Chuyện văn chương”, “Cậu Đồng”, “Cô chủ quán xinh đẹp”…Trong số đó vai chính của vở “Cậu Đồng” đang mang về giải Mai Vàng năm 1998 cho NSƯT Thành Lộc.
Tôi vui vì những cột mốc đáng nhớ về sự nghiệp nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ tại TP HCM khi nhắc đến vai diễn, vở diễn đều có sự đồng hành của tôi. Chính các bạn ấy và nhiều hơn nữa thế hệ học trò sau này đã tiếp cho tôi thêm tuổi thanh xuân, để năm nay 87 tuổi rồi tôi vẫn được làm việc trên sân khấu.
-Trong suy nghĩ của nhiều người, góc nhìn về các đạo diễn khi làm việc thường là hình ảnh của những người khá nóng tính, do phải làm việc với một tập thể không đồng nhất về tính cách, khả năng tư duy, năng khiếu sáng tạo…Ông có bí quyết gì để không nổi nóng trong lúc dàn dựng?
– Tôi tổ chức sự trao đổi để nghệ sĩ phát huy tối đa khả năng sáng tạo, đó là phương pháp khi dàn dựng. Tôi không bao giờ thị phạm cho diễn viên, dù với một số người xem đó là phương pháp dễ, đỡ cực, đạt tiến độ nhanh khi diễn viên không thể hiện đúng mong muốn của đạo diễn về khai thác hành động, tâm lý nhân vật.
Trong quá trình dàn dựng tôi tỉ mỉ phân tích số phận nhân vật, hướng dẫn diễn viên khai thác, giải thích hoặc tìm cách khơi gợi để họ có thể bật ra sự sáng tạo tốt nhất. Mừng là phương pháp của tôi tối ưu hóa sự thăng hoa để từ quá trình tập đến khi vở ra mắt khán giả, vai diễn đã thấm vào hơi thở, máu thịt của diễn viên.
– Sức khỏe không còn như trước, việc đi đứng đã không thuận lợi, ông có nghĩ đã đến lúc phải nghỉ hưu thật sự?
– Từ khi con trai tôi “tịch thu” chiếc xe gắn máy của tôi, thế là bây giờ đều phải nhờ đến xe công nghệ, trời mưa thì nhờ các bác tài taxi. Có lần gặp bác tài tốt bụng, nhận ra tôi không nhận tiền còn đưa số điện thoại, nói khi nào thầy cần đi đâu mà không gọi được xe thì gọi em. Và rồi rất nhiều học trò tình nguyện chia ca để đưa đón thầy, từ tình cảm đó tôi khó mà nghỉ hưu đúng nghĩa. Tôi có một tình yêu rất kỳ lạ , rất khó có thể lý giải một cách rõ ràng với công việc đào tạo. Hạnh phúc là sau 50 năm, cảm giác đó vẫn còn nguyên vẹn. Tình yêu đó giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn và chưa bao giờ có ý định rời xa nghề giáo.
Với lĩnh vực sân khấu, công việc đào tạo giúp tôi được tiếp xúc với thế hệ trẻ, họ là những người đầy ắp đam mê, nhiệt huyết và cả những ý tưởng, sáng tạo mới mẻ. Nhờ vậy tôi thấy mình luôn thanh xuân. Nếu bảo người làm sân khấu sợ nhất điều gì, đó là sự già cỗi trong tâm hồn. Tôi đã cố gắng để đầu óc mình không khô cứng, để tiếp tục dung nạp những sáng tạo mới. Đi xem nhiều, tham gia các hội thảo, tọa đàm là công việc không chỉ giúp tôi giữ được sự cân bằng tâm hồn mà còn học được rất nhiều điều mới mẻ từ chính các học sinh của tôi.
NSND Trần Minh Ngọc không chỉ là một người thầy đáng kính trọng mà còn một tài năng lớn. Thầy giỏi Pháp ngữ nên đã dịch nhiều tác phẩm sân khấu, trở thành bài học quý cho thế hệ chúng tôi. Thầy luôn là tấm gương mẫu mực về lòng đam mê, tận tụy tìm hiểu, học hỏi, cập nhật để làm tốt công tác đào tạo và là điểm tựa cho nhiều thế hệ những người làm sân khấu chúng tôi” – NSND Hồng Vân đong đầy cảm xúc yêu thương khi nói về NSND Trần Minh Ngọc.
Nguồn: https://nld.com.vn/nsnd-tran-minh-ngoc-tam-va-tai-cung-deu-thu-thach-tren-chuyen-do-dinh-menh-196240916115822264.htm