Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Đình Hạc qua đời vào lúc 18h30 ngày 1/7/2023, hưởng thọ 90 tuổi, tại bệnh viện Hữu nghị Việt- Xô tại Hà Nội.
Chia sẻ với phóng viên VTC News, đạo diễn Bùi Trung Hải – con trai cố nghệ sĩ Bùi Đình Hạc – cho biết ông qua đời tại sau thời gian bị tai biến mạch máu não, viêm phổi: “Ông bị tai biến nhiều năm nay, chân tay đi lại khó khăn, nhưng vẫn minh mẫn. Hôm 30/6 ông cảm thấy lạnh, sốt nên gia đình đưa vào bệnh viện. Sau đó các bác sĩ chẩn đoán viêm phổi, các chỉ số giảm nhanh rồi ông ra đi”.
NSND Bùi Đình Hạc là một trong những nghệ sĩ tiêu biểu thế hệ đầu của điện ảnh Việt Nam, ông đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của điện ảnh dân tộc, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam ngày hôm nay.
Ông đã đạo diễn bộ phim Nước về Bắc Hưng Hải năm 1959, khi mới 25 tuổi. Bộ phim đã đoạt giải Vàng tại Liên hoan phim Mát-xcơ-va năm 1959. Giải thưởng này là cột mốc quan trọng của điện ảnh cũng như các ngành nghệ thuật khác của Việt Nam, khi là tác phẩm đầu tiên của một ngành nghệ thuật Việt Nam được tặng giải Vàng tại một Liên hoan nghệ thuật có tầm cỡ toàn cầu. Đây cũng là tác phẩm mở đầu của sự nghiệp sáng tạo dài lâu, với những thành tựu lớn lao vượt bậc của ông.
NSND Bùi Đình Hạc từng giành được nhiều giải thưởng lớn: 3 giải nhất, 1 giải nhì tại tại các LHP lớn quốc tế, 7 giải thưởng Bông sen Vàng, 1 giải thưởng Bông sen Bạc tại các LHP Việt Nam.
Những bộ phim do đạo diễn Bùi Đình Hạc chỉ đạo là những tác phẩm điện ảnh độc đáo gây xúc động mạnh cho người xem: Nước về Bắc Hưng Hải (1959), Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi (1964), Nguyễn Văn Trỗi (1966), Đường về quê mẹ (1971), Sài gòn tháng 5 năm 1975 (1975), Bài ca dâng Bác (1978), Nguyễn Ái Quốc đến với Lenin (1979), Đường về Tổ quốc (1980), Hồ Chí Minh – Chân dung một con người (1989), Hà Nội – 12 Ngày Đêm (2002)…
Với những thành tựu đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực sáng tác điện ảnh, năm 1984 ông đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (đợt 1), năm 2007 ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho 7 tác phẩm điện ảnh đặc sắc của mình.
Ngoài ra ông còn là một nhà quản lý rất có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của ngành điện ảnh, ông đã trải qua các cương vị: Giám đốc Hãng phim Thời sự Tài liệu Trung ương, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam….
Ông đã ra đi thanh thản qua một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật. Sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương cho người thân cũng như những đồng nghiệp.
Hạnh Lê
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ