Nhà tôi ở gần nhà chị, tôi thỉnh thoảng ghé khu tập thể 28B Điện Biên Phủ để vào nghe chị hát. Nhớ cách đây mấy năm, tôi đến nhà chị không phải để nghe chị hát mà để hỏi chuyện chị. Dù có hẹn trước nhưng tôi cũng phải dợi ngoài cửa dăm phút đợi chị dậy hát cho học trò. Ca sĩ Bích Việt ra mở cửa, chị đưa tay kéo tấm rèm che cửa rồi bảo tôi vào nhà.
Chị bảo: “Nhà ở khu tập thể nên mỗi khi luyện cho học trò hát chị không những đóng chặt cửa mà còn kéo rèm che nữa”. Tôi “thắc mắc”: “Việc gì chi phải cầu kỳ thế?”. Ca sĩ Bích Việt cười: “Thì chị đã nói rồi. Nhà ở khu tập thể nên chị làm thế để không “làm phiền” hàng xóm”. Tiện thể tôi nói vui: “Giá như chị cứ theo nghiệp hát, tức là cứ làm ca sĩ biểu diễn ấy, tiền vừa nhiều, giải thưởng lại có thêm. Nếu như thế thì chị đã được “lên” Nghệ sĩ nhân dân” lâu rồi chứ cứ Nghệ sĩ ưu tú mãi”. Ca sĩ Bích Việt cười hóm: “Chị vẫn đi hát. Mà cũng “già rồi” chuyện thi cử để nhận Giải thưởng dành cho các em các cháu”.
Tôi lần này đến thăm chị thì hào hứng nói luôn: “Cuối cùng thì chị cũng “lên” Nghệ sĩ Nhân dân. Xin chúc mừng chị. Danh hiệu tuy có muộn nhưng nó rất xứng đáng”. NSND Bích Việt cảm ơn rồi bảo: “Danh hiệu nào thì chị vẫn theo đuổi nghề dạy hát em ạ. Được truyền lại kinh nghiệm cho các em các cháu là chị vui rồi”.
NSND Bích Việt tên đầy đủ là Ma Thị Bích Việt, chị là người dân tộc Tày. Chị sinh ra ở quê ngoại, làng Do Nghĩa, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Chị kể rằng:”Tuổi thơ của chị gắn với những thửa ruộng ngát xanh, với những đồi cọ xòa ô che nắng”. Tôi thì lại nghĩ rằng: Sự yên ả nhường ấy của vùng đồi núi trung du, cùng những câu hát xoan ghẹo mà chị nghe được từ bà ngoại, từ mẹ và từ những người bà con trong xóm đã sớm gieo vào lòng chị những dư âm khó dứt.
Còn nhớ, một ngày đầu tháng 6 năm 1972, cô gái Ma Thị Bích Việt vừa tròn 18 tuổi, sau khi dậy từ 4 giờ sáng để qua nhà hàng xóm mượn xoong nồi bát đĩa về làm đám cưới cho người anh trai là bộ đội về phép cưới vợ. Chị bảo: “Sáng đó sau khi mượn xong bát đĩa thì chị “ngấm ngầm” chạy bộ từ nhà lên thị trấn Lâm Thao khám tuyển bộ đội”. Lúc đến phòng khám chị e dè đứng núp sau những người dự khám và chờ đợi người ta gọi tên mình. Mãi tới gần trưa thì tên chị mới được xướng mời vào khám sức khỏe.
Cô thôn nữ Ma Thị Bích Việt bước vào, mấy cán bộ tuyển quân nhìn thấy cô thôn nữ có vóc dáng bé nhỏ thì chẳng cần cân đo cũng biết là không đủ tiêu chuẩn. Cô gái nhỏ Bích Việt đứng thần mặt ra khi biết “người ta chê” mình nhỏ bé quá thì buồn thườn thượt. Chị bảo: “Chắc thấy chị buồn nên người cán bộ tuyển quân, mà đến tận giờ Bích Việt vẫn thân mật gọi là “chú Kiên”, bèn tới bên và hỏi kiểu động viên “Cháu có biết hát không?”. Những tưởng cô gái quê sẽ khóc òa và bỏ chạy, ai dè cô lại ngẩng cao mặt “Dạ. Cháu biết hát ạ”. Và rồi cô đĩnh đạc cất giọng hát “Yên tâm vững bước mà đi hỡi người mà em yêu”. Giọng hát cao và trong trẻo đã khiến “chú Kiên” gật đầu và nói “Được. Hát hay lắm. Tuyển vào đội Tuyên văn”.
Ma Thị Bích Việt thành “thím bộ đội” một cách chẳng giống ai. Hát hay là “đỗ” vào đơn vị bộ đội. Tôi nói đùa: “Đơn xin nhập ngũ của chị độc đáo quá. Hát xong một bài là được duyệt”. NSND Bích Việt cười: “Thế mới có ca sĩ Bích Việt chứ”.
NSND Bích Việt cho biết: “Đúng như lời hứa của “chú Kiên” hôm tuyển quân. Chị được về đội Tuyên văn Binh chủng Tăng thiết giáp thật. Chiến sĩ Ma Thị Bích Việt được biên chế về C11 thuộc Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp. Đó là một đơn vị có nhiệm vụ đào tạo thợ sữa chữa xe tăng. Chị được học sửa chữa máy bộ đàm xe tăng T54. Vừa học làm thợ vừa tham gia văn nghệ. Sau một thời gian ngắn tập trung đi biểu diễn thì đội lại giải tán. Bích Việt về lại C11 và lần này cô học nghề tiện. Đúng 2 năm như thế thì Hội diễn Toàn quân khai mạc, cô thợ trẻ Bích Việt được Binh chủng tuyển chọn đi dự hội diễn. Hội diễn kết thúc cũng là lúc cuộc đời của Bích Việt rẽ sang hướng khác, cô chính thức được “lệnh” về Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị ngay lập tức.
Những tưởng cô văn công hay như hồi đó người ta thường gọi là “diễn viên hát” Bích Việt sẽ “chung tình” với những lần đi biểu diễn phục vụ bộ đội. Những tưởng chị sẽ “mãi mãi” theo nghiệp ca hát cùng Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Nhưng rồi có một “sự thay đổi” không hề nhỏ.
Đó là, năm 2000, khi 46 tuổi, ca sĩ Bích Việt được điều về về Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội để làm thầy. Và cũng từ đó chị đã bỏ lỡ nhiều cơ hội nhận giải thưởng. Chị tâm sự “Sau hơn hai mươi năm đi biểu diễn giờ là lúc tôi muốn đem kinh nghiệm, kiến thức để đào tạo lớp ca sĩ kế tiếp”.
Với 18 năm trực tiếp giảng dạy chị đã có công đào tạo nhiều ca sĩ thành danh (đã có nhiều học trò trở thành NSƯT như các ca sĩ Thái Hằng, Hải Yến, Nhật Thuận…), nhiều người hiện đảm trách vị trí chủ chốt trong các đoàn văn công các quân khu và các tỉnh. Cô học trò yêu Uyên Linh đoạt Quán quân Vietnam Idol 2010. Cô học trò cưng Hà Linh đoạt Giải Nhất Sao Mai 2010. Riêng chị đã đoạt Giải Nhất “Cuộc thi hát thính phòng” khu vực miền Bắc năm 1987 và Giải Nhì toàn quốc.
Tôi nhớ cũng mấy năm trước có nói với chị: “Thành tựu ca hát và đào tạo như vậy sao đợt phong danh hiệu NSND không thấy tên chị?” – tôi lại thật thà hỏi. “Ca sĩ Bích Việt ngồi tựa lưng vào cây đàn piano mà thong thả nói “Được mọi người yêu quý giọng hát của mình là vui rồi”.
Biết hôm đó chị trả lời thật nên tôi cũng gật đầu đồng ý nhưng trong lòng cứ thấy “tiêng tiếc” như chính mình bị mất một điều gì đó. Tôi nhớ hôm đó chị đã “an ủi” tôi bằng kể chuyện nhà. Chị bảo: “Hồi còn sống ở làng. Từ đình Do Nghĩa đi qua Cống Sủng là tới làng Nghìa cùng xã, ở bên đó có một chiếc giếng nước tự nhiên gọi là Giếng Giá, thông ra sông Hồng quanh năm không bao giờ cạn. Nước Giếng Giá ngọt, trong và mát”. Truyền tích kể rằng: Có một cô công chúa con Vua Hùng một bữa đem đàn ra ngồi bên thành giếng để gẩy. Chẳng may công chúa tuột tay, cây đàn rơi xuống giếng. Từ đó Giếng Giá trở nên linh. Nước đã ngọt càng thêm ngọt. Nước đã trong lại càng trong. Những ai uống nước Giếng Giá đều có giọng nói hay, có bản tính yêu thương.
Tham gia giảng dạy thanh nhạc ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). Giảng viên Thanh nhạc, Đại tá Ma Thị Bích Việt đã góp phần đào tạo nên những giọng hát cho quân đội cũng như cho đất nước.
Với 18 năm trực tiếp giảng dạy chị đã có công đào tạo nhiều ca sĩ thành danh (đã có nhiều học trò trở thành NSƯT như các ca sĩ Thái Hằng, Hải Yến, Nhật Thuận…), nhiều người hiện đảm trách vị trí chủ chốt trong các đoàn văn công các quân khu và các tỉnh. Cô học trò yêu Uyên Linh đoạt Quán quân Vietnam Idol 2010. Cô học trò cưng Hà Linh đoạt Giải Nhất Sao Mai 2010. Riêng chị đã đoạt Giải Nhất “Cuộc thi hát thính phòng” khu vực miền Bắc năm 1987 và Giải Nhì toàn quốc.
Nguồn: https://daidoanket.vn/nsnd-bich-viet-nghe-thay-nghiep-hat-10298256.html