Trong tập 11, chặng cuối của Học viện Cải lương, thí sinh được đào tạo kỹ năng độc diễn. Kỹ năng này được xem như sự khai phá đặc biệt cho sân khấu Việt Nam, mà người tiên phong là Viện trưởng NSND Bạch Tuyết. Bà từng ghi dấu ấn vào năm 1992 khi cho ra mắt Diễn kịch một mình, của tác giả Lê Duy Hạnh, tại sân khấu 5B.
Học viện Cải lương có NSND, Tiến sĩ nghệ thuật Bạch Tuyết là Viện trưởng, cùng các nghệ sĩ cải lương Châu Thanh, Thanh Hằng và “thầy đờn” – nhạc sĩ, NSND Thanh Hải
Để độc diễn, đòi hỏi nghệ sĩ phải tổng hợp được tất cả kỹ năng: ca, diễn, biểu đạt cảm xúc, vũ đạo… Đó cũng là những gì thí sinh đã được đào tạo trong suốt chặng hành trình vừa qua. Ngoài việc tích hợp kỹ năng thì làm sao để thu hút, lôi cuốn khán giả khi chỉ diễn một mình được xem là thử thách lớn cho nghệ sĩ.
Theo NSND Bạch Tuyết, muốn độc diễn thì phải có nội lực, tập luyện liên tục để tự tin, không bị phân tâm. Ngoài việc hòa nhập vào nhân vật thì phải giữ sự tỉnh táo, khách quan cá nhân để định hướng cho các nhân vật đi đúng hướng.
“Chuyên tâm học hành là điều quan trọng hàng đầu”, NSND Bạch Tuyết nói. Để một nghệ sĩ có thể sắm nhiều vai cùng lúc thì phải tìm ra đặc điểm riêng của nhân vật, diễn cho ra chất của họ.
NSND Bạch Tuyết chia sẻ cùng các thí sinh Học viện Cải lương
Một vấn đề khác được đặt ra là khi không có bạn diễn cùng thì diễn viên dễ bị “gãy” cảm xúc nếu diễn một mình. NSND Bạch Tuyết cho rằng phải tạo ra các mắt xích chặt chẽ trong tác phẩm, ghi nhớ chúng. Bà nhấn mạnh điều đầu tiên là phải có giọng ca hay. NSND Thanh Hải cho rằng âm nhạc hay, việc cảm nhạc tốt cũng tạo điều kiện cho nghệ sĩ thể hiện các vai hay hơn.
Nhắc lại kỷ niệm hơn 30 năm trước khi cho ra mắt Diễn kịch một mình, NSND Bạch Tuyết nói đây là một thử thách đầy thú vị. Theo bà, khi nghệ sĩ chỉ lơ là 1 giây, mắt láo liên trên sân khấu sẽ khiến cảm xúc của khán giả đứt gãy ngay, dẫn đến thất bại.
Nghệ sĩ phải yêu con người, sự sống, cái đẹp, đất nước… mới làm tròn nhiệm vụ của diễn viên. Việc thực hiện một điều mới mẻ và được chấp nhận không dễ dàng. “Thật ra cực khó, đòi hỏi nghệ sĩ, diễn viên phải kiên trì. Cái mới bao giờ cũng khó khăn khi tiếp cận công chúng. Bởi khi người ta chưa hiểu thì chưa thương, tiếng bấc tiếng chì, thậm chí có những lời miệt thị mình không ngờ được.
Nhưng theo tôi khi làm điều gì đó mới mẻ, trước nhất làm cho mình vui, đặc biệt những điều đó giúp mọi người tốt hơn, gần nhau hơn, sống hạnh phúc hơn. Nếu có tâm làm điều gì đó tốt đẹp thì làm sao phải lo sợ. Đi trên con đường mới do chính mình tự mở chắc chắn sẽ rất cô đơn. Nhưng khi cái mới đó được khán giả đồng hành, chấp nhận thì không có hạnh phúc nào bằng. Đó là lý do đến hiện tại tôi vẫn muốn những điều mới mẻ. Cuộc sống hữu hạn vì sao phải chờ đợi mà không chủ động khai phá”, NSND Bạch Tuyết tâm sự.
Theo NSND Bạch Tuyết, để có được một vở diễn độc diễn thành công phải gồm các yếu tố: nghệ sĩ giỏi, tác giả giỏi, nhạc sĩ giỏi, đạo diễn giỏi. Nhớ lại diễn kịch một mình, bà thấy biết ơn tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Nguyễn Hồng Phúc, tiến sĩ Quang Hải, họa sĩ NSND Lương Đống.
Bà tập luyện vở diễn này trong 2 tháng. Vở diễn kéo dài 1 tiếng 10 phút, nhưng mỗi lần tập bà sẽ tập 3 tiếng 30 phút liên tục, giúp bà khắc phục được nhiều khuyết điểm, chẳng hạn như việc thở hổn hển khi nói liên tục… Sau khi tập xong, bà mời Giáo sư Hoàng Như Mai, họa sĩ Trịnh Cung, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, NSƯT Lê Thiện… đến xem thử, không có hóa trang, trang điểm… Sau đó tất cả đều cho rằng nên đưa vở diễn này ra mắt công chúng vì vừa lạ, vừa đẹp, có nhiều thông điệp ý nghĩa với thời đại.
Sau phần đào tạo, top 10 Học viện Cải lương sẽ tham gia thi các phần độc diễn. Dự kiến Ban Giám khảo sẽ chọn ra top 4 bước vào đêm chung kết, tranh tài cho những ngôi vị cao nhất./.
Nguồn: https://toquoc.vn/nsnd-bach-tuyet-noi-ly-do-muon-nhung-dieu-moi-me-trong-cai-luong-san-khau-20240614172634051.htm